Phải "lót tay" để xin việc trong cơ quan nhà nước
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (Chỉ số PAPI) năm 2023 được công bố ngày 2.4 cho thấy người dân vẫn còn lo lắng về kiểm soát tham nhũng trong khối công lập.
Chỉ số PAPI do Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) và Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam khảo sát và công bố hàng năm.
Năm 2023, PAPI có 19.536 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên, cung cấp thông tin khảo sát theo 8 chỉ số: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử.
Trong PAPI 2023, chỉ số Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công ở các địa phương cải thiện so với năm 2022, có chuyển biến tích cực trong hiệu quả kiểm soát vấn đề "vị thân" trong tuyển dụng công chức, viên chức. Nhưng đi sâu vào nội dung thành phần: Công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công thì các địa phương đạt mức điểm thấp nhất trong bốn nội dung thành phần, chỉ từ 0,95 - 1,71 điểm trên thang đo từ 0,25 - 2,5 điểm.
Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ người dân cho rằng cần phải đưa "lót tay" để xin việc làm trong khu vực Nhà nước là 36,7%, cao hơn so với năm 2021. Bên cạnh mối quan hệ thân quen thì tình trạng "chung chi" để có việc làm trong khu vực nhà nước vẫn khá phổ biến ở tất cả các tỉnh, thành phố, không kể tỉnh giàu hay tỉnh nghèo. Báo cáo dẫn ra 3 tỉnh đạt điểm thấp nhất ở nội dung này gồm: Bình Phước và Đắk Nông và Hải Phòng.
Báo cáo ghi nhận, tỷ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đã phải chi "lót tay" dao động từ 19 - 81% ở 61 tỉnh, thành phố. Trong đó, Tây Ninh là địa phương có tỷ lệ thấp nhất và Lâm Đồng là địa phương có tỷ lệ cao nhất năm 2023.
PAPI 2023 ghi nhận tín hiệu đáng khích lệ là tỷ lệ người phải "chung chi" khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã giảm ở 34 tỉnh, thành phố. Trong đó, 9 địa phương có tỷ lệ này giảm dưới 20% gồm: Cà Mau, Cao Bằng, Điện Biên,Hà Tĩnh, Hậu Giang, Hưng Yên, Sóc Trăng, Tây Ninh và Tuyên Quang). Bên cạnh đó, 4 địa phương có tỷ lệ phải "chung chi" khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tăng trên 20% sau 3 năm gồm: TP.Đà Nẵng, Hòa Bình, Lâm Đồng và Quảng Trị.
Cũng theo PAPI năm 2023, người dân phải đưa "lót tay" để được chăm sóc y tế tốt hơn vẫn còn phổ biến ở các tỉnh, thành phố. Năm 2023, tỷ lệ người sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở bệnh viện công tuyến huyện cho biết họ đã phải trả chi phí ngoài quy định để được chăm sóc tốt hơn dao động từ 40 - 80% ở 40 tỉnh, thành phố. Tỷ lệ này ở mức thấp nhất tại: Bến Tre, TP.Đà Nẵng và Kon Tum, song vẫn dao động trong khoảng 20 - 30%. So với năm 2021, tỷ lệ này thấp hơn ở 32 tỉnh, thành phố, nhất là ở Bắc Kạn, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Gia Lai, Ninh Bình. Còn tại Thái Bình ghi nhận tỷ lệ "chung chi" khi đi khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện giảm từ 20% trở lên.
Trách nhiệm giải trình thấp, đơn thư không được hồi đáp
Cũng theo khảo sát PAPI 2023, Chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân tại các địa phương trong 2 năm vừa qua gần như không có sự tiến bộ, tất cả các tỉnh, thành phố đều đạt dưới 4,66 điểm trên thang đo từ 1 - 10 điểm.
Trong số đó chỉ có 5 tỉnh gồm: Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Sóc Trăng và Sơn La đạt một số tiến bộ trong năm 2023 so với kết quả năm 2021. Trong khi đó, điểm số của 10 tỉnh gồm: Bến Tre, Cà Mau, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hải Dương, Hải Phòng, Hậu Giang, Long An, Quảng Nam và Thanh Hóa có mức sụt giảm hơn 5% điểm so với kết quả năm 2021.
Cũng trong chỉ số này, nhiều tỉnh, thành phố đạt điểm thấp nhất ở nội dung về xử lý khiếu nại, tố cáo và đề xuất của công dân, trung bình toàn quốc có gần 50% người trả lời cho biết họ đã gửi đề xuất, khuyến nghị, tố giác tới chính quyền địa phương; tuy nhiên chưa đến một nửa người dân khảo sát hài lòng với phúc đáp nhận được.
Những địa phương nơi có hơn 2/3 số người gửi đơn thư cho biết họ hài lòng với phúc đáp của chính quyền đó là: Quảng Bình và Quảng Trị. Trong khi đó, những người đã gửi đơn thư ở: An Giang, Hải Phòng, Long An, Tiền Giang và Trà Vinh ít hài lòng nhất với kết quả nhận được.
Cũng theo khảo sát, các cơ chế giải quyết tranh chấp dân sự phi tòa án chưa được người dân tin tưởng ở tất cả các tỉnh, thành phố, mặc dù đây là kênh hỗ trợ giải quyết tranh chấp từ sớm trước khi khởi kiện ra tòa án.
PAPI năm 2023 cũng ghi nhận tỷ lệ người trả lời cho biết họ sẽ giải quyết tranh chấp dân sự ở tòa án địa phương, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ lựa chọn thiết chế phi tòa án, ví dụ như qua tổ hòa giải. Ở các tỉnh: Hậu Giang, Quảng Bình, Đồng Tháp, Long An và Trà Vinh, tỷ lệ người trả lời tin tưởng vào các thiết chế phi tòa án là 20%, trong khi tỷ lệ tin tưởng vào tòa án ở những tỉnh này mức cao, từ 46 - 57%.
Bình luận (0)