Lũ miền Tây rút: Mùa cá linh lại về nhưng còn đâu cá ngày xưa

03/12/2016 13:31 GMT+7

Thời điểm nước rút là mùa cá linh, loài cá gắn liền với mùa nước nổi ở Tây Nam bộ. Ngày xưa, cá bơi rào rào xanh các mặt sông bắt không hết. Còn bây giờ…

Mùa cá xưa
Cá linh chỉ xuất hiện trong mùa nước nổi và tại Tây Nam bộ, có nhiều ở An Giang, Đồng Tháp, còn lại số ít bơi về hạ lưu Vĩnh Long, TP.Cần Thơ. Tháng 7 âm lịch, cá linh trôi theo nước lũ thượng nguồn xuống sông Tiền, sông Hậu vào các cánh đồng ngập nước, các ao hầm trú thân.
Mùa cá linh

tin liên quan

Kỳ thú Châu Đốc - Bài 2: Tuyệt phẩm cá linh đầu mùa
Từ Sài Gòn, qua phà Vàm Cống, qua Long Xuyên đi thêm 80 cây số, là tới Châu Đốc. Trên đường đi tôi cứ nghĩ, ngày xưa ngài Lê Đại Cang khi nhậm chức tổng đốc đầu tiên ở An-Hà (gồm An Giang và Hà Tiên), không biết ông xuống Châu Đốc bằng phương tiện gì?
Náu mình đến tháng 11, khi nước nổi trên đồng rút nhanh là lúc cá linh lớn hơn ngón tay cái, kéo bầy bầy từ đồng ruộng, kênh, rạch theo con nước bơi ra sông lớn. Ngư dân gọi đó là mùa cá ra, cá linh đi theo con nước rạng sáng và đến trưa, đến tối thì cá ít dần.
Lúc đó, dọc theo các bờ sông, các bờ kinh luôn lố nhố người chài cá linh, một buổi sáng chài dính vài chục ký cá là chuyện thường. Mà cũng rất lạ, cá đang lội xanh mặt nước nhưng mưa rớt hột là cả bầy biến mất. Hiện tượng này gọi là “cá tan”, nhiều người tạm lý giải do mưa nên mặt nước sông lạnh, chúng phải lặn sâu xuống đáy sâu trầm lại, trú ẩn.
Mùa cá linh 1
Mùa cá này theo các bờ sông, các bờ kinh cái khung cảnh đánh cá không còn rộn ràng, ngư dân thở dài khi kéo chài lên không dính con cá linh nào.
Nhắc đến cá linh, ông Tư Sơn, một trong những chủ vựa thu mua cá linh lâu đời ở xã Tà Đảnh (H.Tri Tôn, An Giang) lắc đầu than, từ năm 2013 đến nay nước nổi về miền Tây quá thấp kéo theo cá linh ít nên các vựa thu gom được cá linh từ ngư dân rất ít, không đủ cá bán cho người địa phương, nói chi đóng thùng ướp lạnh đưa về TP.HCM tiêu thụ.
Còn ông Tư Tùng, một ngư dân ở TX.Tân Châu (An Giang) nhớ lại, khoảng năm 1989, cá nhiều lắm nên chài một chài là dính cả trăm con, gỡ bắt cá không kịp nên ngư dân phải cầm chài giũ thật mạnh cho cá văng ra khỏi chài. Còn ai dùng lưới kéo cá linh thì lắm khi phải cắt một lỗ hổng cho cá thoát, nếu không cắt cá lội bầy bầy làm sập hay đứt dàn lưới.
Cá linh chế biến được nhiều món và món nào cũng ngon, từ món lẩu mắm, cá kho, cá linh làm chả cá, nấu canh chua… luôn để lại dư vị khó quên cho thực khách. Mấy chục năm trước, thịt heo hay thịt bò là món ăn đắt tiền, cá linh thì nhiều nên giá rẻ đặc biệt, chỉ có người nghèo mới mua về chế biến.
Lúc ấy, người mua cá cứ cầm cái rổ ra chỗ ngư dân chài cá xúc cá linh đầy cả rổ rồi trả ít tiền, cách bán ấy như là cho chứ không như bây giờ bán cân từng con. Ngày xưa, muốn nói món gì giá rẻ mạt người ta hay mượn câu “rẻ như cá linh”.
Mùa cá linh 2
Theo dòng thời gian, mỗi năm lượng cá linh theo mùa nước nổi càng ít dần. Bây giờ, con cá tự nhiên lại có giá hơn thịt heo, thịt bò, từ món ăn cho người nghèo nay cá linh đã trở thành món phổ biến ở cả nông thôn và đô thị. Các món cá linh kho, lẩu cá linh, cá linh chiên bột… xuất hiện trong thực đơn các nhà hàng, trong các bữa cơm thết đãi khách phương xa.
Đó là chưa kể, cá linh đầu mùa khan hiếm nên có nhiều người bán cá trôi (giống cá linh nhưng không ngon bằng) mà nói là cá linh làm nó mang tiếng oan.
Mùa cá linh 4
Loài cá được tôn vinh
Tháng 9.2015, Tổ chức Kỷ lục VN đã công bố cá linh kho mía là một trong top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng ở VN. Đây là sự tôn vinh muộn mằn cho loài cá ngon từng một thời dành cho người nghèo.
Lúc trước, cá linh bị xem là loài cá xương xẩu, người lớn ít cho trẻ nhỏ ăn sợ mắc xương. Ở vùng quê, khi làm món cá linh kho mía người ta rửa sạch, moi ruột cá bỏ đi, còn đầu và vẩy lại để nguyên không cạo. Sau đó, chẻ cây mía thành nhiều khúc để dưới đáy nồi đất, cá linh ướp gia vị xong cho vào nồi đất rồi đổ nước dừa vào. Có nhiều cách kho cá linh nhưng kiểu nào thì lửa cũng chỉ để riu riu.
Người nấu canh lửa không cho khói bốc lên hay lửa cháy lớn vì như thế khói ám vào nồi cá mất ngon hay lửa lớn làm cá chín sớm thịt cá cũng mất ngon. Nấu nồi cá linh kho mía phải mất hơn 5 giờ đồng hồ canh lửa rất cực, khi nước dừa trong nồi cá rút hết thì cá chín và xương cá đã nhừ, ăn nhai cả con không sợ bị mắc xương cá, lúc đó món cá linh kho mía ăn ngon “thấu xương”!
Để bảo vệ nguồn cá linh đang cạn dần theo con nước lũ, UBND các tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã cấm khai thác cá linh non trong đầu mùa nước nổi, thời gian cấm khai thác cá linh bắt đầu từ ngày 1.6 - 30.8 hằng năm. Đối với loại hình khai thác đáy cá linh, kích thước mắt lưới quy định là 2a >= 18 mm nghĩa là cá linh lúc đó đã lớn hơn ngón tay út.
Một chuyện không ai ngờ tới, đó là chuyện nuôi cá linh. 20 năm trước nếu ai nói nuôi cá linh sẽ bị cho là chuyện rất khôi hài nhưng bây giờ lại có lý vì nuôi cá linh có thu nhập cao so với các loài cá khác. Người nuôi cá linh được biết đến là ông Lê Hoàng Chiêu, ngụ ấp An Hưng, xã An Khánh, H.Châu Thành, Đồng Tháp. Đầu tháng 7 năm nay, ông Chiêu đã thả ươm nuôi 2.000 con cá linh bột, mở ra triển vọng mới cho việc phát triển và cung cấp cá linh cho nhu cầu thị trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.