Tại Việt Nam, thị trường ứng dụng nhắn tin trên nền tảng internet (gọi chung là ứng dụng OTT) được đánh giá "đang ổn định" với những cái tên như Zalo, Messenger (của Facebook), Telegram, Viber... liên tục giữ vững vị trí tính về số lượng người dùng. Sự tham gia của những thương hiệu mới, trong đó có Lotus Chat, vì thế luôn nằm trong sự nghi ngờ về khả năng tồn tại.
Chia sẻ với Thanh Niên, ông Nguyễn Thế Tân - Tổng giám đốc VCCorp, đơn vị phát triển Lotus Chat (gia nhập thị trường Việt từ ngày 18.10 vừa qua), tin rằng tính ổn định ấy có thể bị phá vỡ nếu sản phẩm mới khai thác được thị trường ngách, đồng thời tận dụng cơ hội do nhân tố vừa xuất hiện là trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại.
* 5 năm sau khi mạng xã hội Lotus ra đời và chưa đạt được nhiều mục tiêu như kỳ vọng, vì sao VCCorp quyết định tung ra ứng dụng nhắn tin Lotus Chat?
- Ông Nguyễn Thế Tân: Chúng tôi bắt đầu làm Lotus Chat cách nay 2 năm khi nhìn thấy các ứng dụng nhắn tin gặp một số vấn đề nhất định. Ví dụ khi người dùng tham gia môi trường mạng thì rủi ro lộ thông tin, bị quấy rối làm phiền, lừa đảo. Với người trẻ, tình trạng này còn đỡ nhưng với người dùng lớn tuổi hay phụ nữ thì dễ bị kẻ gian lợi dụng hơn.
Bên cạnh đó, ứng dụng chat ngày càng phổ biến trong việc giao tiếp xã hội cũng như công việc, từ đó phát sinh những hạn chế như việc chuyển dữ liệu khi đổi máy, hoặc gọi vào tài khoản thì có máy thông báo, máy lại không; không thể cùng lúc đăng nhập nhiều thiết bị... Như vậy thì không thể hỗ trợ tối đa cho công việc, thiếu tính sẵn sàng.
Với 2 vấn đề trên, chúng tôi quyết định tự phát triển ứng dụng để phục vụ công việc hiệu quả hơn. Toàn công ty đã sử dụng Lotus Chat trong công việc nội bộ từ hơn 1 năm nay, trước khi quyết định đưa ra thị trường.
* Thị trường ứng dụng nhắn tin Việt Nam đã định hình, trong đó vai trò của các phần mềm ở nhóm dẫn đầu đã ổn định. Lotus Chat nhìn thấy cơ hội nào cho mình?
- Thị trường ứng dụng nhắn tin có đặc trưng định hình trong giai đoạn ngắn. Ban đầu, thế giới có AOL Chat độc chiếm, nhưng sau đó Skype, Yahoo... ra đời, cho thấy dù có ứng dụng lớn rồi thì phần mềm mới vẫn phát triển được. Công nghệ tiếp tục thay đổi, sinh ra thế hệ 2 gồm WhatsApp, Telegram, Viber, LINE, Wechat, Messenger... đều có người dùng, bởi họ luôn sẵn sàng sử dụng phần mềm song song. Vì thế tôi cho rằng đến một thời điểm nhất định, tính định hình sẽ bị phá vỡ khi yêu cầu của người dùng ngày càng tăng nhưng chưa được đáp ứng.
Gần đây, xuất hiện một tác động mạnh mẽ được dự báo sẽ phá vỡ định hình ấy, chính là AI. Cụ thể AI làm được gì trong ứng dụng nhắn tin thì chưa quá rõ ràng, nhưng quan trọng ta thấy được tiềm năng ấy. Tôi tin AI sẽ khởi động thế hệ thứ ba của các ứng dụng chat, khắc phục nhược điểm của cái cũ, mở ra những chức năng mới. Lúc này, phần mềm mới sẽ được sinh ra để giải quyết các vấn đề của thế hệ hai, đồng thời tạo ra đột phá chưa từng có nhờ AI.
