"Chuồng gà hơn 20 con cũng đã không còn, mất cả rồi"
Suốt nhiều ngày qua, tại Đà Nẵng có mưa lớn kéo dài, mực nước các sông dâng rất nhanh, nước từ thượng nguồn cuồn cuộn tràn vào nhà khiến người dân khiến cuộc sống của bà con vùng miền quê phía tây Đà Nẵng bị đảo lộn, nhiều người đã dầm mình suốt đêm để dọn dẹp đồ đạc "chạy lũ".
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, đến chiều 10.10, các xã phía tây TP.Đà Nẵng như xã Hòa Phong, Hòa Nhơn (H.Hòa Vang) bị ngập nặng, có những nơi nước dâng cao đến ngang ngực, người dân phải di chuyển bằng ghe, thuyền.
|
|
Con sông Túy Loan (đoạn xã Hòa Nhơn, H.Hòa Vang) vốn hiền hòa, mát mẻ và cũng là nơi sinh kế của nhiều người. Thế nhưng đến mùa mưa lũ con sông này lại nỗi cơn thịnh nộ, lũ ầm ầm kéo về bất ngờ, khiến người dân nơm nớp lo sợ.
Chị Trần Thị Thủy (trú thôn Phú Hoà 2, xã Hòa Nhơn, H.Hòa Vang) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại lúc rạng sáng nay (10.10), trong cơn mưa tầm tã, nước lũ từ thượng nguồn đổ về, nước sông băng bờ, dâng nhanh rồi tràn vào nhà.
“Bao đời nay gia đình tôi sống ven song Túy Loan, cứ mỗi khi trời đổ mưa lớn kéo dài vài ngày thì cũng là chừng đó ngày chúng tôi không ai dám chợp mắt cả. Lũ sẽ về bất ngờ, cuốn trôi tất cả, đã có những mất mát to lớn khiến nhiều thế hệ ám ảnh. Như dự báo, đêm qua nước sông bất ngờ dâng cao lúc nửa đêm… cả nhà tôi phải tất tả thu dọn xuyên đêm, đến sáng ra thì tay chân rụng rời, mệt lả vì nước lũ…”, chị Thủy tâm sự.
Chị Thủy thờ dài buồn bã cho biết, hơn 100 con gà sắp xuất bán cùng hàng triệu đồng tiền cá giống mới thả xuống ao, vài tháng sau sẽ thu hoạch kiếm tiền đón Tết Nguyên đán giờ… đã trôi theo dòng nước lũ.
“Căng mình mưu sinh chốn miền quê khó khăn trăm bề, người làm nông chỉ biết cậy nhờ đàn gà, con heo hay ao cá. Nay trời không thương, lũ xiết từ thượng nguồn đổ về bất ngờ khiến chúng tôi không kịp trở tay, tất cả đã bị cuốn trôi sạch. Nghĩ đến con cái, nghĩ đến cái Tết Nguyên đán… nước mắt tôi lại lăn dài ”, chị Thủy nghẹn ngào.
|
Ngôi nhà của bà Lê Thị Hường (trú thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) nằm trong con hẻm sâu hun hút, giờ đây đường sá cũng không còn thấy rõ vì nước đã nhấn chìm. Bà Hường cho hay, nước bắt đầu ập vào nhà bà từ 2 giờ sáng 10.10, bà Hường cùng đứa con gái hoảng hốt, hai mẹ con trấn an nhau vì gia đình không có đàn ông nên họ chỉ kịp thu dọn bàn thờ gia tiên chuyển lên gác lửng, rồi ha mẹ con ôm nhau chờ trời sáng…
“Thương con gái cả đêm không dám nhắm mắt ngủ một giây nào, khi đó nhà tôi đã ngập có chỗ sâu hơn là gần lút đầu, trời tối đen… nước chảy sau nhà nghe tiếng rùng rợn. Gạo, mỳ tôm, nước mắm nhà tôi có đủ cả nhưng mà bếp ga cùng bình ga đã bị trôi theo nước lũ, không kịp giữ lại. Buồn tiếc nhất là chuồng gà hơn 20 con cũng đã không còn, mất cả rồi”, bà Hường rưng rưng.
Chèo ghe vượt mưa lũ đi rước dâu
Mưa lũ khiến đời sống người dân đảo lộn, tài sản bị lũ cuốn trôi. Thế nhưng dù dòng lũ dữ ào ào chảy xiết, tình yêu vẫn đưa các cặp uyên ương đến đến bến đỗ hạnh phúc.
Đối với đôi vợ chồng trẻ Văn Linh (trú thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong, H.Hòa Vang, Đà Nẵng) và Ngọc Hiền (trú P.Thanh Khê Tây, Q.Thanh Khê, Đà Nẵng), đám cưới giữa mùa lũ, vượt “biển nước” để "rước nàng về dinh" là việc không dễ dàng nhưng sẽ là kỷ niệm khó quên.
|
|
Người nhà chú rể Văn Linh cho biết, gia đình chú rể sinh sống gần sông Túy Loan (đoạn xã Hòa Phong, H.Hòa Vang). Sáng nay (10.10) đoàn nhà trai theo kế hoạch mang sính lễ đi rước dâu, tuy nhiên lúc nửa đêm nước lũ tràn về. Con đường vào nhà chú rể bị chia cắt bởi nước lũ, nên hàng xóm đã dùng ghe đưa đoàn vượt lũ đi đón dâu.
Chị Hồ Thị Ngọc Anh, em gái chú rể cho biết, mưa lớn gây ngập lụt, nước dâng cao giữa đêm khiến nhiều người không trở tay kịp. Gia đình đã dùng ghe để vượt lũ đi rước dâu.
“Chèo ghe ra khỏi nơi ngập lụt sau đó dùng xe ô tô để rước chị dâu về, lễ ra mắt họ hàng được tổ chức ở nhà hàng cao ráo nên không bị ngập lụt. Anh chị tôi đã về một nhà, đầy hạnh phúc”, chị Anh nói.
|
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn (H.Hòa Vang,Đà Nẵng) cho biết, mưa lớn kéo dài, toàn xã có hơn 855 nhà hộ dân bị ngập lụt, địa phương đã di dời hơn 183 hộ đến nơi an toàn.
“Chúng tôi thành lập các tổ xung kích, phân công cán bộ đứng điểm tại từng thôn, từng hộ gia đình để hỗ trợ người dân. Nhưng do ngập lớn nên công tác còn gặp nhiều khó khăn. Việc theo dõi, ứng phó kịp thời nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân luôn là điều cấp thiết nhất…”, ông Thu thông tin.
Bình luận (0)