Lòng mẹ bao la

12/05/2012 09:32 GMT+7

Trong cơ quan tôi, có mấy bạn trẻ đang nuôi con nhỏ than thở nuôi con cực khổ. Song dường như ít ai hình dung nếu con mình là những đứa trẻ không bình thường, thì những vất vả ấy nào có sá chi...

Trước đây nhóm bạn của tôi có một chị có đứa con trai bị chậm phát triển trí tuệ. Chị sinh non, bé suy dinh dưỡng, 1 tuổi không lật bò được, đến 3 tuổi mới chập chững biết đi, vợ chồng rất mừng nhưng đồng thời lại phát hiện cháu không nghe được và bị chậm phát triển trí tuệ.

Những đứa con mãi là bé thơ

Khi tôi gặp chị, con chị đã 15 tuổi nhưng chỉ như một đứa trẻ, không nói được, phải đeo máy nghe, không tự ăn uống, ăn không biết nhai, vì thế cháu thường bị sặc, ói trong bữa ăn. Nhờ có đi học nên cháu không nhút nhát, sợ hãi nhưng không thể để cháu ra đường một mình. Quá 18 tuổi cháu phải buộc ra trường, không được đi học nữa nên cháu bắt đầu quên tất cả những gì được nhà trường dạy, cháu thu mình lại, ít giao tiếp, có lúc bị rối loạn hành vi, không nghe lời, không chịu tắm... Lại phải loay hoay tìm kiếm nơi này nơi khác, cuối cùng chị cũng tìm được nhóm My Future cho cháu sinh hoạt. Mỗi ngày chị phải chở cháu đến một nơi để học, cho cháu học bơi, học võ, làm nhang.

 Lòng mẹ bao la
Các học viên khuyết tật trong lớp võ của cô Thanh Loan - Ảnh: Đỗ Kim

Một cô bạn khác của tôi trước đây lúc nào cũng thấy cười, bạn kể mọi chuyện về gia đình mình rất tốt đẹp. Sau một bài báo về bạn ai cũng giật mình vì không ngờ bạn đã vất vả đến thế. Bạn tên Lê Thị Hằng, nhưng dạo đi học bạn bè luôn gọi bạn là “lăng hề”, và chết thành cái tên dành cho bạn. Nhưng đúng thế thật, lúc nào bạn cũng vui vẻ, cười thật tươi, nói chuyện rất lạc quan. Trong lần ghé thăm bạn gần đây, chúng tôi gặp con trai bạn. Cháu chạy xuống, rất vui, nhìn cười và muốn làm quen, tâm hồn cháu ngây thơ như một đứa trẻ dù đã 18 tuổi vì bị ngạt lúc chào đời. Hồi bé cháu luôn sợ hãi mọi thứ, từ tiếng gà gáy, tiếng chó sủa đến những con búp bê xinh xinh, những bức tượng...

 
My Future được thành lập từ ngày 1-1-2009, gồm tám thành viên, thân thiện với nhau như anh chị em một nhà, đều là những em bị bệnh Down, khuyết tật trí tuệ. Kinh phí do các phụ huynh tự đóng góp. Tham gia nhóm các em đi học 5 buổi sáng/tuần để học thêm kiến thức học đường và phát triển bản thân, xây dựng và củng cố các kỹ năng sống, giúp các em luôn vui vẻ, năng động, linh hoạt.

Bạn tôi phải giải thích, dẫn dắt cháu rất nhiều ngày tháng mới giúp cháu vượt qua được mọi sự sợ hãi, và tự giải quyết mọi việc của bản thân. Hiện cháu biết tự lấy thức ăn, ăn một mình rồi đi rửa chén. Bạn cho cháu chơi game trên máy vi tính, nay cháu có thể đi ra đường một mình, mua vài thứ lặt vặt, biết quét nhà, khóa cửa, tự vệ sinh... Nhưng mỗi động tác đơn giản, bình thường như thế, bạn và cả gia đình bên ngoại đều phải tập luyện cho cháu rất lâu, để biết rửa chén đã phải vỡ bao nhiêu cái chén mới làm được.

Lớp võ cho trẻ khuyết tật

Sáng thứ bảy, tôi ghé thăm Trường tiểu học Trương Quyền, cạnh kênh Nhiêu Lộc, Q.3, TP.HCM để xem các cháu khuyết tật tập võ aikido. Đây là lớp dạy võ cho các em khuyết tật hoàn toàn miễn phí, do cô Thanh Loan hướng dẫn. Lớp đã hoạt động được bảy năm, đầu tiên lớp tập tại sân Hồ Xuân Hương, Q.3, rồi vì sân xây dựng lại nên cô Loan phải chạy tìm nơi khác, may mắn được Trường Trương Quyền đồng ý cho các cháu vào tập mỗi buổi sáng thứ bảy, sáng thứ tư xin được tập tại sân Phú Thọ. Cô Loan là cựu giáo viên Trường Gia Long, trước năm 1975 cô đã đứng dạy lớp aikido tại trường, sau này lớp chuyển sang nơi khác. Vì thế, khi nghe tôi tự giới thiệu là cựu học sinh Trường Gia Long, cô rất vui, nói chuyện thật thân thiết.

Hiện lớp có hơn 20 em, mỗi em một hoàn cảnh khác nhau. Lớn trên 20, nhỏ dưới 10 tuổi. Có em khi sinh ra đã bị bệnh như Down, thiểu năng, chậm phát triển. Có em khi được 1 tuổi, do sốt quá cao đưa đến não bị tổn thương. Cũng có em đến 8 tuổi bỗng nhiên thấy mắt mờ dần, bác sĩ cho biết là do lão hóa võng mạc, mắt cháu sẽ bị mờ dần đến khi hoàn toàn không nhìn thấy gì nữa. Nhìn mắt em bình thường, hàng lông mi dài cong vút thật đẹp, không ai ngờ rằng em là người khiếm thị. Có em cao to, vạm vỡ như thanh niên, có ria mép, nhưng hầu hết đều có tâm hồn ngây thơ như các trẻ nhỏ. Vì thế, các em đối với những người thân yêu rất chân thành và hết mực yêu thương.

Đầu giờ học, cô Loan luôn tập cho các em cúi chào, và hát những bài hát chung với nhau, cuối giờ học các em phải chào tổ và chào cô. Theo cô Loan, âm nhạc là không biên giới, âm nhạc sẽ giúp các em gần với nhau hơn. Nhờ thế, có những em khi chưa đi học ở nhà không hề biết chào hỏi ai, không cách nào nói được, sau khi vào lớp học, đi về nhà em đã biết chào mọi người, bảo chào ai là chào ngay. Tuy vất vả, buồn lo thật nhiều, nhưng các phụ huynh đều cố gắng giúp con mình phát triển, có chị tâm sự: “Để giúp con, mình phải quên đi sự xấu hổ”.

Nhìn các bậc phụ huynh này, tôi thấm thía lời bài hát “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình, dạt dào...”. Bản thân tôi không biết khi lâm vào hoàn cảnh như thế có làm được gì không, vì thế tôi vô cùng khâm phục những tấm lòng thương con, vì con của các bậc phụ huynh.

Theo Tuổi Trẻ

>> Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình
>> Bao la lòng mẹ
>> Tình yêu của mẹ
>> Nhiều đường báo hiếu
>> Lòng mẹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.