Long An đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Hiệp Hòa

23/11/2023 13:11 GMT+7

Tỉnh Long An long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Hiệp Hòa và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao.

Ngày 23.11, tại H.Đức Hòa (Long An), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến dự lễ kỷ niệm 60 chiến thắng Hiệp Hòa (23.11.1963 - 23.11.2023). Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã trao Huân chương Hồ Chí Minh cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An.

Tham dự buổi lễ còn có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa; trung tướng Nguyễn Trường Thắng, Tư lệnh Quân khu 7; ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM…

Long An nhận Huân chương Hồ Chí Minh và kỷ niệm 60 năm chiến thắng Hiệp Hòa - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy Long An, đại diện Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An nhận Huân chương Hồ Chí Minh từ Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng

BẮC BÌNH

Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, chiến thắng trận Hiệp Hòa (ngày 23.11.1963 tại H.Đức Hòa, Long An) mang ý nghĩa rất to lớn, có tác động lớn, làm rúng động tinh thần binh lính địch trong các đồn bót và ấp chiến lược trên cả một vùng rộng lớn, là sự mở đầu cho cao trào phá ấp chiến lược của quân và dân Long An.

Từ đó, sau 5 tháng tiến công bằng các hình thức đấu tranh quân sự, chính trị và binh vận, ta đã tiêu diệt, làm tan rã hàng trăm đồn bót lớn nhỏ của địch, tiêu diệt một tiểu đoàn chủ lực địch, phá tan phần lớn số ấp chiến lược trên địa bàn tỉnh, làm phá sản hoàn toàn quốc sách "Ấp chiến lược" của địch ở một trong những địa bàn trọng yếu nhất của Long An.

Long An nhận Huân chương Hồ Chí Minh và kỷ niệm 60 năm chiến thắng Hiệp Hòa - Ảnh 2.

Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi lễ

BẮC BÌNH

Trận đánh này cho thấy trình độ tác chiến của các lực lượng vũ trang tỉnh nhà đã được nâng tầm để có thể hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu lớn hơn. Sự trưởng thành này được thể hiện bằng sự kiện chính thức thành lập Tiểu đoàn 1 Long An ngày 21.1.1964 mà trong trận Hiệp Hòa còn là Đại đội 1 cơ động.

Thay mặt T.Ư, ông Nguyễn Trọng Nghĩa mong rằng, tỉnh Long An tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống anh hùng trong kháng chiến, trong công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Đảng bộ và nhân dân Long An đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, chủ động, sáng tạo vận dụng các nghị quyết T.Ư, đạt được những thành tựu quan trọng: kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực, thực sự trở thành một tỉnh mạnh của khu vực ĐBSCL, đóng góp ngày càng lớn vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Thay mặt tuổi trẻ tỉnh Long An, anh Trần Hải Phú, Bí thư Tỉnh đoàn Long An, bày tỏ niềm vinh dự và tự hào được sinh ra và lớn lên trên quê hương anh hùng. Tuổi trẻ Long An ý thức được rằng, mình được sống trong cảnh đất nước thanh bình, được hưởng tự do, ấm no, hạnh phúc chính nhờ sự hy sinh xương máu của lớp lớp thế hệ cha ông trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, trong đó có trận Hiệp Hòa.

Anh Trần Hải Phú bày tỏ, tuổi trẻ Long An mãi mãi khắc ghi công lao to lớn đó và sẽ ra sức học tập, rèn luyện, xung kích, sáng tạo, nêu cao tinh thần "đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên". Đồng thời, không ngừng học tập nâng cao trình độ về mọi mặt để có đầy đủ kiến thức, năng lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 và công cuộc chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết từ sau phong trào Đồng Khởi (1959 - 1960), Mỹ đã đề ra chiến lược "Chiến tranh đặc biệt"; cụ thể hóa bằng kế hoạch "Xtaley-Taylor" với 3 biện pháp chủ yếu, mà trọng tâm là lập "ấp chiến lược". Trước tình thế trên, tháng 9.1963, Tỉnh ủy Long An chủ trương đẩy mạnh công cuộc phá "ấp chiến lược" lên một qui mô rộng lớn hơn và Hiệp Hòa - một trung tâm, căn cứ biệt kích vào loại lớn nhất ở Nam bộ lúc bấy giờ đã được chọn làm mục tiêu tiến công nhằm tiêu diệt gây tiếng vang, phá hủy căn cứ và thu vũ khí bổ sung cho lực lượng của ta.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.