Lừa đảo 'ăn' lãi ảo 300%/năm bằng robot forex

31/05/2019 07:26 GMT+7

Nạp tiền vào tài khoản, ủy thác cho robot giao dịch forex (ngoại hối) ăn lãi nhân đôi, nhân ba tài khoản với lãi suất 200 - 300%/tháng...

Đó là chiêu trò lừa đảo ủy thác đầu tư tài chính thời công nghệ 4.0 đang nở rộ, có thể khiến nhà đầu tư “cháy” tài khoản.

Ngồi mát ăn bát vàng ?

Hàng loạt vụ lừa đảo đầu tư tài chính lãi suất cao

Trong hơn 10 năm qua, lực lượng chức năng triệt phá hàng loạt vụ lừa đảo forex thông qua ủy thác đầu tư và trả lãi suất. Một số vụ việc điển hình như: Công ty Golden Rock sập năm 2006 lừa 1.000 nạn nhân, số tiền 160 tỉ đồng. Công ty VGX sập năm 2014 với 700 khách hàng. Công ty HGI sập năm 2015 lừa đảo 270 tỉ đồng, trả lãi 1,5 - 3% mỗi tháng. Công ty Khải Thái sập năm 2014 lừa 280 tỉ đồng của 717 nạn nhân. Khải Thái huy động ủy thác đầu tư forex tại Hà Nội là chủ yếu. Công ty BBG sập năm 2015 lừa hơn 400 tỉ của 1.000 nạn nhân với mức lãi lên đến hơn 60%/năm.
“Xin chào mọi người, tôi đang tham gia dự án đầu tư có thể thu về gấp 4 lần số vốn ban đầu chỉ trong 1 - 12 tháng. Đây là mô hình góp vốn ủy thác tựa quỹ đầu tư 4.0 vừa phát triển của Magnus Capital Center (MCC), công ty chuyên về giao dịch forex đến từ Hy Lạp”. Lời mời “ngọt như mật này” được T. - môi giới (broker) của một công ty chứng khoán chèo kéo các nhà đầu tư trong “room” Zalo tư vấn chứng khoán của mình.
Khác với kinh doanh forex, máy đào tiền ảo… theo broker trên, cái cốt lõi hay nhất của MCC là đã tạo ra được một trí tuệ nhân tạo, một hệ thống phần mềm, một robot giao dịch đảm bảo chắc thắng 1 - 3%/ngày và trung bình 30%/tháng. Một cách dễ hiểu, người chơi vào sàn MCC, mở 1 tài khoản, nộp tiền ủy thác và để robot tự giao dịch, lợi nhuận sau đó được trả vào thứ bảy hằng tuần. Tùy theo gói vốn, thời hạn ủy thác 3, 6, 9 hay 12 tháng. Thời hạn càng dài, lãi càng cao.
“Nếu tôi có 2 tài khoản ủy thác với 25.000 USD, tôi sẽ thu về 40% gốc, tài khoản riêng robot thu về 60% gốc. Như vậy, chỉ cần 2 tháng thu về hoàn toàn 25.000 USD. Sau đó rút tiền về và chỉ ngồi hưởng lãi các tháng sau đó”, môi giới này phân tích.
Nhưng lãi không chỉ dừng lại ở đó, theo T., lợi nhuận “khủng” thực sự chỉ đến đối với ai có năng lực và đam mê, bởi mỗi một tài khoản mở ra sẽ có một đường link giới thiệu cho tài khoản mới và tài khoản giới thiệu được nhận 10% hoa hồng trên lợi nhuận ròng mà gói tài khoản mới được kích hoạt.
“Tài khoản của tôi giới thiệu cho anh A mở thì anh A là F1 trực tiếp của tôi. Anh A kích hoạt gói 25.000 USD thì tôi sẽ nhận được 2.500 USD lập tức. Nếu 1 tháng tôi kiếm được 20 F1 như vậy sẽ “ăn” ngay được 50.000 USD, lãi suất có thể lên tới 200%/tháng…”, môi giới T. hào hứng mời gọi.
Trước MCC, GCG ASIA - một công ty kinh doanh về lĩnh vực ngoại hối được cho là đăng ký tại Thụy Sĩ - cũng làm mưa làm gió tại các nước châu Á từ vài tháng trở lại đây.
GCG ASIA tự giới thiệu được bảo chứng bởi các cơ quan giám sát tài chính nổi tiếng nhất như DUKASCOPY - một ngân hàng lớn của Thụy Sĩ thành lập từ năm 2004. Các chuyên gia forex GCG ASIA có thể giao dịch đạt được tỷ lệ lãi từ 13 - 25%/tháng. Lợi nhuận đó sẽ được chia lại cho các nhà đầu tư theo tỷ lệ: gói 1.500 - 6.000 USD chia lợi nhuận 50/50; từ 7.500 USD đến 13.500 USD chia 60/40 và trên 15.000 USD chia 70/30. Hiện GCG ASIA đã vươn vòi bạch tuộc ra khắp các tỉnh, thành của VN với các nhóm hội trên Facebook như GCG Bắc Giang, GCG Hà Nội, GCG Đà Nẵng…

