Lõi trái đất nguội nhanh hơn vẫn tưởng?

20/01/2022 15:38 GMT+7

Các nhà nghiên cứu cảnh báo lõi trái đất có lẽ đang nguội đi nhanh chóng, từ đó đẩy nhanh tiến độ khiến địa cầu chuyển sang giai đoạn không còn phù hợp cho con người tiếp tục sinh sống.

Mô phỏng lõi của trái đất

shutterstock

Trong báo cáo đăng trên chuyên san Earth and Planetary Science Letters, một nhóm các nhà nghiên cứu tính toán được lớp manti của trái đất đang nguội đi nhanh hơn, từ đó làm suy yếu nhiều hoạt động địa chấn so với dự tính trước đó.

Đội ngũ chuyên gia ghi nhận tốc độ thất thoát nhiệt của địa cầu “có liên hệ trực tiếp đến câu hỏi về độ dài thời gian trái đất có thể tiếp tục hoạt động tích cực như trước đây”.

Hành tinh của chúng ta đang nguội đi trong lịch sử 4,5 tỉ năm. Để xác định tốc độ nguội đi của hành tinh, các nhà nghiên cứu tìm hiểu bridgmanite, khoáng chất dẫn nhiệt nằm giữa lõi và lớp manti của địa cầu, theo Đài NBC News.

Kết quả cho thấy khoáng chất này dẫn điện gấp một lần rưỡi so với vẫn tưởng, suy ra hành tinh có lẽ nguội đi nhanh hơn.

Khi nguội đến một mức độ nhất định, trái đất sẽ bắt đầu mất đi từ trường, lá chắn bảo vệ mọi sinh vật trên bề mặt địa cầu trước các nguy cơ đến từ bức xạ vũ trụ. Hậu quả là hành tinh sẽ rơi vào tình trạng còn phù hợp cho sự sống.

“Chúng tôi phát hiện trái đất, cũng như các hành tinh đá khác như sao Thủy và sao Hỏa, đang nguội đi và trở nên không còn hoạt động với tốc độ nhanh hơn dự kiến”, theo trưởng nhóm Motohiko Murakami của Đại học ETH Zurich (Thụy Sĩ).

Tuy nhiên, nhóm chuyên gia chưa tính toán được trái đất còn có thể dung dưỡng sự sống trong bao nhiêu năm nữa.

Năm 2013, nhà nghiên cứu Andrew Rushby của Đại học Đông Anglia (Anh) dự báo rằng địa cầu sẽ vẫn còn đủ sức cưu mang sự sống từ 1,75 đến 3,25 tỉ năm nữa, trong trường hợp không trải qua thảm họa trên bình diện toàn cầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.