Sau đó, bà này vẫn ngang nhiên tiếp tục làm lậu, làm giả các loại thịt trên.
Ngày 6.6, Đội 3 thuộc Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49 - Công an TP.HCM) cho biết đang lấy mẫu xét nghiệm, thu thập chứng cứ điều tra vụ bà Lương Thị Thu Thủy (ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) có hành vi dùng thịt heo không rõ nguồn gốc để làm giả các loại thịt đặc sản như nai, đà điểu, nhím.
Trước đó, ngày 2.6, PC49 bất ngờ đột kích vào ngôi nhà không số tại đường số 3 (KP.7, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) phát hiện các công nhân ở đây đang “phù phép” thịt heo thành thịt nhím, nai, đà điểu. Tại đây, PC49 phát hiện 1,1 tấn thịt heo, trong đó có trên 100 kg đã qua sơ chế chuẩn bị đóng bao bì thành thịt “đặc sản”; một xô nhựa đựng nguyên liệu được cho là để ngâm tẩm thịt heo và hàng trăm bao bì in sẵn với các nội dung “thịt nhím cắt lát”, “sản phẩm từ đà điểu”. Bà Thủy (chủ cơ sở) thừa nhận là mua thịt heo về sơ chế, cấp đông, đóng bao bì để biến thành thịt nhím, đà điểu rồi bán về các tỉnh.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với bà Thủy với các lỗi như: kinh doanh không phép, thịt heo không giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc... đưa 1,1 tấn thịt heo vào kho lạnh tạm giữ, lấy mẫu xét nghiệm để tiếp tục làm rõ.
Điều đáng nói, tháng 11.2015, PV Thanh Niên đã từng điều tra “bóc trần” đường dây biến thịt heo thành thịt đặc sản qua bài Ngâm hóa chất biến thịt heo thành thịt nai, nhím... của bà Thủy tại P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức. Từ tin báo của PV Thanh Niên, các cơ quan chức năng Q.Thủ Đức kiểm tra hai ngôi nhà tại số 29, 33 đường số 21, KP.4, P.Hiệp Bình Chánh (nơi bà Thủy làm cơ sở chế biến thịt), phát hiện tổng cộng 939 kg thịt được đóng gói dán nhãn “bắp đùi đà điểu”, 188 kg thịt được dán nhãn “thịt nhím cắt lát”, 626 kg với nhãn hiệu “thịt nai” và 132 kg thịt heo nguyên liệu. Sau đó, UBND Q.Thủ Đức yêu cầu các cơ quan liên quan tiến hành điều tra và xử lý nghiêm.
Vụ việc được giao cho Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an Q.Thủ Đức điều tra. Sau thời gian lấy mẫu xét nghiệm, xác minh, Công an Q.Thủ Đức đã ra quyết định xử phạt bà Thủy 5 triệu đồng về hành vi kinh doanh không phép. Gần 2 tấn thịt nai, nhím, đà điểu giả và thịt heo bị phát hiện nhiễm khuẩn nên buộc tiêu hủy. Sau khi bị xử phạt tiền, tiêu hủy lô hàng, bà Thủy tiếp tục dời kho lạnh, tủ cấp đông về đường số 3 P.Hiệp Bình Chánh để làm giả thịt nai, nhím, đà điểu thì bị PC49 bắt giữ như nói trên.
Điều khiến nhiều người thắc mắc là với sai phạm của bà Thủy, phía thú y sẽ phạt cả trăm triệu đồng, nhưng không hiểu sao phía công an chỉ phạt có 5 triệu đồng? Để rồi bà Thủy tiếp tục sai phạm.
Chỉ phạt 5 triệu đồng là bất thường!
Theo một cán bộ Chi cục Thú y TP.HCM, việc Công an Q.Thủ Đức điều tra xác minh và chỉ xử phạt bà Thủy 5 triệu đồng về hành vi kinh doanh không phép trong vụ việc nói trên là rất khó hiểu. Ngoài lỗi kinh doanh không phép, cơ sở bà Thủy còn có các sai phạm, như: kinh doanh thịt nhiễm khuẩn; thịt heo không giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc; nơi sản xuất không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y; gian lận thương mại… “Với các sai phạm như thế, theo quy định thì Thú y TP.HCM đề xuất xử phạt theo giá trị lô hàng với mức phạt từ vài chục triệu đến 100 triệu đồng”, vị cán bộ này nói.
Liên quan đến vấn đề này, PV Thanh Niên liên lạc với lãnh đạo Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an Q.Thủ Đức nhưng vị này từ chối trả lời.
Đủ yếu tố xử lý hình sự
Luật sư Nguyễn Hiền Hà, Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước cho rằng hành vi “biến” thịt heo thành các loại thịt đặc sản rõ ràng là hành vi gian lận, thiếu đạo đức. Tuy nhiên, với mức xử phạt 5 triệu đồng với lỗi kinh doanh không phép là chưa đủ và có dấu hiệu bỏ lọt nhiều hành vi vi phạm khác là rất bất thường. Hơn nữa, ở đây, chủ hàng đã phù phép để biến thịt heo thành thịt đà điểu, thịt nai, nhím... có giá trị cao hơn, với số lượng hàng tấn thịt như vậy, chưa nói có sử dụng chất cấm hay không, cũng được xem là dùng thủ đoạn lừa dối khách hàng, đã đủ yếu tố xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 bộ luật Hình sự hoặc tội lừa dối khách hàng theo điều 162 bộ luật Hình sự hoặc ít ra cũng phải bị xử phạt về hành vi gian lận thương mại.
Do cách xử lý quá nhẹ, dẫn đến chủ hàng lờn luật và tiếp tục tái vi phạm, đây là điều hết sức nguy hiểm. Vì vậy, với lần tái phạm này, hành vi này cần phải bị xử lý hình sự thì mới đủ sức răn đe.
|
Bình luận (0)