Lừa đảo bủa vây cảnh giác vẫn sập bẫy

18/10/2024 06:17 GMT+7

Sau chiêu trò mạo danh cơ quan quản lý, giả mạo shipper giao hàng, gần đây hình thức mạo danh ngày càng nở rộ khiến không ít nạn nhân sập bẫy.

Tái diễn mạo danh CSGT, nhân viên thuế

Anh B.Đ.N, sinh năm 1979, làm nghề lái taxi, ngụ tại TP.Tuy Hòa (Phú Yên), vừa gặp một trường hợp suýt bị lừa đảo hết sức tinh vi. Đầu tiên, đối tượng lạ mặt gọi điện thoại đến hỏi họ tên và địa chỉ, thậm chí nói đúng cả biển số xe taxi anh đang sử dụng. Sau đó người này tự giới thiệu là nhân viên thuế, mời anh đến trụ sở để làm thủ tục hoàn thuế dành riêng cho đối tượng tài xế taxi do tình hình vắng khách ảnh hưởng đến thu nhập của tài xế. Thấy người này nói đúng thông tin cá nhân và lý do mời làm việc khá hợp lý, anh N. tin thật và nhận lời ngay. 

Khi thấy con mồi đã cắn câu, "nhân viên" giấu mặt liên hệ tiếp tục và nói rằng để tiết kiệm thời gian, anh N. có thể kết bạn Zalo và nhấn vào đường link để làm thủ tục qua mạng cho nhanh. Đến lúc này anh N. bắt đầu sinh nghi, xem thông tin trên báo đài đã có nhiều trường hợp tương tự nên không thực hiện theo. Tuy nhiên, anh N. vẫn hết sức thắc mắc tại sao thông tin cá nhân của mình lại bị lộ để kẻ xấu lên kế hoạch lừa đảo như vậy.

Lừa đảo bủa vây cảnh giác vẫn sập bẫy- Ảnh 1.

Người dùng điện thoại nên cảnh giác với những cuộc điện thoại lạ

ẢNH: VĨNH HOÀNG

Tương tự, anh N.T.Đ., một tài xế lái xe công nghệ, ngụ tại tỉnh Sơn La, cũng gặp trường hợp suýt bị lừa đảo, nhưng đối tượng mạo danh lần này đóng vai cảnh sát giao thông (CSGT). Anh Đ. kể, anh nhiều lần bị các số điện thoại lạ gọi đến, tự xưng là CSGT Công an tỉnh Sơn La và yêu cầu anh phải kê khai nhiều thông tin và sẽ hỗ trợ làm giúp biển số định danh. May mắn là anh Đ. không làm theo và sau đó đã trình báo với cơ quan chức năng.

Chiêu trò giả mạo CSGT để hỗ trợ làm biển số định danh không chỉ xuất hiện cục bộ mà đã xuất hiện ở nhiều nơi. Đội Đăng ký quản lý phương tiện giao thông, Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết thời gian gần đây đơn vị này nhận được nhiều phản ánh của người dân về việc nhận được điện thoại xưng là cán bộ CSGT, yêu cầu cung cấp thông tin để làm biển số định danh. Qua xác minh, đây đều là các cuộc gọi mạo danh nhằm chiếm đoạt thông tin cá nhân của công dân hòng tiến hành lừa đảo. Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ninh khẳng định đơn vị không phân công cán bộ gọi điện cho công dân để làm thủ tục định danh biển số xe, các thủ tục đăng ký xe không thực hiện qua gọi điện thoại.

Hiện nay, ngoài việc có thể thực hiện thủ tục đăng ký xe trực tiếp tại cơ quan đăng ký xe của phòng CSGT, công an cấp huyện và công an cấp xã được phân cấp đăng ký xe. Đối với xe đăng ký lần đầu, người dân có thể đăng ký trực tuyến toàn trình với xe sản xuất, lắp ráp trong nước trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc ứng dụng định danh VNeID.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), chuyên gia dự án Chongluadao.vn, cho biết: "Điểm chung của các cuộc gọi mạo danh CSGT yêu cầu người dân cung cấp thông tin để làm biển số định danh là đối tượng mạo danh gọi điện cho công dân, giới thiệu là cán bộ đăng ký xe của phòng CSGT công an tỉnh, yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân và mang giấy tờ đến phòng CSGT để làm thủ tục định danh biển số xe. 

