Lớp mù dày đặc, TP.HCM ô nhiễm không khí cao nhất năm

07/12/2024 06:22 GMT+7

Sáng qua 6.12, TP.HCM chìm trong lớp sương khói dày đặc, kéo dài đến tận trưa. Số liệu từ nhiều trạm quan trắc chất lượng không khí cho thấy mức độ ô nhiễm ở mức cảnh báo đỏ - xấu, một số trạm chuyển sang mức tím - rất xấu.

Ngày ô nhiễm không khí tăng cao bất ngờ

Trong những ngày gần đây, bầu không khí ở TP.HCM thường xuyên mù mịt, có hôm kéo dài suốt cả ngày. Đến sáng 6.12, khói mù lên mức đậm đặc khiến nhiều người giật mình khi thức giấc. Theo ghi nhận của Thanh Niên, khoảng 6 giờ sáng gần như không thể nhìn rõ hình khối các tòa nhà cao tầng. Trên đường tầm nhìn hạn chế, hầu hết phương tiện giao thông vẫn phải mở đèn để đảm bảo an toàn. Cùng thời gian đó, trên hệ thống quan trắc trực tuyến IQAir thể hiện "báo động đỏ" về mức độ ô nhiễm không khí; phần lớn các trạm đo đều ở màu đỏ - ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và có đến 3 trạm chuyển sang màu tím - ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe.

Lớp mù dày đặc, TP.HCM ô nhiễm không khí cao nhất năm- Ảnh 1.

Lớp mù dày đặc, TP.HCM ô nhiễm không khí cao nhất năm- Ảnh 2.

Khoảng 10 giờ sáng 6.12, lớp mù ô nhiễm ở TP.HCM vẫn đậm đặc

Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Cụ thể, tại trạm IGS - HCMC (Trường Quốc tế Đức ở An Phú, TP.Thủ Đức) chỉ số AQI lúc 7 giờ sáng là 221, tương ứng với màu tím (AQI từ 201 - 300); mức độ ô nhiễm màu tím tiếp tục kéo dài đến 9 giờ, sau đó được dự báo chuyển sang màu đỏ. Tuy nhiên đến gần 10 giờ, những thông tin cập nhật cho thấy chỉ số AQI là 203 - vẫn màu tím, bên cạnh đó còn có 2 trạm khác cũng màu tím và nhiều nơi khác vẫn ở mức đỏ với chỉ số AQI gần 200.

Đây cũng là ngày có nhiều trạm quan trắc chuyển sang màu tím nhất và ở các trạm màu đỏ thì chỉ số AQI cũng kịch khung, gần 200. Còn chỉ số AQI bình quân của TP.HCM lúc 8 giờ sáng qua là 192, đứng thứ 5 trong danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Trong khi đó, Hà Nội đứng thứ 11 với chỉ số AQI bình quân 165.

Khoảng 9 giờ sáng, chúng tôi khảo sát một vài địa điểm ở khu vực trung tâm TP và có thể thấy lượng phương tiện giao thông đông đúc trên hầu hết các tuyến đường. Phần lớn người đi xe máy đều trang bị áo khoác và khẩu trang để thích ứng với thời tiết cũng như chống khói bụi. Trời có nắng và gió nhẹ nên không khí cũng bớt mù mịt so với lúc sáng sớm, các tòa nhà cao tầng cũng dần có thể nhìn rõ trở lại. Tuy nhiên, bằng mắt thường vẫn có thể dễ dàng nhìn thấy khói bụi tạo thành một màng trắng đục bao trùm khắp nơi.

Đến sau 12 giờ, nắng khá gay gắt và khói bụi cũng giảm dần. Hệ thống IQAir cho biết mức độ ô nhiễm không khí đã giảm xuống mức màu cam ở hầu hết các trạm.

Theo các chuyên gia khí hậu và môi trường, lượng bụi bẩn gây ô nhiễm không khí về cơ bản thì gần như giống nhau trong suốt cả năm. Tuy nhiên, vào mùa mưa thì nước mưa giúp rửa trôi bụi bẩn còn mùa nắng thì nhiệt độ cao và gió giúp bụi mịn khuếch tán mạnh hơn trong không khí. Còn giai đoạn từ nay đến đầu năm sau thường được gọi là "mùa ô nhiễm không khí" vì độ ẩm trong không khí cao, nhiệt độ thấp và ít gió nên các chất ô nhiễm cứ lơ lửng trong không khí.

TP.HCM mù mịt sương từ sáng đến đêm: Cảnh đẹp lãng mạn nhưng cần lưu ý sức khỏe!

