Theo các cơ quan chức năng, nạn buôn người ở vùng sâu chưa dứt, cạm bẫy vẫn luôn chực chờ những nạn nhân nhẹ dạ, thiếu cảnh giác.
Nạn nhân G.T.D kể lại chuyện bị lừa bán sang Trung Quốc trong một buổi họp dân - Ảnh: UBND xã Cư Pui cung cấp
|
Nhiều vụ lừa bán phụ nữ xảy ra trên địa bàn Đắk Lắk, Đắk Nông thời gian qua cho thấy phần lớn nạn nhân bị đưa ra các tỉnh miền núi phía bắc, rồi bán sang Trung Quốc. Từ việc “đặt hàng” ở Trung Quốc đã hình thành trở lại những đường dây để móc nối, tìm kiếm nạn nhân trong nước.
Những đường dây “bắc cầu”
Lê Thị Kim Tuyến (40 tuổi, ngụ H.Sông Lô, Vĩnh Phúc) trước đây thường qua lại Trung Quốc làm ăn buôn bán nên quen biết nhiều người, trong đó có nhiều chủ chứa mại dâm trên đất Trung Quốc. Các chủ chứa thỏa thuận với Tuyến nếu tìm được các cô gái người VN đưa sang giao cho nhà chứa làm gái bán dâm thì Tuyến được trả 15.000 nhân dân tệ (tương đương 52,5 triệu đồng) mỗi cô. Số tiền được trả trước một nửa, nửa còn lại hằng tháng các chủ chứa sẽ trích 20% số tiền bán dâm của cô gái do Tuyến giao để trả tiếp.
Tuyến về VN, quen biết Nguyễn Văn Nam (24 tuổi, trú H.Ngọc Hồi, Kon Tum), thỏa thuận nếu Nam tìm được mỗi cô gái giao cho Tuyến thì Nam được trả từ 5 - 10 triệu đồng, tùy hình thức cô gái xấu hay đẹp. Nam lại quen với Vi Văn Đoàn (38 tuổi, trú cùng H.Ngọc Hồi) và nhờ Đoàn tìm người. Tháng 9.2013, Đoàn qua Đắk Lắk, gặp người hành nghề chạy xe ôm Nguyễn Anh Tuân, lại nhờ Tuân tìm các cô gái trẻ.
Tình cờ, tại Buôn Ma Thuột, Tuân gặp hai chị em H’H. (17 tuổi) và H’R. (lúc này mới 13 tuổi 8 tháng, trú H.Krông Ana, Đắk Lắk) đang đi tìm việc làm. Hai nạn nhân sa vào bẫy, bị Tuân chuyển cho Đoàn để giao cho Nam, rồi Nam giao cho Tuyến đưa sang Trung Quốc. Đến tháng 1.2014, H’H. tìm cách thoát được về VN và tố cáo vụ việc với cơ quan chức năng. Đến tháng 7.2014, Công an tỉnh Đắk Lắk đã triệt phá đường dây mua bán người và giải cứu được H’R.
Theo trung tá Lương Thế Văn, Đội trưởng Đội Phòng ngừa tội phạm xã hội và buôn bán người - Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) thuộc Công an tỉnh Đắk Lắk, khá nhiều đường dây hình thành theo lối “bắc cầu”, móc nối như vậy, hoặc dựa vào mối quan hệ bà con, họ hàng hoặc quen biết để tiếp cận các “sơn nữ”, đưa họ ra khỏi buôn làng đến nơi xa lạ...
Đến Hà Nội vẫn không biết là thủ đô...
Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui (H.Krông Bông, Đắk Lắk), cho biết trên địa bàn xã có 6 thôn đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía bắc vào định cư từ sau năm 1975. “Đồng bào còn giữ nhiều tập tục từ quê gốc, trong đó nam nữ đến tuổi trưởng thành tự do tìm hiểu, đi lại với nhau, cha mẹ ít khi cấm đoán. Các thiếu nữ sinh ra, lớn lên ở vùng sâu heo hút lại háo hức muốn ra bên ngoài. Nắm bắt tâm lý này, những gã buôn người chỉ cần buông lời đường mật là có thể dụ dỗ các cô gái cả tin thực hiện những chuyến đi xa”, ông Tâm nói.
Sau khi nhiều phụ nữ trên địa bàn bị lừa bán, trong đó nhiều người còn mất tích chưa về, xã Cư Pui đã tổ chức phát động quần chúng, họp dân khuyến cáo về nạn mua bán người. Tuy nhiên, theo ông Tâm, tâm lý bà con vùng sâu thật thà, chất phác, dễ mất cảnh giác trước những thủ đoạn giăng bẫy, lấy lòng khéo léo của những đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép.
Trung tá Lương Thế Văn nhận định tội phạm buôn người ở Đắk Lắk những năm gần đây có chiều hướng tăng so với thời gian trước, nạn nhân phần lớn ở vùng sâu, tuổi từ dưới 20 - 35, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, việc làm không ổn định. “Qua điều tra cho thấy nhiều nạn nhân trình độ học vấn thấp, hiểu biết xã hội rất hạn chế, thậm chí bị bọn buôn người đưa ra Hà Nội mà vẫn không biết là thủ đô. Nạn nhân dễ dàng bị đánh gục bởi những lời hứa như lấy chồng giàu, việc nhàn lương cao; thậm chí không chút nghi ngờ khi nghe thuyết phục tuyển dụng lao động quét dọn nhà nghỉ với mức lương khó tin là 25 triệu đồng mỗi tháng”, trung tá Văn cho biết.
Trong một hội nghị về đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người gần đây, PC45 - Công an tỉnh Đắk Lắk đã đề xuất các giải pháp: chính quyền, đoàn thể ở cơ sở cần chú trọng tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, nâng cao nhận thức pháp luật, tinh thần cảnh giác cho người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em; tổ chức hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho người bị hại trở về, giúp họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng...
Vẫn còn hàng chục sơn nữ mất tích
Từ năm 2011 đến nay, Công an tỉnh Đắk Lắk đã điều tra xử lý 11 vụ mua bán người trên địa bàn, trong đó khởi tố 6 vụ, 15 bị can; xác định 24 nạn nhân bị đưa sang Trung Quốc, 1 nạn nhân sang Malaysia. Ngoài ra, cơ quan công an đang xác minh 10 tin báo liên quan đến mua bán người; hiện còn 26 phụ nữ nghi bị lừa bán do đã đi biệt xứ mà không có thông tin địa chỉ.
Tại tỉnh Đắk Nông, ghi nhận của cơ quan chức năng từ năm 2013 đến nay có 76 phụ nữ vắng mặt khỏi địa phương; một nửa trong số này được nhận định là nạn nhân mua bán người, bị lừa đưa sang Trung Quốc; công an đã triệt phá 10 đường dây, bắt xử lý 19 kẻ phạm tội, giải cứu được 11 nạn nhân.
|
Bình luận (0)