Cuối cùng thì chuyện nữ du khách Ai Cập - chị Ali Aldoh, 22 tuổi - bị cướp tài sản ở P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM, đã kết thúc có hậu. Lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM cùng đại diện chính quyền P.Phạm Ngũ Lão đã tiếp xúc và xin lỗi chị Ali Aldoh.
Trong cái rủi có cái may. Đồng cảm với hoàn cảnh của nạn nhân, lãnh đạo Bến Thành Tourist mời chị Ali Aldoh vào lưu trú không tính tiền trong khách sạn của mình, đồng thời tổ chức cho chị đi tour xuyên Việt miễn phí. Tất cả những điều vừa nêu biểu hiện một thái độ hiếu khách, trong đó có cả những sẻ chia, đồng cảm của người dân Sài Gòn. Lúc đọc được bản tin Ali Aldoh bị cướp giật tài sản, khóc thảm thiết, thậm chí ngất xỉu, tôi đoán là chị này vĩnh viễn không bao giờ quay lại VN. Nhưng chính sự đồng cảm của chúng ta, bằng những sự đền bù thỏa đáng, đã khiến Ali Aldoh thốt lên rằng: Tôi yêu người dân nơi đây và hy vọng có dịp quay trở lại cùng bạn bè. Lời xin lỗi của chúng ta đối với du khách nước ngoài gặp nạn coi như được chấp nhận.
Nói lời xin lỗi hoặc cảm ơn là biểu hiện của sự văn minh giao tiếp. Ở phương Tây, người ta đã dạy điều này cho trẻ em từ rất sớm. Nếu có 2 người vô tình chạm vai nhau trên đường phố, lập tức họ khựng lại, nhìn nhau rồi cùng nói “xin lỗi”, coi như ai cũng nhận phần lỗi về mình. Vào một cửa hàng bất kỳ, xem chán chê rồi bước ra khỏi cửa, người bán vẫn cứ nói lời “cảm ơn” mặc dù bạn chẳng mua món gì. Xin lỗi hay cảm ơn trong không gian ấy, hoàn toàn không phải sự khách sáo mà là “có giáo dục”. Trong hoàn cảnh cụ thể của TP.HCM hiện nay, sự văn minh trong giao tiếp như vừa nêu chắc chắn không mang tính toàn thể, đại trà, vì thực tế cuộc sống chứng minh rằng thành phố này chưa thật sự văn minh đúng nghĩa. Vì sao ư? Câu trả lời vì vẫn còn nhiều trường hợp như chị Ali Aldoh mà chúng ta “vô tình” không biết. Chuyện cướp giật ở thành phố này hầu như diễn ra như cơm bữa, thậm chí có chị Việt kiều bị giật túi xách té ngã xuống đường, chấn thương sọ não dẫn đến tử vong. Một lời xin lỗi từ phía chính quyền trong hoàn cảnh ấy là cần thiết, mặc dù vẫn biết nó không thể bù đắp cho nỗi đau của gia đình nạn nhân.
Câu chuyện của chị Ali Aldoh sở dĩ đánh động được dư luận là nhờ công tác truyền thông đại chúng. Còn những trường hợp tương tự thì thế nào? Có lần ngồi ăn bún bò Huế trên đường, chính mắt tôi chứng kiến 2 tên trai tráng đi xe máy giật phăng túi xách đeo trên vai của một nữ du khách (tôi đoán là người châu Âu) vừa bước ra khỏi khách sạn, rồi rồ ga chạy mất. Bọn cướp giật hành động nhanh đến mức không ai kịp phản ứng gì cả. Nữ du khách nước ngoài chỉ biết đứng đó ôm mặt khóc. Thấy vậy, có cô gái người Việt phục vụ cho một quán ăn gần đó đến ôm nữ du khách an ủi rồi cùng… khóc theo. Trước cảnh đó, tôi nghĩ nếu có cảnh sát du lịch (như nước láng giềng Thái Lan) túc trực thường xuyên tại những khu vực đông du khách, như khu phố Tây chẳng hạn, thì chắc chắn chúng ta sẽ cải thiện được phần hình ảnh xấu xí trong mắt du khách, để mong có ngày họ còn quay lại.
Bình luận (0)