Lời nói bay đi, chữ hay ở lại

01/09/2020 06:15 GMT+7

Bộ óc bách khoa của nhà bác học Phan Ngọc ngừng tư duy vào ngày 26.8 ở tuổi 96.

Nhớ về ông, tôi nghĩ đến một cây tùng cây bách tỏa bóng trong học giới Việt Nam. Nhớ về ông, tôi nhớ đến một nhà bác học hay chữ. Người hay chữ trong học giới Việt Nam rất hiếm. Chữ ông dùng người khác không dùng được. Có lần, ông nói với tôi về một câu ngạn ngữ của Hy Lạp: Lời nói bay đi, chữ viết ở lại. Nhớ về ông, tôi xin được sửa lại một chút, đó là: Lời nói bay đi, chữ hay ở lại.
Chữ viết có nhiều song chữ hay thì người đọc khó quên. Nhà bác học Phan Ngọc đã xây dựng được các khái niệm “vượt gộp”, “thức nhận”, “thao tác luận”… Ông còn khái quát trong bản sắc văn hóa Việt Nam khái niệm 4F: Fatherland (Tổ quốc), Family (gia đình), Fate (thân phận) và Face (diện mạo). Bốn điểm này tạo nên hệ giá trị Việt Nam: Tổ quốc độc lập, gia đình hòa thuận, thân phận được bảo đảm và diện mạo được tôn trọng.
Ba mươi tuổi, Phan Ngọc về công tác tại Trường ĐH Sư phạm Văn khoa mới thành lập sau ngày giải phóng (1954). Ban đầu, Phan Ngọc được cử làm trợ giảng cho Giám đốc Trường ĐH Sư phạm Văn khoa Đặng Thai Mai - người có một bộ óc cường ký, đọc thiên kinh vạn quyển. Một hôm, Đặng Thai Mai cho gọi Phan Ngọc lại và hỏi: “Anh dạy được môn nào?”. “Thưa bác, bác giao môn gì con xin dạy môn ấy”. Đặng Thai Mai cười hỏi: “Thế anh có dạy được văn học Trung Quốc không?”. Phan Ngọc thưa: “Nếu bác cho dạy thì con dạy”. Đặng Thai Mai nhìn Phan Ngọc vẻ ngờ vực: “Anh đọc Kinh thi chưa?”. “Con không những đọc mà còn thuộc”.
Và giờ lên lớp đầu tiên với bài giảng Hồng môn yến trong Sử ký của Tư Mã Thiên, Phan Ngọc đã chinh phục được không chỉ riêng những sinh viên Trường ĐH Sư phạm Văn khoa mà ngay cả vị giám đốc khó tính là Đặng Thai Mai cũng phục lăn.
Từ người trợ giảng của Hiệu trưởng Đặng Thai Mai, Phan Ngọc đã đứng lớp giảng 6 bộ môn thay các vị giáo sư bậc thầy, trong đó có văn học Trung Quốc, văn học phương Tây, ngôn ngữ học, lý luận văn học...
Khi dịch sách, ông ký bút danh Nhữ Thành. Bút danh này do cha ông là cụ Phó bảng Phan Võ chọn cho từ câu trong sách Tây Minh của Trương Hoành Cừ (đời Tống): “貧賤憂戚,庸玉汝於成也” (Bần tiện ưu thích, dung ngọc nhữ ư thành dã/Nghèo khó, lo lắng, sẽ mài giũa ta thành viên ngọc).
GS Phạm Đức Dương đánh giá: Phan Ngọc là người đầu tiên mở đường liên ngành đi từ ngữ văn học đến văn hóa học. Cụ thể, ông là tác giả các công trình về ngôn ngữ: Cách chữa lỗi chính tả cho học sinh, Mẹo giải nghĩa từ Hán Việt, Thử xét văn hóa - văn học bằng ngôn ngữ học. Về văn học có: Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Thi Thánh Đỗ Phủ và một nghìn bài thơ... Và văn hóa: Văn hóa Việt Nam cách tiếp cận mới, Một thức nhận về văn hóa Việt Nam, Bản sắc văn hóa Việt Nam... Được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2000) với hai công trình lớn: “Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều” “Bản sắc văn hóa Việt Nam” nhưng nhà bác học Phan Ngọc vẫn làm việc không ngừng nghỉ.
Lễ viếng học giả Phan Ngọc được tổ chức vào hồi 10 giờ 45 ngày 1.9 tại Nhà tang lễ 125 Phùng Hưng (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội). Lễ truy điệu và đưa tang hồi 11 giờ 45 cùng ngày. Hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ Văn Điển, Hà Nội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.