Lòng tin

Dù một chương trình và nhiều SGK là một chủ trương đúng hướng, cần thiết nhưng nếu làm một cuộc khảo sát để lấy ý kiến ở nhà trường về chủ trương này, tôi cho rằng sẽ có một nửa trong tổng số GV và HS hoan nghênh ủng hộ, nửa còn lại dè dặt, nghi ngờ. Tại sao vậy?

Số ủng hộ xuất phát từ những mặt tích cực, tiện ích của việc tự do được lựa chọn SGK mà mình yêu thích, phù hợp với thực tế giảng dạy ở địa phương mình, của trường mình; tránh được sự áp đặt nặng nề, cứng nhắc, hàn lâm về kiến thức; tạo thích thú cho việc dạy và học… Số e dè cũng có lý do riêng để biện hộ: Thống nhất để có sự đồng bộ về chương trình, để tiện lợi trong việc giảng dạy, thi cử, kiểm tra, đánh giá. Vả lại theo họ, SGK chỉ là phần “nền” của kiến thức cơ bản, quan trọng là sự sáng tạo của GV, là những tài liệu tham khảo thêm ngoài nó…

Tuy vậy, có một điểm gặp gỡ chung của hai luồng ý kiến trên là, hầu hết GV và HS rất mơ hồ và băn khoăn về chủ trương này: Ai viết? Tiến độ? Chất lượng? Cách thức, lộ trình thực hiện? Cách xử lý những hệ lụy kéo theo như kiểm tra, đánh giá ra sao?...
Chúng tôi vẫn cho rằng, một chương trình và nhiều bộ SGK là một chủ trương đúng hướng, cần thiết. Hơn nữa, chương trình giáo dục phổ thông mới đã xây dựng xong, và các chương trình môn học cụ thể đang chờ hoàn tất đều theo định hướng gợi mở, tạo thuận lợi cho việc lựa chọn SGK để dạy, để học.
Cho nên, điều quan trọng nhất để có được sự đồng thuận về chủ trương này là lòng tin. Bấy lâu nay lòng tin về sự ổn định vững chắc của giáo dục trong dư luận mất đi khá nhiều. Vì vậy, GV, HS và cả xã hội chưa tin vào sự thành công và ổn định của thay đổi. Mà muốn có lòng tin thì phải có những giải pháp cụ thể đi trước, chứ chỉ chủ trương không thôi thì chưa đủ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.