Lớp học đặc biệt của thầy Chánh

29/10/2018 08:30 GMT+7

Mỗi người tìm đến lớp học của thầy Chánh đều có thân phận khó khăn. Họ đến với mong muốn học một nghề, để được tự lập...

Dự án mở lớp học hướng nghiệp của thầy Trần Lâm Ngọc Chánh (116A Nguyễn Hữu Thọ, Nhà Bè, TP.HCM) ra đời gần 2 năm, được thầy xem như cách góp chút sức cho những người có hoàn cảnh đặc biệt.
Thầy Chánh chia sẻ: “Tôi có cơ duyên được làm công việc mình yêu thích, có điều kiện, nên tôi muốn chia sẻ may mắn của mình, dùng khả năng của mình giúp đỡ những người khó khăn hơn”.
Với mong muốn đây là lớp học thực sự truyền cho học viên cái nghề, để mỗi người sau đó đều có thể sống với kỹ năng đã được học, thầy Chánh căn cứ trên điều kiện cụ thể cũng như khả năng của từng người để dạy. Lớp học hoàn toàn không thu phí. Nguyên liệu trong quá trình học, thầy cũng chuẩn bị sẵn, để học viên được học thật, làm thật.

Do số lượng học viên mỗi khóa học giới hạn nên thầy cũng tự thân phỏng vấn để tìm được những người thực sự cần học. Thầy đưa ra vài tiêu chí dành cho học viên, những người mẹ đơn thân không có công việc cần học để về mở tiệm hay bán hàng online để nuôi con, những người trẻ mất cơ hội học tập, làm việc bình thường, hoặc những người bị mất phương hướng cần bắt đầu lại từ đầu...
Mai Thị Thanh Thảo, nhà ở Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu), gia cảnh chỉ có 2 bà cháu. Thảo gọi điện để xin thầy Chánh dạy cách làm trà sữa, phô mai que, bánh gạo cay... để mở quầy bán thức ăn vặt trước trường học, để kiếm thêm tiền trang trải sinh hoạt cho hai người. Thảo từ Tân Thành lên vào 2 ngày cuối tuần của tháng 6.2017. Thầy đã truyền toàn bộ bí quyết, công thức cho Thảo một cách cẩn thận. Kết thúc khóa học, thầy còn tặng học trò bộ đồ nghề dao, chảo... để trò có thể mở tiệm mà không lo lắng về vốn.
Một dự án cũng được thầy Chánh ấp ủ là giúp người khó khăn mở những xe bán bánh mì kiếm sống. Có 5 xe bánh mì sẽ được mở trong tháng 9. Thầy dạy cách làm các nguyên liệu cho vào bánh mì, giúp vốn để mua một chiếc tủ, nguyên liệu, rồi liên hệ với những lò bánh mì lân cận có thể cung cấp bánh mì cho các xe trong vòng 1 tháng, sau đó thì để học viên tự lập. “Vốn để mở xe bánh mì hơn chục triệu đồng, tôi muốn mở vài trăm xe như thế, để những người khó khăn hơn họ có thể có công việc, có cần câu cơm, kiếm sống”, thầy Chánh chia sẻ.
Ngoài lớp học miễn phí, hằng tháng thầy Chánh cùng nhân viên trong trường tổ chức nấu ăn để tặng người vô gia cư những bữa ăn miễn phí.
Gần 3 năm qua, “Nồi cháo dinh dưỡng vùng cao” do thầy Chánh và bạn bè quyên góp vẫn đỏ lửa mỗi tuần, nấu thêm một bữa cho học sinh ở Sơn Tây, Quảng Ngãi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.