Lớp học tình thương của cô giáo nghèo người Khmer

19/06/2022 18:51 GMT+7

Dù cuộc sống còn lắm khó khăn, nhưng suốt 22 năm qua, cô giáo Trần Thị Mươn (63 tuổi, ngụ khóm 3, P.5, TP.Sóc Trăng, Sóc Trăng) vẫn duy trì lớp học tình thương cho trẻ em nghèo.

Căn nhà cấp 4 của cô Mươn nằm sâu trong hẻm nhỏ đường Tôn Đức Thắng. Tận dụng mái hiên, cô làm lớp học tình thương gồm vài chục ghế nhựa cùng bảng nhỏ. Chật chội, thiếu thốn là vậy nhưng lúc nào nơi đây cũng vang tiếng ê a tập đọc của trẻ, phần đông là con em người dân tộc Khmer nghèo. Qua đó, giúp hàng ngàn trẻ em thoát cảnh mù chữ.

Cô Mươn kể, năm 1978, cô học sư phạm mầm non rồi về địa phương dạy học. Đến năm 1983, do cuộc sống gia đình quá khó khăn, để có tiền nuôi con ăn học, cô xin nghỉ dạy, hằng ngày đi cắt lúa mướn và chạy xe ôm. Thời gian này, nhận thấy địa phương có nhiều em nhỏ người dân tộc nghèo khó phải đi bán vé số, có em 13 - 14 tuổi vẫn chưa biết đọc, viết. Xót lòng, năm 2000, cô mở lớp học tại nhà dạy miễn phí cho các em cho đến nay.

Cô Mươn tận tình dạy chữ cho trẻ em nghèo, đa phần là người dân tộc Khmer

DUY TÂN

Đặt sự yêu thương vào từng nét chữ, con số, khi thì cô Mươn dạy các em đánh vần, viết chính tả, lúc hướng dẫn các phép toán cộng trừ nhân chia… Trong kiến thức cô truyền đạt cho trẻ còn có những bài học về đạo đức, yêu thương ông bà, cha mẹ, cách ứng xử xã hội, cách cho đi và nhận lại yêu thương…

Mỗi tuần, cô Mươn dạy 2 buổi sáng, chiều từ thứ hai đến thứ sáu cho trẻ từ mẫu giáo đến lớp 3. Tấm lòng cô luôn rộng mở nên lớp học ngày một đông. Hiện mỗi năm cô dạy miễn phí cho trên 70 trẻ em nghèo, bán vé số. Để các em có đầy đủ quần áo, sách, vở, dụng cụ học tập, cô đứng ra vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ. Những em nhà xa thì cô chạy xe đưa, đón đến lớp học. Đặc biệt, cô còn đứng ra liên hệ chính quyền làm giấy khai sinh cho 20 trẻ bị thiếu tình thương của cha mẹ từ lúc bé.

Cô Mươn chia sẻ, điều làm cô vui nhất là các em trong lớp học tình thương học hành đến nơi đến chốn, nhiều em bước vào đại học, ra trường trở thành giáo viên, làm việc có ích cho xã hội… “Khi trưởng thành, có việc làm ổn định, nhiều em vẫn nhớ về tôi nên thường xuyên đến nhà thăm. Có em còn gửi con cho tôi dạy trước khi chuẩn bị vào lớp 1. Đặc biệt, nhiều em hỗ trợ kinh phí cho lớp học tình thương với mong muốn lớp được duy trì”, cô Mươn chia sẻ.

Hiện 2 người con của cô Mươn cũng theo nghề giáo, người dạy ở Trường tiểu học Kim Đồng, người dạy ở Trường mầm non Mai Anh trên địa bàn TP.Sóc Trăng. “Tôi thấy vui vì các con và con dâu lúc rảnh là đến lớp để hỗ trợ việc dạy học. Chồng tôi thì phụ đưa rước các em nhà xa. Cuộc sống tuy có đỡ chật vật nhưng chẳng dư dả chút nào. Nhưng tôi yêu nghề, thương các em nên ngày không dạy là thấy nhớ. Tôi mong mình có sức khỏe để duy trì việc dạy học lâu dài”, cô Mươn nói.

Anh Thạch Danh Quân (35 tuổi, ngụ khóm 3) cho biết: “Tôi rất cảm kích tấm lòng cô Mươn. Gia đình tôi khó khăn, con chuẩn bị vào lớp 1 nên gửi đến lớp học tình thương của cô, được cô dạy chữ mà mấy nay con biết đánh vần và học đạo đức nên ngoan ngoãn lễ phép”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.