Chưa thể tiêm đại trà mũi 4
“Bộ Y tế đang giao cho các cơ quan chuyên môn, hội đồng khoa học, các chuyên gia đánh giá, nghiên cứu một cách thận trọng, khoa học, hiệu quả để phù hợp với từng giai đoạn; sẽ phân tích các yếu tố nguy cơ về những lợi ích và rủi ro để từ đó triển khai tiêm cho những đối tượng này”, một chuyên gia về vắc xin và tiêm chủng của Bộ Y tế cho biết vào hôm qua (20.3).
Theo TS Phạm Quang Thái, các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy mũi tiêm thứ 4 đối với người bình thường cho hiệu quả cao hơn không nhiều so với 3 mũi tiêm. Do đó, mũi 4 sẽ ý nghĩa khi ta có thêm sự lựa chọn về công nghệ vắc xin, hoặc vắc xin có bổ sung thêm các thông tin về các biến chủng mới. Còn với vắc xin hiện tại sẽ ít giá trị cho nhóm người khỏe mạnh bình thường.
Liên quan đến việc tiêm mũi thứ 4 vắc xin Covid-19, chuyên gia cũng chia sẻ, VN đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Hiện một số ý kiến cho rằng mũi tiêm thứ 4 này ưu tiên cho nhóm người có nguy cơ cao, suy giảm miễn dịch, có bệnh nền, người cao tuổi. Những nhóm còn lại đã được bảo vệ ở mũi tiêm thứ 3, nên mũi thứ 4 chưa nên tiêm đại trà.
Với nhóm trẻ 5 đến dưới 12 tuổi và nguy cơ do Covid-19, Bộ Y tế đánh giá việc tiêm vắc xin sớm không chỉ giúp bảo vệ trẻ mà còn có thể giúp bảo vệ các thành viên trong gia đình, bao gồm cả người không đủ điều kiện tiêm chủng, hoặc có thể chuyển nặng nếu bị nhiễm bệnh.
Vắc xin không gây ảnh hưởng sức khỏe sinh sản
Trước băn khoăn của một số cha mẹ về ảnh hưởng lâu dài của vắc xin Covid-19 với sức khỏe sinh sản của trẻ khi trưởng thành, TS-BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng tiêm chủng mở rộng phía bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư), chia sẻ: “Vi rút có thể tích hợp vào hệ gien của người trong quá trình vi rút nhiễm và nhân lên trong cơ thể. Điều này nguy hiểm hơn rất nhiều so với việc tiêm vắc xin vào người, bởi vi rút thật khi tấn công vào cơ thể sẽ để lại những tàn tích còn sót lại tại các cơ quan, các tế bào nhiễm vi rút với mức độ không có kiểm soát. Từ đó khiến hệ thống miễn dịch của con người tạo ra những cuộc tấn công không cần thiết đến những cơ quan đó, dẫn đến việc tổn thương lâu dài về sau. Với vắc xin thì khác, kể cả các vắc xin sản xuất theo công nghệ mRNA hay vector, quá trình này xảy ra trong một thời gian ngắn với lượng vật liệu cố định (theo liều). Do đó cơ thể không bị quá tải và sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các mRNA đó sẽ tự tiêu hủy và hoàn toàn không tích hợp với hệ gien của người, nên không để lại những di chứng lâu dài”.
Cũng theo ông Thái, có một số quan điểm như hạt gai vi rút tạo ra từ vắc xin có thể vẫn còn tồn tại trong cơ thể thêm một thời gian, nhưng thời gian đó ngắn hơn vô cùng nhiều so với việc nhiễm vi rút tự nhiên. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra những biến cố bất lợi liên quan vắc xin thấp hơn nhiều so với các bệnh lý do nhiễm tự nhiên.
Bình luận (0)