Giao thông chiếm 30 - 40% nguyên nhân gây ô nhiễm

Th.S Đinh Trọng Khang, Phó giám đốc chuyên ngành môi trường - Viện Khoa học công nghệ GTVT, cho biết: Có một số nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí là hoạt động sản xuất công nghiệp, giao thông, sản xuất nông nghiệp, xây dựng và cả tác động của khí hậu. Tuy nhiên để biết rõ tác động chính đến từ đâu thì cần phải có những nghiên cứu bài bản và sâu rộng cho từng đô thị cụ thể mới bóc tách được. Một số nghiên cứu trước đây cho thấy ở Hà Nội, yếu tố giao thông chiếm khoảng 10%, còn lại là các hoạt động khác như sản xuất công nghiệp, đốt rơm rạ trong nông nghiệp và kể cả khói bụi từ các nơi khác di chuyển tới. 

Trong khi đó, tại TP.HCM, theo nghiên cứu của Viện Môi trường - Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM), yếu tố giao thông chiếm tới khoảng 40%. "Hiện nay số lượng phương tiện tham gia giao thông tăng hơn so với trước đây là điều có thật. Tuy nhiên chúng ta cũng chưa thể vội vàng kết luận nó là yếu tố làm gia tăng ô nhiễm không khí vì các phương tiện giao thông mới hiện nay phải tuân thủ các quy định về kiểm soát khí thải tốt hơn. Chính vì vậy cần phải có nghiên cứu kỹ hơn về tình trạng ô nhiễm hiện nay", ông Khang nói.

Theo nghiên cứu của Viện Môi trường - Tài nguyên, tại TP.HCM xe máy chiếm khoảng 29% nguồn phát thải NO, 90% CO, 65,4% NMVOC; 37,7% nguồn phát thải bụi; 31% nguồn phát thải bụi siêu mịn. Nếu thực hiện kiểm soát khí thải xe máy theo đề án TP.HCM đã nghiên cứu thì mức giảm sẽ là 56.403 tấn CO/năm (13,1%) và 4.808 tấn HC/năm (13,8%), tương đương giảm tới 30% tình trạng ô nhiễm không khí.

Chuyên gia Đinh Trọng Khang nhận xét: Do ô nhiễm có nhiều nguyên nhân khác nhau nên muốn giải quyết cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cả trong ngắn và dài hạn. Từ quy hoạch đô thị đến hạ tầng giao thông và quy hoạch sản xuất cả công và nông nghiệp. Tuy nhiên, trước mắt ở các đô thị lớn có thể phân vùng để kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm. Ví dụ ở khu vực trung tâm TP, nơi có mức độ ô nhiễm cao có thể quy hoạch phát triển phương tiện giao thông công cộng bằng năng lượng xanh, chính sách tiêu chuẩn năng lượng sạch nhằm kiểm soát khí thải và quy hoạch phát triển các tuyến phố đi bộ… Ở góc độ này, các bộ ngành và Chính phủ đã có nhận thức cao và quyết tâm rất rõ ràng trong việc giảm thiểu ô nhiễm không khí. Đối với nguyên nhân từ giao thông, Chính phủ có Quyết định số 876 trong việc hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện giao thông xanh.

Về lâu dài, trong quy hoạch đô thị sẽ phải tính đến các yếu tố môi trường, dân cư kèm theo các giải pháp giao thông thông minh, thân thiện môi trường, các giải pháp chống ùn tắc giao thông… "Ở các nước phát triển, để giảm thiểu ô nhiễm không khí ngoài việc sử dụng dữ liệu quan trắc tại chỗ, là điều VN vẫn còn yếu; thì họ còn kết hợp cả dữ liệu vệ tinh để xác định rõ nguyên nhân là tại chỗ hay khuếch tán theo không khí", ông Khang khuyến cáo.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch VN, nhận định: Thời gian qua VN đã có nhiều nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm không khí nhưng kết quả chưa như mong đợi. Điều này cho thấy cần có quyết tâm cao và giải pháp mạnh từ các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, để có giải pháp thật sự hiệu quả thì cần phải đầu tư vào nghiên cứu khoa học để xác định nguyên nhân cụ thể và giải pháp chính xác. Một số nước lân cận chúng ta đã làm khá tốt và chúng ta có thể học tập được khá nhiều bài học có giá trị.

Thiệt hại hơn 13 tỉ USD mỗi năm

Theo Tổ chức Unicef VN, từ năm 2023 ô nhiễm không khí quay trở lại mức trước đại dịch Covid-19. Chỉ số bụi mịn PM 2.5 của VN cao gấp gần 6 lần mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trên phạm vi toàn cầu, ô nhiễm không khí gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong mỗi năm và ở VN ước tính khoảng 70.000 ca. Không chỉ thế, đây còn là nguyên nhân khiến cho tuổi thọ trung bình bị rút ngắn 1,4 năm.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính ô nhiễm không khí gây ra thiệt hại về xã hội và kinh tế cho VN - bao gồm cả tử vong sớm và bệnh tật, lên đến hơn 13 tỉ USD mỗi năm, tương đương gần 4% GDP. Con số thiệt hại về kinh tế này chưa bao gồm chi phí làm sạch trong tương lai.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.