Buổi tọa đàm tại Hội trường lớn UBND tỉnh Long An có sự tham gia của đại diện Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA); đại diện lãnh đạo nhiều tập đoàn công nghệ thông tin, viễn thông, tài chính từ các nước Hàn Quốc, Mỹ, Đức, Ấn Độ… như Microsoft, Siemens, SAP và cũng như đông đảo các nhà đầu tư trong nước đến dự.
|
Theo Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Long An là tỉnh có vị trí rất đặc biệt, vừa thuộc vùng ĐBSCL, đồng thời thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam, với dân số đứng thứ 16/63, diện tích đứng thứ 34/63 và quy mô kinh tế đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố; là cửa ngõ nối liền Đông Nam bộ với khu vực ĐBSCL, tiếp giáp với TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam. Đồng thời là cửa ngõ giao thương ra quốc tế với lợi thế có 133 km đường biên giới với Campuchia... Song song đó, tỉnh Long An còn có tiềm năng lớn về vận tải đường biển, đường thủy nội địa.
Ngoài lợi thế lớn về vị trí địa lý và hạ tầng giao thông phát triển, Long An cũng là trung tâm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam cho khu vực Đông Nam bộ; có nhiều cơ hội thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước, phát triển các khu, cụm công nghiệp. Đến nay, Long An đã có 16 khu công nghiệp và 21 cụm công nghiệp đang hoạt động; phát triển kinh tế đối ngoại, xuất nhập khẩu hàng hóa, du lịch... với trình độ phát triển ngày càng cao, áp dụng các mô hình quản trị bằng công nghệ thời đại 4.0 trong nước và trên thế giới.
|
Mặt khác, Long An được hưởng nguồn nước ngọt của hai hệ thống sông Cửu Long và Đồng Nai rất thuận lợi cho phát triển ngành thủy sản, cung cấp phù sa, nước ngọt, phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp; cửa sông Soài Rạp hướng ra Biển Đông với Cảng Quốc tế Long An. Với những thế mạnh sẵn có về vị trí địa - kinh tế, điều kiện tự nhiên, Long An có nhiều tiềm năng, lợi thế lớn cho phát triển kinh tế - xã hội chẳng những cho tỉnh nhà mà còn cho cả vùng, khu vực. Nhưng để sớm phát triển vùng kinh tế công nghệ cao, Phó thủ tướng đề nghị tỉnh Long An cần thực quyết liệt hơn nữa chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ logistics; tiếp tục cải cách hành chính, xây dựng thành công chính quyền điện tử - số...
Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn đầu tư Sài Gòn (Saigon invest group), đơn vị đối tác quan trọng trong thu hút đầu tư và hoạch định chiến lược phát triển của tỉnh Long An, cho rằng hình thành và phát triển vùng kinh tế công nghệ cao là một điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững, mức sống người dân ở mức rất cao mà các ngân sách nhà nước không phải nặng nề lo toang...
|
“Trên thế giới có nhiều nước nhỏ mà vẫn phát triển ở trình độ rất cao, đó là nhờ họ biết tập trung dồn sức cho thế mạnh của họ. Ở Việt Nam, Bắc Ninh là tỉnh có diện tích rất nhỏ nhưng nhờ những chính sách thu hút đầu tư hiệu quả nên GRDP trên 200 triệu đồng/người/năm, đứng thứ 2 trong nước. Ở Long An, hiện có đủ cả yếu tố vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi, lao động dồi dào và lãnh đạo quán triệt phát triển vùng kinh tế công nghệ cao với định hướng làm trung tâm phát triển không chỉ riêng cho tỉnh mà còn cho cả vùng. Một lợi thế khác nữa là Long An hiện đã sẵn có vùng kinh tế cửa khẩu nên nếu có đầu tư không hiệu quả thì dịch chuyển đến vị trí thuận lợi hơn sẽ đỡ tốn rất nhiều thủ tục rườm rà… Tôi chắn chắn trong thời gian tới Saigon invest group sẽ làm cầu nối cho Long An thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lớn”, ông Đặng Thành Tâm nói.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, các nhà đầu tư đều đồng tình với các nhận định trên. Và tại đây, 10 nội dung ký kết hợp đồng hoặc thỏa thuận ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa tỉnh Long An với các nhà đầu tư như Saigontel, Viettel IDC, VNPay, Microsoft VN, Siemens, SAP VN, ngân hàng BIDV… đã được ký thông qua.
Hơn 200 dự án FDI từ Hàn Quốc đang hoạt động ở Long AnÔng Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết giai đoạn 2016 - 2020 của Long An ước đạt mức tăng trưởng kinh tế 9,11%/năm (xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố về tốc độ tăng trưởng GRDP); quy mô kinh tế xếp thứ 12/63; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch rõ nét, đúng hướng. Đời sống người dân ngày càng cải thiện, GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 77 triệu đồng, gấp hơn 1,5 lần so với năm 2015 (xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố về GRDP bình quân đầu người). Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016 - 2020 đạt gần 25,3 tỉ USD, tăng trưởng khoảng 12%/năm. Long An đã thu hút dòng vốn đầu tư FDI gần 9,2 tỉ USD. Hiện Hàn Quốc là nhà đầu tư đứng thứ 2 trong gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Long An với 204 dự án đang hoạt động, tổng vốn đăng ký trên 818 triệu USD.
Vừa qua, theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) thì Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 của Long An đứng hạng 3/63 tỉnh, thành cả nước và đứng đầu các địa phương phía nam. Đây là những lợi thế cạnh tranh giúp Long An đẩy mạnh thu hút nhiều nguồn đầu tư, đặc biệt là dòng vốn FDI.
|
Bình luận (0)