Lời tuyên ngôn thoái vị của hoàng đế Bảo Đại đọc chiều 30.8.1945 cũng là lời vĩnh biệt nền quân chủ đã ngự trị ở VN trên một ngàn năm, xác lập nền dân chủ của nhân dân VN.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp hoàng thân Lào Xuphanuvong và công dân Vĩnh Thụy (bìa phải) - Ảnh: T.L
|
1. Ngày 23.8.1945, nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền tại Huế thắng lợi. Cũng trong ngày 23.8.1945, UBND cách mạng Bắc Bộ gửi điện báo tin Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thành lập và yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị.
2 giờ 30 chiều 24.8.1945, vua Bảo Đại điện cho Chính phủ lâm thời xin thoái vị.
Chiều 30.8.1945, lễ thoái vị diễn ra tại Ngọ môn kinh thành Huế. Vua Bảo Đại mặc triều phục đọc Chiếu thoái vị từ tầng hai Ngọ môn trước hàng ngàn người.
Mặc dù nêu ý nguyện:
“Vì hạnh phúc của dân tộc VN,
Vì nền độc lập của VN,
Để đạt hai mục đích ấy, trẫm tuyên bố sẵn sàng hy sinh tất cả, và ước mong rằng sự hy sinh của trẫm đem lại lợi ích cho Tổ quốc”, nhưng Bảo Đại cũng thừa nhận rằng: “Trẫm không khỏi tiếc hận là trong hai mươi năm ở ngôi, trẫm không thể làm gì đem lại lợi ích đáng kể cho đất nước”. Ông cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc đoàn kết dân tộc: “Nhận định rằng sự đoàn kết của toàn thể đồng bào chúng ta vào giờ phút này là một sự cần thiết cho Tổ quốc chúng ta, ngày 23 tháng 8, trẫm đã nhắc lại cho toàn thể nhân dân ta là: Ở giờ phút quyết định này của lịch sử, đoàn kết có nghĩa là sống, mà chia rẽ là chết”. Và ông đưa ra quyết định quan trọng nhất: “Trẫm đã quyết định thoái vị, và trẫm trao quyền cho Chính phủ Dân chủ Cộng hòa”.
Với một người đã đứng đầu một nền quân chủ, sống cách biệt với dân, những nhận thức như thế không thể dễ mà có được. Chỉ có hiện thực sôi động của lịch sử dân tộc đang đi qua bước ngoặt trong thời cơ lịch sử có một không hai mới có sức tác động và xoay chuyển bão táp trong nhận thức của Bảo Đại đến như vậy.
Ông vua cuối cùng của triều Nguyễn tuyên bố: “Trẫm muốn được làm dân một nước tự do, hơn làm vua một nước bị trị. Từ nay trẫm lấy làm sung sướng được là dân tự do, trong một nước độc lập”.
Chiếu thoái vị kết thúc với lời tuyên hô:
“Việt Nam độc lập muôn năm,
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm”
Sau câu này, Bảo Đại chính thức trở thành công dân Vĩnh Thụy. Sau đó, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm cố vấn của Chính phủ lâm thời.
2. Vị hoàng đế dưới tay cai trị của thực dân Pháp rồi phát xít Nhật cuối cùng cũng buộc phải nhận ra và tòng thuận với nền độc lập dân tộc chân chính và thật sự của nhân dân, do nhân dân đấu tranh hy sinh mà giành lại được. Nền độc lập dân tộc thật sự từ những ngày mùa thu tháng tám 1945 được Bảo Đại tuyên hô “Muôn năm !” trong lời cuối của Chiếu thoái vị khác hẳn với nền độc lập mà chính ông tuyên cáo trong Đạo dụ ngày 11.3.1945 cùng với lời cam kết “... hợp tác toàn tâm toàn ý với đế quốc Nhật Bản”. Đạo dụ này được Bảo Đại viết sau khi bị một toán quân Nhật áp giải về kinh thành khi đang đi săn bắn (ngày 10.3.1945) để nghe người Nhật tuyên bố “trao lại độc lập cho VN” (!). Cuối cùng thì Bảo Đại cũng buộc phải nhận ra giá trị của nền độc lập thật sự khác hẳn với “miếng bánh vẽ” được người Nhật “dứ” cho trong bối cảnh Nhật quyết định đảo chính Pháp để giành toàn quyền kiểm soát Đông Dương. Đây là một trong những cố gắng cuối cùng của Nhật trước khi thất bại hoàn toàn trong cuộc chiến với lực lượng đồng minh.
Với việc tuyên bố tự nguyện thoái vị, Bảo Đại cũng buộc phải nhận ra và thuận theo sức mạnh không thể chống lại của nhân dân trong cuộc cách mạng mang ý chí của toàn dân tộc. Và với tư cách một hoàng đế chuẩn bị rời khỏi ngai vàng, ông cũng làm được một việc có ý nghĩa là ra lệnh cho những lực lượng còn sót lại của triều đình phong kiến không chống lại nhân dân.
Lời tuyên bố thoái vị của Bảo Đại được đọc trước bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ 3 ngày. Ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đại diện cho cả dân tộc VN đã khẳng định quyết tâm xây dựng xã hội mới của nhân dân VN: “... Nhân dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước VN độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”... “Toàn thể dân tộc VN quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
3. Nước VN mới - Dân chủ Cộng hòa - ra đời trong sự ngưỡng vọng của toàn dân. Cuộc cách mạng của toàn dân đã thiết lập một nền dân chủ, khẳng định quyền con người, khẳng định những khát vọng dân chủ của toàn dân. Bước ngoặt này đã làm nên sự khác biệt căn bản về chất của lịch sử VN trong thế kỷ 20 so với tất cả các thế kỷ trước đó của lịch sử dân tộc. GS Trần Văn Giàu - cũng là một chứng nhân lịch sử của giai đoạn đấu tranh giành độc lập - sau này viết: “Có một đặc điểm lớn, một thành tựu lớn của Cách mạng Tháng 8 trong sự hoàn thành nhiệm vụ cơ bản, mà hôm mồng 2.9 Cụ Hồ không nói, không nói vì chưa cần nói, nhưng người nghiên cứu lịch sử về sau phải phát hiện càng đúng càng hay, là phong trào giải phóng dân tộc thực tế còn đi xa hơn việc thành lập cộng hòa thay cho quân chủ: chế độ mới được dựng lên là chính quyền nhân dân, là dân chủ nhân dân”.
Cuộc cách mạng này còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc vì sự yên bình hiếm có khi quyền lực chính quyền chuyển về tay nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cách mạng ở đâu thành công cũng phải đổ máu nhiều. Có nước phải chặt đầu vua. Có nước đồng bào chia đảng phái, chém giết nhau liên tiếp trong bao nhiêu năm. Nước ta, vua tự thoái vị, các đảng phái không có mấy. Trong một thời gian ngắn, các giai cấp đoàn kết thành một khối, muôn dân đoàn kết để mưu cầu hạnh phúc chung là nước được hoàn toàn độc lập và chống được giặc xâm lăng, đuổi bọn thực dân tham ác ra ngoài bờ cõi”.
Với nhân dân VN, thắng lợi của Cách mạng Tháng 8 1945 đánh dấu kỷ nguyên mới của dân tộc: Kỷ nguyên Độc lập - chấm dứt ách nô lệ thực dân và Tự do - chấm dứt chế độ phong kiến.
Bình luận (0)