Từ ngày 7.10, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế đã tiến hành mở hố đào thăm dò khảo cổ học khu vực gò Dương Xuân, là nơi mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng từng tồn tại cung điện Đan Dương của nhà Tây Sơn và lăng mộ vua Quang Trung được táng ở đây.
Lớp đá lạ
Đến nay đoàn khảo cổ đã mở 5 hố đào, trong đó ở chùa Vạn Phước 2 hố, nhà ông Nguyễn Hữu Oánh 1 hố, nhà Lê Thị Rô (ông Trọng) nay là Nguyễn Thị Oanh (số 13/120 Điện Biên Phủ) 1 hố và chùa Thiền Lâm 1 hố.
Tại hố đào nhà 13/120 Điện Biên Phủ, khi đào xuống chừng 0,4 m, đoàn khảo sát đã phát hiện một lớp đất đá (chiều rộng khoảng 1 m, dài khoảng 1,2 m) được xếp đều nghi dấu vết nền móng của dãy tường thành. Lớp đá chứng tỏ từng có một dạng công trình kiến trúc tồn tại ở khu vực này.
|
Còn ở hố đào trong khuôn viên gia đình ông Nguyễn Hữu Oánh, đoàn khảo cổ cũng phát hiện một lớp đất lạ, khác với các lớp địa tầng khác. Đây là lớp hỗn hợp sỏi trộn cát nghi liên quan đến một công trình kiến trúc.
Ngoài ra, tại các hố đào ở chùa Vạn Phước, các nhà khảo cổ học cũng đã phát hiện và thu giữ nhiều mẫu vật gạch, ngói, vôi vữa, sành sứ, kim loại… Đặc biệt, tại hố đào ở chùa Thiền Lâm, đoàn khảo cổ còn phát hiện một om hũ, nghi dùng để táng thi hài người chết (dạng mộ vò, chum của người Chăm)...
PGS-TS Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học, người trực tiếp chủ trì cuộc thăm dò khảo cổ gò Dương Xuân, cho biết: “Tại các hố đào ở gia đình ông Oánh, chùa Vạn Phước, Thiền Lâm (ấp Bình An xưa, thuộc P.Trường An) và nhà ông Trọng, bước đầu chúng tôi đã thu được những tín hiệu, dấu tích, tư liệu… của các thời đại khác nhau, như tiền đồng, sắt, gốm, sành sứ, gạch, ngói... Còn về dấu tích của thành quách, cung điện hay lăng mộ táng… thì phải chờ kết quả đào thêm, vì hiện giờ mới đào ở tầng mặt. Những phát hiện
vừa qua chưa có dấu tích nào cụ thể để kết luận nó là thành hay là tường liên quan đến cung điện Đan Dương hay dấu tích gì cụ thể của lăng mộ vua Quang Trung”.
Phát hiện thêm bia đá, giếng cổ
Cùng với những phát hiện đầu tiên từ các hố đào thăm dò khảo cổ, các nhà chuyên môn còn phát hiện ở bờ rào sau lưng chùa Vạn Phước một tấm bia đá, có chữ Hán đã bị gãy mất phần đầu. Nội dung tấm bia đá này chưa được các nhà khoa học giải mã.
Ở khu vực nghĩa địa phía tây bắc của chùa Vạn Phước, các nhà chuyên môn cũng đã ghi nhận một giếng cổ. Điểm đặc biệt là giếng cổ này nằm rất cao so với khe suối phía dưới, phía trên miệng giếng nhỏ, đường kính khoảng 1,2 m, nhưng càng xuống phía dưới càng rộng với đường kính khoảng 3 m, được xây dựng theo thể thức xếp đá làm thành giếng từ dưới lên trên. Ông Nguyễn Hữu Oánh cho biết khi còn nhỏ, ông được những người lớn kể lại trong khu vực này có tới 18 giếng cổ như vậy và toàn nằm trên đồi cao so với khe suối. Ông Oánh nghe các bậc cao niên xưa lý giải sở dĩ phải đào giếng ở những điểm cao là để tránh bị nước lũ tràn vào, làm dơ bẩn nước của các bậc vua chúa dùng.
Trước những phát hiện này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân phát biểu: “Về công tác thăm dò khảo cổ học lần này, tôi không được quyền nhận xét hay bình luận gì. Tuy nhiên, với những phát hiện qua các hố đào thăm dò khảo cổ nơi đây, có một điều mà hầu như ai cũng nhìn thấy đó là khu vực này từng tồn tại một quần thể di tích nhưng đã bị chôn sâu dưới lòng đất. Còn di tích đó là gì thì các nhà khảo cổ, nhà khoa học sẽ tiếp tục giải mã”.
Bình luận (0)