(TNO) Thấy những đứa trẻ suốt ngày lang thang đầu đường, xó chợ rồi gây chuyện, không đành lòng, thầy Hùng mở lớp dạy chữ, dạy lễ miễn phí hơn 6 năm qua cho con của những người lao động nghèo, với hy vọng cho tương lai của những đứa trẻ sẽ tốt hơn.
Đa số các em nhỏ trong lớp học đều có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn - Ảnh: Đình Tuyên.
|
Những đứa trẻ trong lớp học “cổ tích” của thầy Đoàn Minh Hùng (ở số 166, đường Phan Anh, P.Tân Thới Hòa, Q.12) ngoài con em của những người trong xóm, đa phần là con của những người lao động nghèo ở các xóm kế bên kéo về đây để theo đuổi ước mơ chữ nghĩa.
“Mong có cái chữ…”
Sinh ra trong một gia đình làm nông tại Bà Rịa - Vũng Tàu, cha mẹ ly hôn từ khi thầy Hùng vừa tròn một tuổi. Lớn lên trong cảnh thiếu vắng tình cha, thầy Hùng đã phải trải qua những chuỗi ngày lận đận. “Năm ấy cảnh nghèo bủa vây khắp xóm, tôi cùng nhiều đứa trẻ trong xóm phải bỏ học giữa chừng”, thầy Hùng kể.
Sau khi lập gia đình, thầy Hùng đưa cả vợ và con lên Sài Gòn tìm lại người cha của mình, nhưng sum họp chưa được bao lâu thì người cha qua đời.
Nói về cơ duyên thành lập lớp học tình thương, thầy Hùng chia sẻ: “Tuổi thơ tôi cơ cực nên bây giờ gặp những người khổ dễ đồng cảm. Khoảng năm 2010, thấy cha mẹ của những đứa trẻ trong xóm lo đi làm nên suốt ngày chúng lang thang đầu đường, xó chợ rồi gây chuyện. Nhìn vậy, tôi không đành lòng”. Vậy là thầy Hùng mở lớp và tận tình dạy chữ cho các em với mong muốn mai sau các em vào đời không bị thiệt thòi.
“Dạy chữ cho tụi nhỏ xem như hiện thực hóa giấc mơ được đến lớp hồi nhỏ của mình”, thầy Hùng chia sẻ - Ảnh: Đình Tuyên.
|
Buổi học đầu tiên, lớp chỉ có 5 em, đều là những đứa trẻ bán vé số và nhặt ve chai. Thầy Hùng tâm sự: “Lúc đầu cứ nghĩ mình biết chữ là dạy được tụi nhỏ, nhưng bắt đầu dạy rồi mới thấy mọi thứ rắc rối hơn nhiều. Lúc ấy, tôi phải tìm đến một tiệm sách cũ ở quận 5 để mua giáo trình hướng dẫn dạy học về đọc thêm”.
Bán đất mở lớp học miễn phí cho trẻ nghèo
Mọi người truyền tai nhau về lớp học miễn phí của thầy Hùng, cứ như thế lớp học ngày một đông, căn phòng trọ nhỏ đã không đủ sức chứa những cậu học trò nhỏ. Thầy Hùng bàn với vợ bán mảnh đất hương hỏa ở quê để lấy tiền duy trì lớp học.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi, vợ thầy Hùng cho biết: “Mảnh đất đó là của cha ông để lại, khi quyết định lên Sài Gòn hai vợ chồng tôi tính khi nào hết ở được thì về đó dưỡng già. Nhưng vì lớp học nên bán cũng không tiếc”.
Sau khi bán đất có một ít tiền trong tay, thầy Hùng thuê một căn nhà khác kiên cố hơn, một bên để bán cơm chay, một bên dành riêng cho việc mở lớp học để đón thêm học trò.
Các học sinh đến sớm ăn cơm trước khi bắt đầu buổi học - Ảnh: Đình Tuyên
|
Tiếng lành đồn xa, lớp học của thầy Hùng cứ thế đông hơn. Căn nhà trọ của thầy giờ đây có đến 8 “phòng học”, ngăn giữa các “phòng” là tấm bảng hai lớp đối diện nhau dùng chung để tiết kiệm không gian.
“Mỗi tối, tiếng ê a đánh vần của tụi nhỏ lớp một làm rộn ràng lên cả 7 lớp còn lại. Tiếng thầy cô giảng bài của các lớp trộn vào nhau, đấy chính là sự ấm áp như gia đình của lớp học”, anh Đoàn Nguyễn Minh Tùng, con trai thầy Hùng, chia sẻ.
Lớp học tình thương của thầy Hùng ngoài dạy chữ còn dạy các em về đạo đức, cách cư xử với người lớn sao cho lễ phép, chan hòa với bạn bè xung quanh. “Nhìn tụi nhỏ không còn đánh nhau, chửi bậy, gặp người lớn khoanh tay chào, tôi thấy vui lắm”, thầy Hùng chia sẻ.
Hiện tại, lớp học của thầy Hùng có khoảng 70 em theo học, lúc cao điểm lên tới 130 em. Ngoài những em không được đến trường, còn có những em đang đi học ở các trường lân cận, nhưng tối vẫn đến đây để được “phụ đạo” miễn phí.
Không chỉ có trẻ em cơ nhỡ, lớp học của thầy Hùng còn kiêm luôn việc “phụ đạo cho các em không có điều kiện đi học thêm - Ảnh: Vũ Phượng.”
|
Do số lượng các em đến với lớp học ngày một đông nên thầy Hùng phải nhờ đến các sinh viên đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học đến để hướng dẫn bài vở cho các em.
Đinh Quốc Hùng (21 tuổi, sinh viên trường Đại học sư phạm TP.HCM), một tình nguyện viên dạy tại lớp của thầy Hùng chia sẻ: “Biết lớp học này thông qua một người bạn. Ban đầu đến với lớp học mình hơi bỡ ngỡ, nhưng sau thì mình thấy các em ở đây đều rất ham học và rất ngoan. Nên hàng tuần mình đến đây đều đặn 5 buổi, không nỡ nghỉ buổi nào”.
Sách vở và dụng cụ học tập của các em đều được các nhà hảo tâm hỗ trợ - Ảnh: Vũ Phượng
|
Ngoài lớp học tình thương, thầy Hùng còn nhận nuôi những em có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa. Em Lạc Văn Phú (14 tuổi), một trong những trẻ có hoàn cảnh khó khăn được gia đình thầy Hùng nuôi dưỡng, cho biết: "Từ lúc em còn trong bụng mẹ cha đã bỏ đi, mẹ sang Trung Quốc làm thuê, em ở với dì và phụ dì đi bán vé số tại quận 8".
Khi biết có lớp học của thầy Hùng, người dì gửi em đến đây nhờ thầy Hùng nuôi dưỡng và dạy dỗ. Đến nay Phú đã sống chung với gia đình thầy Hùng được 3 năm. “Ở đây em vừa được ăn no, lại vừa được học chữ. Em cũng không phải làm gì cả. Lâu lâu phụ thầy dọn dẹp nhà cửa và bưng cơm cho khách. Cả nhà thầy thương em lắm”, Phú cười chia sẻ.
Khi được hỏi về tương lai của lớp học, thầy Hùng chia sẻ nhiều lúc khó khăn quá cũng muốn buông xuôi. Nhưng nghĩ lại lúc tụi nhỏ háo hức đến lớp, vợ chồng lại động viên nhau để ước mơ chữ nghĩa của những trẻ em nghèo không bị dang dở.
Bình luận (0)