Lớp học điểm lẻ nằm trên núi cao, thung sâu nhưng vẫn có nhiều giáo viên tâm huyết như Đàm Thị Thu Thủy và Nguyễn Thị Hạ cần mẫn bám trụ dạy chữ cho học sinh dân tộc thiểu số.
Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long tặng quà cho giáo viên cắm bản tại Lào Cai - Ảnh: P.Hậu |
Đây là 2 trong số 64 giáo viên được T.Ư Hội LHTN VN và Tập đoàn Thiên Long tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”.
Quê ở Phú Thọ, cô giáo Đàm Thị Thu Thủy đã có 5 năm dạy học ở các điểm trường mầm non xã Thải Giàng Phố (H.Bắc Hà, Lào Cai). Quen cuộc sống ở đồng bằng, Thủy không thể tưởng tượng con đường đến lớp ở Thải Giàng Phố lại nhọc nhằn đến thế. Kỹ năng đầu tiên Thủy được đồng nghiệp dạy là cách cuốn, bọc xích sắt vào lốp xe máy để xe bám đường khi trời mưa, nhưng có những đoạn quá trơn, cô phải bỏ xe máy giữa đường để đi bộ ngược núi đến lớp.
Hiện tại, Thải Giàng Phố chưa có điện, không sóng điện thoại. Ở lớp học, Thủy tận dụng giấy vụn, gỗ rừng làm dụng cụ học tập, đồ chơi để học sinh thích đi học, đến lớp nhiều hơn. Thương học sinh bản còn nghèo, sau giờ lên lớp Thủy cùng đồng nghiệp trồng rau sạch làm thức ăn cho học sinh. “Nghề giáo ở vùng cao gian khổ, có những lúc muốn buông bỏ để về dưới xuôi nhưng thương học trò vượt núi băng rừng đến lớp, mình cũng không thể dễ dàng bỏ cuộc”, Thủy tâm sự.
Còn tại Trường tiểu học Xuân Đài, xã Xuân Đài, H.Tân Sơn, Phú Thọ, cô giáo Nguyễn Thị Hạ vào nghề 19 năm thì 16 năm dạy học ở điểm lẻ. Hiện cô Hạ dạy ở khu suối Bồng, với lớp học ghép có 9 học sinh, 6 em mới vào lớp 1 và 3 em vừa lên lớp 2. Trước đây, điểm trường suối Bồng nằm trong thung sâu, từ đường lớn đi vào phải lội qua suối và đi bộ khoảng 2 km đường mòn giữa cây cối âm u rậm rạp. Ngày mưa nước suối dâng cao, cô Hạ đứng chờ cõng từng học sinh qua suối. Trước đây, khu suối Bồng có nhiều nhà nghèo, trẻ em quá tuổi mà không được đi học. Hiểu tâm lý các em ngại đến lớp, cô Hạ đến từng nhà vận động trẻ đi học. Nhờ đó, suối Bồng trở thành điểm sáng trong phong trào học tập, không còn trẻ em thất học.
Dạy học ở vùng khó khăn, cô Hạ chia sẻ với cả cái nghèo của phụ huynh. Nhiều hộ nghèo đến nỗi không thể mua đủ đồ dùng học tập cho con, dù chỉ là cuốn vở, chiếc bút. Cô Hạ trích tiền lương mua bút, vở cho học sinh sử dụng. Tiền lương không đủ chi tiêu, cô làm thêm nghề đan nón lá để kiếm thêm thu nhập. “Đồng bào dân tộc ở đây quý trọng, tin tưởng giao con em cho mình dạy học, nên dù có cơ hội chuyển đến nơi làm việc nhàn nhã nhưng tôi vẫn muốn dạy học ở các điểm lẻ. Chỉ mong sao học sinh có điều kiện học tập đầy đủ hơn”, cô Hạ nói.
Kêu gọi cộng đồng chung tay hành động
Khi đến thăm các điểm trường vùng cao ở Lào Cai, tôi thấy thực tế khác rất nhiều so với những suy nghĩ và dự tính ban đầu trước khi Thiên Long cùng T.Ư Hội LHTN VN tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”.
Nhiều thầy cô giáo đang hy sinh tuổi trẻ cho việc cõng chữ lên vùng cao. Khi thấy lòng nhiệt huyết, sự gắn bó của thầy cô dành cho việc dạy dỗ cũng như tình thương yêu đối với học sinh, tôi thực sự khâm phục họ! Những gì chúng tôi đang làm cho chương trình vẫn còn quá nhỏ bé.
“Chia sẻ cùng thầy cô” chỉ là sự khởi đầu cho sự hỗ trợ lâu dài từ cộng đồng với mục đích chung tay giúp đỡ thầy cô giáo vùng sâu vùng xa có cuộc sống và điều kiện giảng dạy tốt hơn, để từ đó họ sẽ toàn tâm toàn ý mang tri thức đến với học sinh. Đất nước còn nghèo và chúng ta không nên trông chờ đến cơ chế, chính sách của nhà nước.
Tôi tin rằng nếu mỗi cá nhân chúng ta và cả cộng đồng ngay bây giờ cùng chia sẻ và hỗ trợ thầy cô từ những việc nhỏ nhất thì dần dần trong tương lai sẽ có những ý tưởng, kế hoạch lớn nhằm chăm lo cho đời sống của thầy cô ngày một tốt hơn, đóng góp cho sự phát triển của nền giáo dục nước nhà ngày một bền vững hơn.
Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long
|
Bình luận (0)