Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (SIWRP) cho biết, mùa lũ ĐBSCL đang đạt đỉnh và sẽ tiếp tục kéo dài trong một vài ngày tới. Ngày 4.10, mực nước lũ tại trạm Tân Châu trên sông Tiền (An Giang) 3,38m, so với báo động 1 thấp hơn 0,12m; còn tại trạm Châu Đốc trên sông Hậu (An Giang) 3,12m, cao hơn báo động 1 là 0,12m.
Theo SIWRP, ngoài 2 trạm chính ở đầu nguồn hiện nay, mực nước trên các trạm vùng thượng ĐBSCL đang trong thời kỳ đạt đỉnh lũ chính vụ năm 2024. Đỉnh lũ ĐBSCL phổ biến trên mức báo động 1. Đáng chú ý, riêng trạm Long Xuyên trên sông Hậu (An Giang) đỉnh lũ là 2,61m vượt mức báo động 3 là 0,11m. Dự báo trong 10 ngày tới mực nước phổ biến duy trì ở mức trên mức báo động 1, riêng trạm Long Xuyên (An Giang) mực nước dự báo duy trì trên mức báo động 3 trong 4 ngày tới sau đó giảm xuống dưới mức báo động 3. Các trạm khu vực Đồng Tháp Mười có xu thế giảm với cường suất trung bình 2,8cm/ngày; các trạm khu vực Tứ giác Long Xuyên có xu thế giảm với cường suất trung bình 2,3cm/ngày. Khu vực TP.Long Xuyên cần đề phòng tình trạng ngập úng do triều cường kết hợp đỉnh lũ chính vụ vẫn còn nguy cơ cao xảy ra từ nay đến hết ngày 8.10.
Lũ ĐBSCL đang đạt đỉnh, tại Long Xuyên bất ngờ vượt báo động 3
Trong khi vùng đầu nguồn lũ chỉ phổ biến mức báo động 1 thì ở vùng giữa do triều cường kết hợp lũ chính vụ nên đỉnh lũ nhiều trạm vượt báo động 3, một số trạm ở mức báo động 1 - 2. Dự báo trong 10 ngày tới có xu thế giảm đến ngày 12.10, sau đó tăng trở lại. Các địa phương vùng giữa ĐBSCL cần đề phòng tình trạng ngập úng do triều cường kết hợp đỉnh lũ chính vụ vẫn còn nguy cơ cao xảy ra từ nay đến hết ngày 8.10.
Hiện nay, mực nước trên các trạm vùng ven biển ĐBSCL đang trong kỳ đạt đỉnh triều cường, phổ biến xấp xỉ và thấp hơn báo động 1, riêng trạm Trà Vinh và trạm Cà Mau mực nước vượt mức báo động 3. Các địa phương khu vực ven sông chính của tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau cần đề phòng tình trạng ngập úng do triều cường kết hợp mưa lớn trong các ngày tới.
MDM (Dự án giám sát hoạt động của các đập thủy điện sông Mekong) cho biết, trong tuần qua, các đập thủy điện thượng nguồn tiếp tục tích trữ lượng nước nhiều kỷ lục lên tới 3,2 tỉ mét khối. Những hoạt động tích nước lớn nhất đến từ đập Tiểu Loan (Trung Quốc) tích 529 triệu mét khối và hiện đã đầy 100%, đập Nọa Trát Độ (Trung Quốc) 154 triệu mét khối; một số con đập của Lào như: Nam Ngum 2 tích 501 triệu mét khối, Nam Theun 2 tích 462 triệu mét khối, Theun Hinboun mở rộng tích 524 triệu mét khối và đập Ubol Ratana (Thái Lan) tích 501 triệu mét khối… Quá trình tích nước thời gian qua giúp mực nước trong các hồ chứa trên toàn bộ lưu vực sông Mekong đang ở mức cao nhất trong vòng ba năm qua.
Dù vậy, hai tuần qua nhờ vào sự kết hợp giữa lượng nước từ cơn bão Yagi và lượng mưa tại chỗ ở khu vực Campuchia và ĐBSCL nên mực nước lũ ở khu vực hạ nguồn sông Mekong được mở rộng đáng kể và đạt mức bình thường hàng năm. Điều này giúp thúc đẩy nguồn lợi thủy sản phát triển và cung cấp nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam, kéo dài đến mùa khô năm 2025.
Bình luận (0)