Sau đó, đối tượng sẽ gợi ý có thể làm trực tuyến, rồi gửi những đường link chứa mã độc để đánh cắp thông tin của công dân và chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, đối tượng lừa đảo cũng thường tự xưng là cơ quan công an hoặc viện kiểm sát, cơ quan thuế, sau đó sử dụng các cách thức đe dọa, tạo áp lực tâm lý như khống chế, hăm dọa, tạo áp lực thời gian khiến nạn nhân lúng túng và ngay lập tức làm theo yêu cầu. Do đó, người dân nên bình tĩnh, tỉnh táo khi nhận các cuộc gọi hoặc tin nhắn từ những đối tượng không rõ danh tính".

Mất hàng trăm triệu đồng vì tin nhân viên điện lực "dỏm"

Mới đây, bà N.T.An, ngụ H.Long Thành (Đồng Nai), nhận cuộc gọi từ số điện thoại 0849421xxx giới thiệu là nhân viên điện lực và nói trên hệ thống xác nhận bà chưa đóng tiền điện. Khi bà An nói đã đóng tiền rồi thì người này yêu cầu bà kết bạn qua Zalo với tài khoản tên "Q.L", yêu cầu bà cài app "EVNNPC.brv.gov.com" để đóng tiền điện dễ hơn và không bị lỗi. Do tin lời đối tượng nên bà An đã truy cập vào đường link do đối tượng cung cấp để tải ứng dụng (app giả mạo) cài đặt trên điện thoại. 

Sau đó, bà An nhập thông tin cá nhân của mình vào app giả mạo thì điện thoại bị tối màn hình, có biểu tượng xoay tròn và không sử dụng được. Lúc này "Q.L" yêu cầu bà An chụp hình khuôn mặt gửi qua và giữ máy để hệ thống cài đặt app cho xong. Khoảng 30 phút sau, tài khoản Zalo "Q.L" dừng cuộc nói chuyện và điện thoại của bà An hoạt động lại bình thường, nhưng khi mở máy lên thì bà An phát hiện app "EVNNPC.brv.gov.com" không còn và số tiền hơn 600 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng đã biến mất.

Lừa đảo bủa vây cảnh giác vẫn sập bẫy- Ảnh 2.

Cách phòng trách lừa đảo

CỤC AN TOÀN THÔNG TIN

Ngày 16.10, Công an tỉnh Đồng Nai đã cảnh báo thủ đoạn mạo danh nhân viên điện lực để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Trước đó, nhiều địa phương ở các tỉnh phía bắc cũng liên tiếp xuất hiện tình trạng giả mạo nhân viên điện lực, sử dụng số điện thoại di động cá nhân gọi điện và yêu cầu khách hàng sử dụng điện thanh toán tiền điện bằng cách chuyển khoản số tiền phải thanh toán vào tài khoản cá nhân của các đối tượng này. Khi khách hàng từ chối, những đối tượng này có thái độ khiếm nhã, sử dụng lời nói bất lịch sự với khách hàng, đe dọa cắt điện của khách hàng.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), hiện nay tình trạng các đối tượng mạo danh nhân viên điện lực gọi điện, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân để trục lợi hoặc có dấu hiệu lừa đảo xảy ra khá phổ biến, nhất là những trường hợp ở vùng sâu, vùng xa.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, nhận định: "Các đối tượng lừa đảo nghiên cứu rất chi tiết, cụ thể đến từng câu nói, tùy các phản ứng của nạn nhân mà đối tượng lừa đảo sẽ đưa ra những kịch bản tiếp theo. Việc này dẫn tới các nạn nhân rất dễ bị thao túng tâm lý, bằng cách nào đó các đối tượng lừa đảo vẫn có thể thuyết phục được nạn nhân làm theo những chỉ dẫn của chúng. Cách tốt nhất để phòng tránh bị lừa là tuyệt đối không tin, không làm theo yêu cầu của các đối tượng lạ mặt". 

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác, nếu nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn thông báo về việc nợ tiền điện, hãy kiểm tra lại thông tin trực tiếp từ công ty điện lực qua các kênh chính thức như website hoặc số tổng đài. Tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, số thẻ tín dụng, hoặc bất kỳ thông tin cá nhân nào qua điện thoại, tin nhắn hoặc email nếu không chắc chắn về nguồn gốc của thông báo. Không truy cập vào các đường link thanh toán từ tin nhắn hoặc email mà người dân không rõ nguồn gốc, không tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc để tránh bị đánh cắp thông tin cá nhân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.