* Lotus Chat đặt mục tiêu thị phần và người dùng thế nào tại Việt Nam qua từng giai đoạn kể từ khi ra mắt vào giữa tháng 10 vừa qua?
- Như đã đề cập, người dùng sẽ sử dụng song song nhiều phần mềm, nên chúng tôi đặt mục tiêu có được một lượng người dùng đủ lớn trong ngữ cảnh sử dụng. Hai ngữ cảnh chính mà Lotus Chat hướng đến là nhu cầu nhắn tin cho công việc dưới mọi hình thức. Thứ hai là nhóm người dùng hướng đến tính an toàn, dùng mang tính cá nhân, riêng tư cao. Kỳ vọng đặt ra là khoảng 15 triệu người dùng trong 3 năm tới.
Còn về mục tiêu gần là đạt được mốc 1 triệu người dùng, phục vụ số ấy một cách thông suốt, mượt mà nhất, trước khi hướng đến các con số lớn hơn. Hiện tại chưa có thống kê cụ thể, nhưng ước tính Lotus Chat đang có khoảng 200.000 người dùng.
* Các sản phẩm công nghệ Việt khi ra mắt thường nhận những cái nhìn đầy hoài nghi về nguồn gốc cũng như khả năng tồn tại trên thị trường, ông đánh giá sao về vấn đề này?
- Ngay tại buổi ra mắt sản phẩm, chúng tôi cũng thẳng thắn về nguồn gốc Lotus Chat sử dụng khoảng 30% mã nguồn từ Telegram để tận dụng ưu điểm hoạt động mượt mà, còn lại là trí tuệ và tài sản Việt: lập trình viên, quá trình thiết kế tính năng, máy chủ...
Qua nhiều năm, người dùng va chạm với các sản phẩm chất lượng kém, có trường hợp chỉ "gắn mác Việt", tất cả đều không tồn tại lâu, gây ảnh hưởng đến niềm tin chung. Do vậy sự nghi ngờ đặt ra là điều hiển nhiên. Đôi lúc người Việt hơi khắt khe với sản phẩm nội, "soi" hơi kỹ. Nhưng họ không có trách nhiệm phải ủng hộ mình, mà doanh nghiệp có trách nhiệm chứng minh để có được sự ủng hộ ấy. Chúng ta phải làm đúng và giữ tinh thần cầu thị để sửa đổi, khắc phục, tạo ra cái nhìn tích cực hơn.
Nếu chỉ nhìn vào số đông sẽ thấy nhiều người hoài nghi, nhưng cũng có tỷ lệ không nhỏ vẫn sẵn sàng ủng hộ, trải nghiệm, bàn luận. Như vậy là họ vẫn cho mình cơ hội, vẫn có sự quan tâm. Thực tế là nhiều sản phẩm Việt đã thành công và phát triển được.
* Theo ông, đâu là cơ hội cho doanh nghiệp Việt khi đưa ra sản phẩm “Made in Vietnam” đến với người tiêu dùng?
- Thuận lợi đầu tiên là sự quan tâm của người dùng rất lớn. Tiếp đó, nói riêng mảng công nghệ, thường đòi hỏi thiết kế sản phẩm và lập trình viên. Cả hai tài nguyên này chúng ta có rất sẵn, đều am hiểu thị hiếu nội địa, do vậy để làm ra sản phẩm sẽ tốn ít công sức và chi phí, tính sẵn sàng cao hơn. Ngoài ra, tinh thần khởi nghiệp của người Việt rất cao. Với tinh thần, nguồn lực ấy, cộng với sự ủng hộ và quan tâm của người dùng thì các doanh nghiệp Việt nói chung luôn có khởi đầu rất tốt rồi.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Bình luận (0)