Lỗi tại… quy trình

09/07/2018 05:11 GMT+7

Giám đốc Đài phát thanh - truyền hình Hà Nội mới đây đã thẳng thắn than phiền về 40% cán bộ không làm được việc nhưng không thể sa thải.

Một trong các lý do lãnh đạo đài Hà Nội đưa ra có việc “con ông nọ, cháu bà kia”, nhưng đó cũng chỉ là một phần. Lý do khác là “không làm được việc”, nhưng lại “cứ đi ra đi vào thôi, không cãi ai, không chửi ai, nên rất khó đuổi”, vì muốn đuổi việc phải đúng... quy trình.
Ở chiều ngược lại, cái “quy trình” ấy cũng làm khổ rất nhiều người muốn nghỉ việc, và trong nhiều trường hợp, “quy trình” buộc cán bộ phải gian dối. Với những gì đang xảy ra gần đây ở Đà Nẵng, Vũng Tàu, Quảng Ngãi... không thể phủ nhận một thực tế là nhiều cán bộ muốn rời bỏ khu vực nhà nước vì lý do cá nhân.
Cán bộ muốn ra khỏi biên chế trong bối cảnh nhà nước muốn tinh giản biên chế, tưởng là đã hội tụ đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, nhưng không phải cứ đệ đơn xin nghỉ là được. Cán bộ có nguyện vọng nghỉ, cơ quan có nguyện vọng cho nghỉ, nhưng nguyện vọng còn phải... phù hợp với quy trình quy định tại Nghị định 46/2010 và Nghị định 108/2014.
Có trường hợp một công chức cấp sở muốn bỏ biên chế, cơ quan cũng rất tán thành, nhưng để cho đúng thủ tục, cán bộ này phải viện đến lý do “sức khỏe không đảm bảo”. Rồi chiếu theo Nghị định 108, dù chẳng ốm đau gì, người này cũng phải xin nghỉ ốm cho đủ số ngày theo quy định. Bi hài hơn, dù rảnh rỗi đến đâu, người này cũng không được nghỉ ngơi một cách... phô trương quá, bởi đang trong thời gian... “nghỉ ốm”.
Trong quá trình đó, cơ quan cũng lại phải tổ chức vài cuộc họp (ai cũng biết) đầy hình thức, trong đó không thể thiếu màn trình bày lý do, nguyện vọng - mà các lý do hơn phân nửa là nói dối; sau đó tới cơ quan vận động, thuyết phục - cũng hơn phân nửa không thực lòng (vì cơ quan cũng đang cần giảm biên chế), cuối cùng, cán bộ được như ý nguyện - “được” tinh giản ra khỏi bộ máy. Để hoàn thành chặng đường này phải mất tới cả năm trời (nhiều trường hợp còn mất vài năm), với thời gian của không biết bao nhiêu người bị lãng phí, công việc chung - riêng đều bị ảnh hưởng, cơ hội mất đi... Điều đáng nói hơn là nhiều khi quy trình buộc người ta phải giả dối, vì muốn thẳng thớm nghỉ việc thì không được, vì... không đúng quy trình!
Không phải bỗng dưng Đảng, Nhà nước giương cao ngọn cờ “tinh giản biên chế”, và mục đích của cuộc tinh giản đương nhiên không phải để tạo ra các quy trình, mà để chắt lọc, chưng cất lại bộ máy. “Quy trình” chỉ là phương tiện. Vì thế, khi quy trình đã sinh ra phiền hà, khiến cơ quan không sa thải người được, khiến người muốn nghỉ việc cũng không nghỉ được, thì là lúc quy trình phải thay đổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.