Lớp dạy nghề cho người khiếm thính

01/10/2014 10:24 GMT+7

Hàng chục người khiếm thính ở TP.Cà Mau (Cà Mau) đã thành thạo nghề may công nghiệp, có thể tự nuôi sống bản thân nhờ lớp dạy nghề miễn phí của cô Phan Thị Minh.

Lớp dạy nghề cho người khiếm thính
Cô Phan Thị Minh đang hướng dẫn học viên - Ảnh: Chí Bắc

Nỗ lực của nhiều người

Lớp của cô Minh hiện có 14 học viên khiếm thính, tuổi từ 18 - 21, đang được dạy cắt may công nghiệp. Trong căn phòng chật hẹp, mọi thứ đều được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. Các học viên chăm chú quan sát giáo viên hướng dẫn rồi tập trung vào công việc của mình. Khi gặp vấn đề khó, mọi người sẵn sàng giúp đỡ nhau thông qua “ngôn ngữ” của đôi tay để cùng hoàn thành công việc.

Cô Phạm Thị Sa, Phó hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Cà Mau, cho biết lớp học cắt may này được hình thành nhờ sự cố gắng của nhiều người. Cô Sa cùng một số giáo viên đã đi dò hỏi rất nhiều cơ sở dạy cắt may trong tỉnh để tìm sự giúp đỡ nhưng đi đến đâu cũng chỉ nhận được những ánh mắt ngờ vực, cái lắc đầu lạnh lùng hoặc lời hứa mang tính “xã giao”. Bởi theo họ, dạy cắt may cho người bình thường đã khó, huống gì đây là người khiếm thính, lại phải dạy miễn phí. “Rồi vận may cũng đến với chúng tôi. Sau khi nghe nhà trường thuyết phục, người thân vận động, cô Minh đã đồng ý mở lớp dạy cắt may miễn phí cho các em khiếm thính”, cô Sa nói.

Gần 3 năm qua, căn nhà số 203 Nguyễn Trãi, P.9, TP.Cà Mau đã trở thành lớp học thân quen của các em Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật. Lúc đầu, các em phải đạp xe đi, về trên quãng đường hơn 20 km để đến lớp học. Hiện nay trường đã có phương tiện đưa rước, đồng thời thuê hẳn một đầu bếp nấu ăn cho các em ngay tại nơi học.

Hết lòng vì các em

Cô Minh chia sẻ: “Ban đầu, việc dạy cho các em khuyết tật vô cùng khó khăn vì tôi chưa có nhiều kinh nghiệm. Do bị khiếm thính nên khi trao đổi vấn đề nào đó, tôi đều phải thông qua “phiên dịch”. Vì thế, các em gặp hạn chế trong việc tiếp thu lý thuyết lẫn thực hành”. Vượt qua cản trở về ngôn ngữ, cô và trò đã dần thích nghi và hiểu nhau hơn. Giờ đây, cô Minh có thể trao đổi với các em mà không cần “phiên dịch”, học trò cũng ngày càng tiến bộ. “Khi hiểu rõ từng hoàn cảnh, tôi lại càng cảm thông với các em hơn. Các em cũng nhận ra điều này nên đáp lại bằng tình thương và coi tôi như là người mẹ thứ hai”, cô Minh tâm sự.

Để hướng dẫn các em, trong quá trình dạy, cô Minh đưa ra một sản phẩm làm ví dụ, sau đó phân tích và chỉ dẫn ráp phần nào trước, phần nào sau. “Có khi tôi chỉ đi chỉ lại nhiều lần nhưng nhiều em cứ lắc đầu tỏ vẻ không hiểu. Những lúc như vậy mình cảm thấy nản chí, nhưng sau đó tôi kiên trì chỉ lại cho đến khi nào các em hiểu mới thôi. Đã không ít lần thầy trò không hiểu ý nhau, sản phẩm làm ra không đạt yêu cầu, tôi phải mày mò tháo ra ráp lại, thậm chí sửa lại thành sản phẩm khác. Giờ tôi rất mừng khi các em đã có thể tự cắt may mà không cần tôi trợ giúp nữa”, cô Minh cho biết.

Để duy trì lớp học, cô Minh đã bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua 14 chiếc máy may công nghiệp, trang thiết bị kéo lụa… Tiếp sức cô Minh, các giáo viên của trường cũng tích cực tìm kiếm, vận động các trường trong và ngoài tỉnh đặt may đồ đồng phục học sinh. Ngoài ra, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Cà Mau còn hỗ trợ tiền ăn hơn 1 triệu đồng/tháng cho các em trong suốt cả khóa học.

Trong 14 học viên, em Lê Minh Thư (19 tuổi, quê xã Tắc Vân, TP.Cà Mau) có hoàn cảnh rất khó khăn. Gia đình nghèo, cha mẹ Thư phải lên Bình Dương làm phụ hồ, còn em được gửi vào trường để các cô nuôi dạy. Qua lời “phiên dịch” của cô Sa, Thư cho biết: “Những ngày học ở đây, thấy các cô, đặc biệt là cô Minh quan tâm, tận tình chỉ dạy từng li từng tí, em cảm động lắm. Em chỉ mong sau này ra trường sẽ có một công việc ổn định để tự lo cho mình”.

Cô Sa cho biết năm học này có 8 em đã thành thạo nghề được cho ra trường. Nếu muốn, các em có thể ở lại tiếp tục công việc như hiện tại hoặc tự mở tiệm cắt may, kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình.

Chí Bắc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.