Không khác gì tài chính đa cấp

Đây chỉ là chiêu lừa đảo chứ không phải phần mềm siêu việt tạo ra. Tuy nhiên, điều đáng buồn là những website này sinh sôi nảy nở như nấm sau mưa
Một chuyên gia tài chính
Sau những lời chào mời hấp dẫn trên, chúng tôi lần tìm tiểu sử của các sàn giao dịch như MCC và GCG ASIA. Với MCC, đây là một công ty quốc tế hoạt động trong thị trường forex, chuyên cung cấp dịch vụ trao đổi vốn chủ sở hữu, cổ phiếu, tiền điện tử, các cặp tiền tệ như EUR/USD hay GBP/USD… MCC không hề cung cấp bằng chứng nào về việc sử dụng robot giao dịch, công ty cũng không được đăng ký hợp pháp để cung cấp chứng khoán trong bất kỳ khu vực pháp lý nào mà nó hoạt động.
Trong khi đó, với GCG ASIA, thông tin chủ sở hữu của công ty này bị Ủy ban Cảnh sát quốc gia Campuchia bắt giam với cáo buộc mạo danh Thủ tướng Hun Sen để lừa đảo, hoạt động kinh doanh không trung thực và bất hợp pháp gây chấn động dư luận.
Trả lời Thanh Niên, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho biết với kế hoạch sử dụng các khoản tiền mới đầu tư vào để trả 240% lợi nhuận cho các chi nhánh hiện có của MCC thì không khác gì hình thức lừa đảo tài chính đa cấp. Cũng như với tất cả các chương trình ponzi (vay của người trước trả cho người sau), một khi việc tuyển dụng các chi nhánh, cá nhân mới bắt đầu ngưng lại thì đầu tư mới cũng bắt đầu giảm. Điều này sẽ bỏ đói các sàn như MCC về doanh thu, cuối cùng gây ra sự sụp đổ khiến nhà đầu tư bị cháy tài khoản.
Một chuyên gia tài chính nói thẳng: Đây chỉ là chiêu lừa đảo chứ không phải phần mềm siêu việt tạo ra. Tuy nhiên, điều đáng buồn là những website này sinh sôi nảy nở như nấm sau mưa. Điểm chung của chúng đều không có giấy phép kinh doanh, không có thông tin cụ thể về sàn giao dịch, luôn đặt những cái tên nghe rất hoa mỹ như sử dụng các công nghệ tiên tiến nhất hiện nay như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), không làm thao túng giá thị trường.
Trả lời Thanh Niên, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết theo pháp luật về kinh doanh ngoại hối và quy định hiện hành, tổ chức và cá nhân chỉ được thực hiện các giao dịch hối đoái (giao dịch giao ngay, giao dịch kỳ hạn, giao dịch hoán đổi, giao quyền chọn) theo quy định cụ thể của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng được phép. Hiện nay, Thủ tướng chưa có quy định cụ thể về hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch ngoại hối. Do vậy, các tổ chức và cá nhân hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch ngoại hối là trái pháp luật.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.