Lòng đam mê với công tác Đoàn vẫn như xưa

25/03/2021 14:58 GMT+7

'Thanh niên trẻ mãi không già, dù 80 tuổi vẫn là thanh niên'. Đó là câu thơ của bác Mãn Tấn Dũng, 85 tuổi, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Bình Thuận trong thời kỳ kháng chiến.

“Dù đã mấy chục năm đã qua, nhưng ký ức về một thời tuổi trẻ gắn bó với công tác đoàn thanh niên trong kháng chiến, với tôi còn nhớ mãi”, lời tâm sự, chia sẻ của bác Mãn Tấn Dũng, nguyên bí thư Tỉnh đoàn Bình Thuận trong những năm kháng chiến (1969-1975). Ngay sau khi đất nước thống nhất, bác Mãn Tấn Dũng tiếp tục làm Bí thư Tỉnh đoàn Thuận Hải - giai đoạn 1975-1976  (sau này tách thành hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận).

Quyền Bí thư Tỉnh đoàn Bình Thuận tặng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập đoàn cho các cựu Bí thư Tỉnh đoàn qua các thời kỳ của Bình Thuận

Ảnh: Quế Hà

Theo bác Mãn Tấn Dũng, công tác tập hợp thanh niên trong kháng chiến có khác với hiện nay. “Dưới tiếng súng tiếng bom đạn của giặc, thanh niên chúng tôi thời ấy chỉ có một ý chí, mục tiêu duy nhất là sống chiến đấu để giải phóng quê hương”, ông Dũng chia sẻ tại buổi gặp gỡ các cựu cán bộ Đoàn, nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS HCM.

Các thế hệ cán bộ đoàn Bình Thuận đã có nhiều đóng góp cho phong trào của Đoàn qua các thời kỳ khác nhau

Ảnh: Quế Hà

Nói về phương pháp tập hợp thanh niên thời kháng chiến ở Căn cứ cách mạng Lê Hồng Phong, bác Mãn Tấn Dũng kể: “Hồi đó, tổ chức giao cho chúng tôi phải tập hợp được 100 thanh niên vào phong trào Đoàn. Tôi đã chỉ đạo và trực tiếp vận động được tới 150 thanh niên trong vùng Căn cứ kháng chiến vào tổ chức Đoàn. Thời điểm đó, Căn cứ Khu Lê Hồng Phong (nay thuộc xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, Bình Thuận) vô vàn khó khăn. Nhưng việc vận động thanh niên chúng tôi vẫn hoàn thành tốt vì sự nghiệp của cách mạng. Đó là nhờ vào nhiệt huyết cách mạng của mình”, bác Dũng kể.

Các bạn trẻ lắng nghe những chia sẻ của các cô, các bác nguyên là lãnh đạo Tỉnh đoàn Bình Thuận các thời kỳ

Ảnh: Quế Hà

Cảm nhận về thế hệ trẻ hiện nay, bác Dũng cho rằng tuổi trẻ bây giờ được thừa hưởng nhiều thành tựu của khoa học, công nghệ, mạng xã hội là một ví dụ. Và phương pháp tập hợp thanh niên “có khác và phải khác”.
“Cần có cái nhìn mới về công tác tập hợp thanh niên. Cái quan trọng là ý chí quyết tâm hết mình với phong trào của người trẻ. Người trẻ phải biết hun đúc lòng yêu nước và sự cống hiến. Cũng không nên định kiến với phong cách sống, cách ăn mặc của tuổi trẻ bây giờ”, bác Dũng nói.

Bác Mãn Tấn Dũng, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Bình Thuận thời kỳ kháng chiến, nay bác đã 85 tuổi nhưng vẫn nhiệt huyết với phong trào của Đoàn

Ảnh: Quế Hà

Cũng chia sẻ với các bạn trẻ về phong trào thanh niên và các công tác của Đoàn, ông Lê Đắc Lâm, nguyên Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Bình Thuận, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Bình Thuận, chia sẻ về nhiệt huyết của mình với Đoàn. “Tôi có 26 năm gắn bó với phong trào Đoàn thanh niên của Bình Thuận. Cho đến nay, dù đã nghỉ hưu, nhưng những cảm xúc khi nghĩ về một thời tuổi trẻ với phong trào Đoàn vẫn không bao giờ nhạt phai”. Ông Lê Đắc Lâm cho rằng, thời nào cũng vậy, cán bộ Đoàn phải luôn rèn luyện dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Đặc biệt trong điều kiện hiện nay, cán bộ Đoàn phải năng động, sáng tạo, và dám chịu trách nhiệm, thậm chí cả những sai lầm để nhìn đến một tương lai mới, tốt đẹp hơn.

