Đại lễ có sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cùng các chư tôn đức giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam và hàng nghìn tăng ni, phật tử. Tại buổi lễ, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại cuộc đời, sự nghiệp, công đức của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Phật hoàng Trần Nhân Tông sinh ngày 11.11 năm Mậu Ngọ - 1258 và tịch diệt ngày 1.11 năm Mậu Thân - 1308, là anh hùng dân tộc, vị hoàng đế với sự nghiệp lẫy lừng; đồng thời là nhà văn hóa lớn, một lãnh tụ tôn giáo. Người đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, dòng thiền mang đậm bản sắc Việt.
Từ khi sinh ra, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã có tư chất thông minh khác người, lại được truyền dạy bài bản Nho giáo, Tứ thư, Ngũ kinh cũng như Phật pháp. Sau khi lên ngôi vua vào năm 21 tuổi, vua Trần Nhân Tông đã có công lãnh đạo quân dân nhà Trần 2 lần chiến thắng giặc Nguyên Mông xâm lược, giữ yên bờ cõi Đại Việt. Đất nước thái bình thịnh trị, ngài đã nhường ngôi cho con trai là Trần Anh Tông, trở về hành cung Vũ Lâm - Ninh Bình làm lễ xuất gia, tập sự tu hành.
Năm 1299, Ngài lên núi Yên Tử quyết chí tu hành. Sau đó, Phật hoàng Trần Nhân Tông đi khắp nơi khuyến khích muôn dân giữ năm giới, tu hành thập thiện, loại bỏ mê tín dị đoan…
Năm 1307, ngài truyền y bát lại cho Pháp Loa lên làm sơ tổ Trúc Lâm. Ngày 1.11 âm lịch năm 1308, ngài nhập diệt tại am Ngọa Vân (TX.Đông Triều, Quảng Ninh), được đưa về kinh thành Thăng Long cử hành quốc tang. Xá lị của ngài sau này được phân phát về nhiều nơi, theo các nhà khoa học thì riêng ở Quảng Ninh xá lị của ngài được lưu giữ tại am Ngọa Vân, chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều) và tại tháp Huệ Quang (Yên Tử).
Cũng tại đại lễ, các đại biểu đã tiến hành khánh thành cung Trúc Lâm Yên Tử, với tổng mức đầu tư hơn 150 tỉ đồng. Theo Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, cung Trúc Lâm Yên Tử là công trình đồ sộ nhất trong tổng thể Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, với tổng diện tích xây dựng hơn 6.000 m2.
Công trình được xây dựng bằng chất liệu bê tông kiên cố, kiến trúc hoành tráng, mang bản sắc văn hóa dân tộc, hài hòa với quần thể Trung tâm văn hóa Trúc Lâm và lễ hội Yên Tử. Sau khi đưa vào sử dụng, công trình có sức chứa khoảng 5.000 người, là nơi tôn vinh giá trị của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử; nơi tổ chức các sự kiện tưởng niệm, lễ hội, hội thảo và các hoạt động văn hóa Phật giáo.
Bình luận (0)