Ghi điểm từ thông điệp không giáo điều
Bộ phim truyền hình Hàn Quốc Hometown Cha Cha Cha (tựa Việt: Điệu cha cha làng biển) vừa kết thúc phát sóng, nhưng những lời thoại trong phim vẫn được nhiều khán giả nhắc đến cùng những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống. Như lời của nhân vật bà Gam Ri nói với chàng trai Doo Sik khiến mọi người không thể không ngẫm nghĩ: “Cuộc đời tưởng chừng rất dài, nhưng sống rồi mới biết ngắn lắm. Phải vứt hết những suy nghĩ thừa thãi và sống với chính mình”, hay câu nói về quan điểm sống của bà Gam Ri đáng để người khác phải nhìn vào: “Để ý kỹ xung quanh mới thấy, cuộc đời có quá nhiều điều quý giá. Tôi thấy mỗi ngày trong cuộc đời như hôm trước khi đi dã ngoại”. Tại Hàn Quốc, bộ phim đã tạo nên “cơn sốt” và tập cuối của phim đạt tỷ lệ người xem (rating) đến 12,7% - theo thống kê của Nielsen Korea (công ty đo tỷ lệ người xem truyền hình tại Hàn Quốc).
Chúng ta không đủ tư cách để nói về sự được mất trong cuộc đời của người khác, vì chúng ta không sống cuộc sống của họ. Những gì chúng ta trải qua không giống như họ. Và điều quan trọng nhất là chúng ta không thể đau nỗi đau của họ.
Cũng như Điệu cha cha làng biển, nhiều bộ phim truyền hình Hàn Quốc được nhà làm phim chú trọng đến việc xây dựng lời thoại mang thông điệp mà không nặng giáo điều. Đây cũng là ưu điểm và là yếu tố quan trọng để phim truyền hình Hàn chinh phục khán giả không chỉ ở trong nước mà cả nước ngoài.
Trong khi đó, dù lời thoại trong nhiều phim truyền hình Việt hiện chưa thể nói là đã thoát nhạt, thiếu tự nhiên, giáo điều, tuy nhiên đã có những bộ phim ghi điểm với lời thoại không kém phần sâu sắc và thú vị. Chẳng hạn trong Về nhà đi con - bộ phim từng là hiện tượng truyền hình cách đây 2 năm, lời nói của nhân vật bố Sơn với các con khiến khán giả cảm động: “Bố chẳng có gì ngoài 3 đứa, coi như là 3 bình rượu mơ. Rượu quý chỉ dành cho những người xứng đáng thôi”. Đó còn lời nhắn thủ thấm thía của cha với con: “Bố tin là đến một lúc nào đó con đủ trưởng thành, con sẽ hiểu thứ đắng cay nhất, thứ khó học nhất chính là lòng vị tha” và tình cảm vô bờ bến mà cha dành cho con: “Về nhà đi con! Bố không muốn con phải sống giả vờ yên ổn, giả vờ hạnh phúc”.
Bộ phim 11 tháng 5 ngày (đang phát sóng những tập cuối trên VTV3) không chỉ mang đến những giờ phút giải trí thoải mái, mà còn khiến người xem phải ngẫm nghĩ về những bài học của tuổi trẻ cùng lời thoại trong phim. Có lúc khán giả được cười với những câu nói hài hước, thư giãn như: “Trứng rán cần mỡ, bắp cần bơ, yêu không cần cớ, cần Vân cơ”, hay “Già hay trẻ không nằm ở những con số”; có lúc lại phải ngẫm nghĩ với những câu thoại như: “Chúng ta không đủ tư cách để nói về sự được mất trong cuộc đời của người khác, vì chúng ta không sống cuộc sống của họ. Những gì chúng ta trải qua không giống như họ. Và điều quan trọng nhất là chúng ta không thể đau nỗi đau của họ”. Không khó hiểu khi bộ phim đã đứng đầu bảng xếp hạng top 10 chương trình truyền hình có tỷ lệ người xem cao nhất trong tháng 9 - theo trang Kantar Media Vietnam.
Bộ phim 11 tháng 5 ngày với những lời thoại mang thông điệp ý nghĩaẢnh: |
Trông vào tài năng của biên kịch và diễn viên
Biên kịch Lại Phương Thảo (phim 11 tháng 5 ngày) cho hay để xây dựng lời thoại vừa có thông điệp mà không giáo điều, theo chị, điều quan trọng là “khi xác định những đoạn thoại trọng tâm thì sẽ cố gắng viết sao cho thuận miệng mình nhất khi đọc ra”, bên cạnh đó “phải xác định nhân vật phù hợp với việc nói ra thông điệp”. “Lời thoại mang yếu tố hài hước là phần không khó với cá nhân tôi, vì rất gần với tính cách của tôi ở bên ngoài, nhưng phần lựa chọn đưa thông điệp, ý nghĩa vào thoại, và tìm cách truyền tải nó một cách hấp dẫn, hiệu quả, là thứ khiến tôi tốn nhiều thời gian và suy nghĩ”, chị nói.
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã dành 10 năm để ấp ủ và hoàn thành kịch bản phim Sinh tử. Với chủ đề về chống tham nhũng và sự tha hóa quyền lực, bộ phim có nhiều tuyến nhân vật là những quan chức, bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh, doanh nhân, kiểm sát viên… Bởi vậy, nhiều đoạn thoại mang ngôn từ chuyên ngành hoặc mang tính chính trị của cơ quan quản lý. Trong quá trình viết kịch bản, nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã phải tham khảo từ người đang công tác ở những cơ quan liên quan, trong đó có viện KSND.
Lời thoại trong phim Sinh tử là thử thách không nhỏ cho diễn viên |
VFC |
Ngoài ra, không thể phủ nhận việc lời thoại có thuyết phục khán giả hay không còn ở phần truyền tải của diễn viên. Vào vai bí thư tỉnh ủy trong phim Sinh tử, NSND Trọng Trinh chia sẻ có lúc anh phải quay tới 72 đúp chỉ để ghi hình 3 câu thoại. “Lời thoại của nhân vật phải chuẩn chỉ, rõ ràng, rành rọt, đồng thời phải đưa ra thông điệp”, NSND Trọng Trinh cho hay.
Biên kịch Lại Phương Thảo cũng nhìn nhận diễn viên có vai trò quan trọng trong việc “tải thoại”, nhất là thoại mang nhiều thông điệp, ý nghĩa. “Trong phim 11 tháng 5 ngày, vào vai Đăng - chàng trai “trong sách giáo khoa” có rất nhiều thoại khô, cứng, nhưng Thanh Sơn qua giọng thoại của mình đã biến những lời Đăng nói dễ đi vào lòng người. Trung “Ruồi” vào Long “đần” đã khiến thoại thêm chân thật, không hoa mỹ, có lúc thô mà thật. Và NSND Mạnh Cường đã rất xuất sắc khi nắm giữ nhiều câu thoại “đinh”, quan trọng của phim”, Lại Phương Thảo nói.
Ở bộ phim Về nhà đi con, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng còn cho phép các diễn viên được quyền sáng tạo với lời thoại. Trước mỗi cảnh quay, đạo diễn và các diễn viên thường trao đổi về thoại. Họ không cần “tuân thủ” tuyệt đối vào kịch bản có sẵn, mà có thể tung hứng, thậm chí thêm hay thay đổi lời thoại để “đời” hơn, gần gũi hơn.
Bình luận (0)