Hơn 600 con dê, lợn chết đột ngột
Ngày 2.12, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Bình cho biết vừa phối hợp Phòng NN-PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và UBND xã Trọng Hóa, UBND xã Dân Hóa (H.Minh Hóa) tổ chức kiểm tra thực tế tại các hộ chăn nuôi liên quan đến thông tin hàng trăm con dê, lợn được cấp phát miễn phí bất ngờ chết hàng loạt.
Kết quả kiểm tra xác định, có 314 con dê trong tổng số 609 con dê hỗ trợ cho người dân ở 13 bản thuộc 2 xã Trọng Hóa, Dân Hóa và 318/392 con lợn hỗ trợ cho 5 bản cũng thuộc 2 xã bị chết.
Qua kiểm tra hồ sơ kiểm dịch do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp H.Minh Hóa cung cấp, toàn bộ dê và lợn đều có đầy đủ hồ sơ kiểm dịch theo quy định. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra đề nghị Đoàn Kinh tế - quốc phòng 92 phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện lấy mẫu xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh.
Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Bình cũng đang triển khai các biện pháp chống dịch, tổ chức phun tiêu độc khử trùng nhằm khống chế dịch bệnh, hạn chế lây lan ra các hộ chăn nuôi trên địa bàn.
Số dê, lợn này do Đoàn Kinh tế - quốc phòng 92 thuộc Quân khu 4 hỗ trợ cho các xã miền núi H.Minh Hóa, gồm lợn thương phẩm và dê sinh sản, nhằm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, số lợn giống và dê sinh sản vừa cấp phát hỗ trợ cho người dân 2 xã Trọng Hóa, Dân Hóa chưa lâu thì bất ngờ phát sinh dịch bệnh, rồi chết đột ngột.
Ông Hồ Phin, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa, cho biết số lợn, dê hỗ trợ vừa trao tới tay các hộ dân mấy ngày thì xuất hiện dịch bệnh, chết ngày càng nhiều. Chính quyền địa phương đã cử người xuống kiểm tra và báo cáo huyện.
Dê, lợn chết là do... người dân chăm sóc sai (?!)
Đơn vị cung ứng lợn, dê này là Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Trường Xuân ở TP.Đồng Hới (Quảng Bình), do bà Mai Thị Hồng Thức là người đại diện pháp luật.
Trao đổi với PV Thanh Niên trưa 2.12, bà Thức cho biết số lợn, dê nêu trên được đơn vị cấp về cho các hộ dân cách đây khoảng 1 tháng trước sự chứng kiến của các bên liên quan, với đầy đủ các giấy tờ và đảm bảo tiêu chuẩn.
Theo bà Thức, nguyên nhân lợn, dê chết hàng loạt là do… người dân sai trong khâu chăm sóc. Với lợn, bà Thức cho rằng chúng chết là do chuồng trại và cách chăm sóc của người dân không đảm bảo.
"Lợn đã không được cách ly trước khi nhập đàn. Quảng Bình mùa mưa rét nhưng chuồng sơ sài, không giữ được ấm, thức ăn cũng không đảm bảo. Khi phát sinh dịch bệnh cũng không được chữa trị cách ly", bà Thức nói.
Còn với dê, bà Thức cho biết do người dân ở xa nên khi "kéo trượt" dê từ nơi nhận về nhà là chúng đã kiệt sức. "Họ làm thịt ăn, họ cũng báo chết", bà Thức nói.
Cũng theo bà Thức, theo quy định, đơn vị của bà chỉ "bảo hành" số dê, lợn nói trên trong vòng 14 ngày, nhưng bà Thức cho biết đơn vị và chủ đầu tư đã có phương án hỗ trợ cho người dân.
Khi PV Thanh Niên tìm hiểu về mức hỗ trợ cụ thể ra sao thì bà Thức "chưa tiết lộ" vì chưa có cuộc làm việc trực tiếp giữa bà với chủ đầu tư, chính quyền địa phương để "ba mặt một lời" và ghi nhận bằng văn bản.
Xem nhanh 12h ngày 2.12: Thời sự toàn cảnh
Bình luận (0)