Long An: Cần khắc phục khoảng trống pháp lý để đảm bảo quyền lợi người lao động

22/12/2022 20:20 GMT+7

UBND tỉnh Long An đề xuất Chính phủ, Bộ LĐ-TB-XH và các bộ ngành T.Ư sớm hướng dẫn, bổ sung, những quy định pháp lý để giải quyết, ngăn chặn tình trạng người sử dụng lao động nợ lương, nợ BHXH.

Ngày 22.12, đoàn công tác của Bộ LĐ-TB-XH do Thứ trưởng Lê Văn Thanh dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Long An về việc thực hiện Chỉ thị 37-CT-/TW năm 2019 của Ban Bí thư và Quyết định số 416/QĐ-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Trước khi làm việc, đoàn công tác đã kiểm tra thực tế tại nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa…

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Long An

BẮC BÌNH

Hàng ngàn lao động bị ảnh hưởng việc làm

Báo cáo với đoàn công tác, bà Nguyễn Hồng Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Long An, cho biết toàn tỉnh hiện có hơn 15.600 DN đang hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 350.000 (NLĐ). Đáng chú ý, trong hơn 15.600 DN đang hoạt động chỉ có 1.267 DN có tổ chức công đoàn cơ sở và trong đó có đến 457/588 DN vốn đầu tư nước ngoài có tổ chức công đoàn.

Theo bà Mai, do đang trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và chi phí sản xuất tăng cao nên trong năm 2022 Long An có gần 1.500 NLĐ bị ảnh hưởng việc làm. Một số DN phải thực hiện giảm giờ làm, giảm lao động, bố trí lao động nghỉ luân phiên hoặc thỏa thuận với NLĐ để tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương…Từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận NLĐ.

Tháng 10.2021, khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, tỉnh Long An đã cho công nhân trở lại nhà máy

BẮC BÌNH

Ông Phạm Tấn Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có 17 dự án nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân đã và đang được triển khai với tổng diện tích 650.000 m2. Tuy nhiên, phần lớn dự án này chưa kết nối được với các dự án khu, cụm công nghiệp nên bị chậm tiến độ.

Theo ông Hòa, để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân, thu hút lao động ngoài tỉnh đến Long An làm việc, UBND tỉnh Long An đang xây dựng Đề án đến năm 2030 sẽ có 1 triệu căn nhà dành cho công nhân, nhà ở xã hội, người có khó khăn về chỗ ở; trong đó, đến năm 2025 xây xong 500.000 căn.

Các kiến nghị nhằm đảm bảo quyền lợi người lao động

Ông Trần Sơn, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Long An, cho biết hiện nay do còn nhiều khoảng trống về pháp lý liên quan đến vấn đề chủ DN nợ tiền lương, nợ tiền bảo hiểm bỏ trốn nên không thể xử lý kịp thời và có hiệu quả được.

Theo ông Trần Sơn, trong các tháng cuối năm 2022, đơn vị đã phải giải quyết số lượng hồ sơ về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tăng đột biến. Điều đó cho thấy, số hợp đồng lao động bị kết thúc ở các tháng cuối năm tăng mạnh.

Quang cảnh buổi làm việc.

BẮC BÌNH

UBND tỉnh Long An đề xuất Chính phủ, Bộ LĐ-TB-XH và các bộ ngành T.Ư sớm hướng dẫn, bổ sung, những quy định pháp lý để giải quyết, ngăn chặn tình trạng người sử dụng lao động nợ lương, nợ BHXH bỏ trốn nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, ổn định an ninh trong công nhân và trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, có các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về lao động, BHXH, xây dựng quan hệ lao động, nâng cao kỹ năng hòa giải, giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động cho đội ngũ hòa giải viên và trọng tài lao động địa phương.

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết hiện đang có xu hướng chuyển dịch cơ cấu DN từ TP.HCM xuống Long An, cụ thể là mở chi nhánh, xưởng sản xuất… Điều này cho thấy Long An cần quan tâm hơn nữa để nâng cao chất lượng nguồn lao động nhằm phục vụ kịp thời cho xu hướng này, cũng như chiến lược phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp của tỉnh Long An.

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng trước xu hướng thị trường và sự chuyển dịch lao động hiện nay, Long An cần quan tâm đến việc “cân đối lớn” trong thị trường lao động. Trong đó, cần dung hòa cán cân giữa cơ cấu dân số dân số với thị trường lao động và phát triển thị trường lao động, kết nối cung cấp, đào tạo nghề cho người lao động…Việc trước mắt vô cùng quan trọng là trước Tết Nguyên đán năm 2023, cần tạo sự ổn định việc làm cho NLĐ.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá cao việc Long An quan tâm đến công tác tổ chức, xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở cho người có thu nhập thấp để giúp NLĐ “an cư”, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế công nghiệp, xây dựng mà tỉnh đang triển khai.

Về tình trạng lao động mất việc làm trong năm 2022 tại Long An, cần được địa phương nắm bắt kịp thời sâu sát hơn nữa để các DN thực hiện tốt các chính sách về an sinh, thực hiện các nghĩa vụ khác theo luật lao động để đảm bảo đời sống NLĐ không bị ảnh hưởng quá lớn. Đặc biệt là tình hình thị trường lao động cuối năm trước Tết Nguyên đán năm 2023.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh ghi nhận 2 kiến nghị của tỉnh Long An và sẽ có báo cáo với Thủ tướng, Bộ Tư pháp…để kịp thời xử lý, khắc phục trong thời gian tới.

Theo Sở LĐ-TB-XH Long An, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, mức thưởng bình quân thống kê được trên địa bàn tỉnh là 6,8 triệu đồng. Trong đó, DN thưởng thấp nhất 1 triệu đồng, cao nhất là 358 triệu đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.