Lộn xộn 'room' ngoại trên sàn chứng khoán

16/11/2018 18:31 GMT+7

Cùng kinh doanh trong một lĩnh vực nhưng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở mỗi doanh nghiệp lại khác nhau.

Tổng công ty cổ phần Vinaconex (VCG) mới đây đã thông báo giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài về mức 0%. Việc thông báo này diễn ra trước ngày Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước thoái vốn tại công ty này vào ngày 22.11.
Do Vinaconex đang kinh doanh một số lĩnh vực theo quy định không cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia như xuất khẩu lao động; kinh doanh điện thương phẩm; mua bán rượu bia thuốc lá; kinh doanh xăng dầu…
Hiện các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ 11% vốn, tương ứng hơn 48 triệu cổ phiếu Vinaconex. Thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết sẽ không áp dụng việc hồi tố nên các nhà đầu tư ngoại đang sở hữu cổ phiếu VCG cũng không bắt buộc phải bán ra. Tuy nhiên sau khi thông tin này được công bố, nhà đầu tư ngoại đã đẩy mạnh bán ra cổ phiếu VCG. Trong phiên 15.11, khối ngoại đã bán 6,7 triệu cổ phiếu VCG có trị giá gần 120 tỉ đồng.
Việc công bố khóa room ngoại của Vinaconex cũng đồng nghĩa các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không thể tham gia đấu giá trọn lô 79% số cổ phần của Vinaxonex vào ngày 22.11 tới do Viettel và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước cùng bán ra.
Đáng chú ý, việc thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài khá đột ngột của Vinaconex khiến nhiều nhà đầu tư giật mình. Trên thị trường, tỷ lệ này do các doanh nghiệp tự công bố sau khi rà soát ngành nghề kinh doanh của mình. Ví dụ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chốt room ngoại tối đa chỉ 20% thì Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) lại công bố room ngoại lên mức 49%. Hay cuối tháng 10 vừa qua, Tổng công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã ban hành nghị quyết không hạn chế tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài thay vì mức 49% như trước. Ngược lại tại Tổng công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại vẫn chỉ ở mức 49%...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.