Ông Lê Đắc Lâm, nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH Bình Thuận, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Bình Thuận, chia sẻ các kỷ niệm thời tuổi trẻ với phong trào Đoàn

Ảnh: Quế Hà

Trả lời câu hỏi của một bạn đoàn viên trẻ, rằng ngày xưa hoàn cảnh kinh tế đất nước khó khăn là vậy. Động lực nào để giúp cán bộ Đoàn vượt qua tất cả nhằm hoàn thành nhiệm vụ? Cô Nguyễn Thị Thanh Hải, cựu Phó bí thư Tỉnh đoàn Bình Thuận, giai đoạn 1986-1992 nhớ lại thời làm công tác đoàn của mình trong các nông trường kinh tế mới.
Theo cô Nguyễn Thị Thanh Hải, do thời kinh tế bao cấp rất khó khăn, công tác tập hợp thanh niên trong các nông trường cao su, các hợp tác xã nông nghiệp là nhiệm vụ khó mà cán bộ đoàn phải hoàn thành. Để làm tốt điều đó, người cán bộ đoàn phải kiên trì, sáng tạo và đặc biệt là phải nhiệt tình với phong trào. “Mỗi phong trào phải gắn với việc làm cụ thể. Cán bộ đoàn phải gương mẫu, dám đi trước thì mới tập hợp được thanh niên, dù là phong trào nào”, cô Hải chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hải, cựu Phó bí thư Tỉnh đoàn Bình Thuận

Ảnh: Quế Hà

Đáp lại những chia sẻ của các cựu lãnh đạo Đoàn các thời kỳ, anh Nguyễn Vũ Vương, Bí thư Thị đoàn La Gi (Bình Thuận), cho biết tuổi trẻ bây giờ không ngại gian khổ khi tham gia bất cứ phong trào nào nhằm góp sức trẻ của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương.
“Khi nghe câu chuyện của các chú, các bác nguyên là cán bộ đoàn các thời kỳ chia sẻ, các bạn trẻ chúng cháu bây giờ thấm nhuần những cống hiến, hy sinh của các thế hệ cán bộ đoàn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, anh Vương nói.
Theo anh Vương, với sự tiến bộ của khoa học hiện nay, người trẻ phải biết sàng lọc những tinh hoa, tiếp thu, học tập những cái hay cái tốt để học hỏi và vận dụng vào công việc của mình.

Anh Lâm Hồng Tuyên, Quyền Bí thư Tỉnh đoàn Bình Thuận, ghi nhận và tri ân những đóng góp lớn lao của các thế hệ cán bộ Đoàn cho phong trào Đoàn thanh niên các thời kỳ của Bình Thuận

Ảnh: Quế Hà

Anh Lâm Hồng Tuyên, Quyền Bí thư Tỉnh đoàn Bình Thuận, cho biết những ý kiến đóng góp của các cựu lãnh đạo Đoàn các thời kỳ là những bài học quý giá cho các thế hệ cán bộ Đoàn sau này. Anh Tuyên cho rằng, các phong trào của tuổi trẻ Bình Thuận cần được chú trọng hơn nữa cả hình thức lẫn chiều sâu. “Điều này đòi hỏi tổ chức Đoàn các cấp phải linh hoạt, sáng tạo và phải luôn cháy bỏng với phong trào của Đoàn, cho dù ở hoàn cảnh nào. Mỗi cán bộ đoàn viên phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tu dưỡng và rèn luyện, sẵn sàng dấn thân vào những công việc dù khó đến mấy khi được tổ chức giao phó”, quyền Bí thư Tỉnh đoàn Bình Thuận phát biểu.
Nhằm ôn lại truyền thống 90 năm vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26.3.1931-26.3.2021), Tỉnh đoàn Bình Thuận tổ chức gặp gỡ các thế hệ cán bộ là cựu lãnh đạo Đoàn thanh niên của tỉnh Bình Thuận. Đây là dịp để ôn lại truyền thống cách mạng của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trong 90 năm qua; đồng thời nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ về sự cống hiến, hy sinh của nhiều thế hệ cán bộ đoàn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.