Vấn đề xã hội hóa đường sắt thực ra đã được định hướng, thử nghiệm từ nhiều năm trước nhưng không thành công.
Thế nhưng lần này, khi Bộ GTVT kêu gọi, nhiều người đặt kỳ vọng vào bộ mặt mới của ngành đường sắt. Bởi không chỉ kêu gọi suông, Bộ GTVT đã xây dựng và công bố cụ thể các danh mục chương trình, dự án mới để kêu gọi xã hội hóa.
Ngành này cũng khởi động với việc cải tạo, nâng cấp gần 70 toa tàu; cho thuê toa, nhượng quyền khai thác kinh doanh một số tuyến. Hiện ở phía bắc đã có hơn 20 nhà đầu tư tham gia. Tất cả những việc này cho thấy quyết tâm của cơ quan quản lý và tín hiệu khả quan của việc xã hội hóa một trong những lĩnh vực hạ tầng vốn được coi là khó kêu gọi vốn nhất là đường sắt. Đó là lý do để nhiều người đang kỳ vọng về sự lột xác của đường sắt.
Thực tế đã chứng minh, hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề khi có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, khi thực sự phải cạnh tranh đều tốt hơn cả về chất và lượng. Hàng không là ví dụ mới nhất và điển hình nhất. Với sự tham gia của VietJet, mặt bằng giá đã được kéo xuống và khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn. Hàng chục năm trước, sự tham gia của Viettel đã phá thế độc quyền của VNPT trên thị trường viễn thông nội địa. Với chính sách cước táo bạo, luôn đi tiên phong trong các đợt giảm cước vào giờ thấp điểm, cước gọi từ di động sang các máy cố định cùng mạng… Viettel đã khiến Vinaphone và MobiFone của VNPT phải rượt đuổi bằng nhiều chương trình tương tự và người tiêu dùng được hưởng lợi. Tương tự với đường sắt, để có thể cạnh tranh với đường bộ, đặc biệt là đường hàng không với rất nhiều chương trình vé giá rẻ, các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào đây chắc chắn sẽ phải tính đến phương án vừa phải nâng cấp chất lượng, dịch vụ, vừa phải đưa ra nhiều phương án giá vé cho khách hàng lựa chọn. Ví dụ như mua vé càng sớm, giá càng rẻ mà ngành hàng không đang áp dụng thành công. Với sự quá tải của hệ thống đường bộ hiện nay, nếu đường sắt được đầu tư bài bản, chất lượng, dịch vụ được nâng cấp, giá vé hợp lý, chắc chắn sẽ thu hút một lượng khách không nhỏ. Điều này không chỉ giúp nhà đầu tư thu hồi vốn mà còn chia tải cho đường bộ.
“Đường sắt phát triển chậm so với sự thay đổi của đất nước”, đó là nhận định của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng để cho thấy sự bức thiết của việc xã hội hóa đường sắt. Một trong những lý do quan trọng nhất của sự trì trệ này là do đầu tư ngành đường sắt lâu nay phụ thuộc hoàn toàn vào vốn ngân sách nhà nước, trong khi ngân sách có hạn. Lâu nay chúng ta vẫn cho rằng gọi vốn vào đường sắt nói riêng và hạ tầng giao thông nói chung rất khó. Tuy nhiên, với sự sẵn sàng tham gia của hơn 20 nhà đầu tư, trong đó một số đã ổn định kinh doanh, có lời, cho thấy vấn đề là cơ chế, chính sách thông thoáng, minh bạch, tạo sự chủ động thì việc gọi vốn vào đường sắt nói riêng và hạ tầng giao thông nói chung là hoàn toàn khả thi.
Và người dân đã có thể kỳ vọng vào sự lột xác của đường sắt khi Bộ GTVT đã thể hiện quyết tâm và quyết liệt đẩy mạnh xã hội hóa ngành này bằng những hành động cụ thể.
Bình luận (0)