CẢNH GIÁC VỚI LỆNH CHUYỂN TIỀN TRONG TƯƠNG LAI
Mới đây, Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ 2 nghi phạm: Phạm Văn Đông (26 tuổi, ngụ P.Hoàng Diệu, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) và Trần Minh Hiếu (26 tuổi, ngụ xã Đông Hòa, TP.Thái Bình) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, Đông và Hiếu đi xe máy đến các cửa hàng ở huyện Triệu Sơn và Đông Sơn (Thanh Hóa). Khi mua hàng, Đông và Hiếu nhờ chủ cửa hàng cho đổi tiền chuyển qua tài khoản để lấy tiền mặt. Các nghi phạm đã sử dụng tài khoản của ngân hàng rồi lập lệnh chuyển tiền trong tương lai (không phải chuyển tiền ngay lập tức), khi lập lệnh xong thì nhấn chuyển tiền. Ứng dụng ngân hàng báo là đã chuyển tiền thành công, nhưng hôm sau do tài khoản không có tiền nên ngân hàng sẽ không thực hiện được lệnh giao dịch chuyển tiền, do đó người nhận sẽ không nhận được tiền. Với thủ đoạn này, Đông và Hiếu đã thực hiện nhiều vụ lừa đảo tại 2 huyện nêu trên.
CUỘC ĐIỆN THOẠI CÓ GIÁ… HƠN 200 TRIỆU ĐỒNG
Một dạng lừa đảo khác có thủ đoạn hoàn toàn mới, khi kẻ gian chỉ cần sử dụng điện thoại cũng dễ dàng khiến người dân "mắc bẫy". Chiều 12.3, một người đàn ông gọi điện thoại cho chị L.T.Y, chủ cửa hàng vàng bạc Thiên Bảo (tại TT.Yên Cát, H.Như Xuân, Thanh Hóa) xưng tên là Duy và hỏi mua 3 cây vàng với giá 209 triệu đồng. Người đàn ông sau đó kết bạn Zalo với chị Y. và yêu cầu chị Y. giao vàng cho chị N.T.H, chủ cửa hàng vàng bạc Hoa Phi (địa chỉ ở cùng TT.Yên Cát).
Cùng thời điểm, chị N.T.H nhận được điện thoại của người đàn ông xưng tên Duy, nói cần bán cho chị H. 3 cây vàng với giá 203 triệu đồng. Người đàn ông tên Duy nói với chị H. số vàng đang được gửi ở nhà chị Y., và bảo chị H. qua nhà chị Y. lấy.
Tin đó là sự thật nên chị H. sang nhà chị Y. lấy vàng, và cũng được chị Y. tin tưởng giao vàng. Sau đó, chị H. chuyển 203 triệu đồng cho người đàn ông tên Duy qua tài khoản ngân hàng mà đối tượng này cung cấp.
Về phía chị Y., giao hàng xong nhưng đợi mãi không thấy người đàn ông tên Duy chuyển tiền, nên đã gọi chị H. đến để hỏi cho rõ thì chị H. nói đã chuyển đủ số tiền mua vàng cho người đàn ông tên Duy. Lúc này, cả chị H. và chị Y. mới biết bị lừa và làm đơn trình báo cơ quan công an.
Cũng với thủ đoạn tương tự, cuối tháng 3 vừa qua, giám đốc một công ty trên địa bàn H.Quảng Xương (Thanh Hóa) đã bị kẻ gian gọi điện lừa bán thép và bị chiếm đoạt 494 triệu đồng.
BỊ LỪA VÌ TƯỞNG ĐỒNG NGHIỆP VAY TIỀN
Mới đây, một vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền mà những nạn nhân là các cán bộ ở tỉnh Ninh Bình. Vụ việc xảy ra chiều 9.4, khi tài khoản Zalo của 2 cán bộ, công chức làm việc ở 2 cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nhắn tin vay tiền của hầu hết người có tên trong danh bạ điện thoại.
Theo thống kê sơ bộ của Công an tỉnh Ninh Bình, tài khoản Zalo của một cán bộ đã nhắn tin vay tiền của nhiều cán bộ làm cùng cơ quan. Một người cùng cơ quan đã chuyển 90 triệu đồng; một người chuyển 30 triệu đồng; nhiều người khác chuyển từ 5 - 6 triệu đồng vào tài khoản Zalo mà mọi người tin đó là của đồng nghiệp cùng cơ quan. Tổng số tiền các cán bộ chuyển là gần 200 triệu đồng. Đối với tài khoản Zalo của một cán bộ khác cũng đã có nhiều người là cán bộ cùng cơ quan chuyển tổng số tiền gần 180 triệu đồng.
Sau đó, những người cho vay tiền hỏi thăm nhau về việc tại sao đồng nghiệp hỏi vay tiền nhiều thế thì mới tá hỏa phát hiện tài khoản Zalo của đồng nghiệp bị hack. Điều khiến nhiều người tin tưởng và bị lừa là tài khoản ngân hàng của kẻ lừa đảo cung cấp để nhận tiền có họ tên chủ tài khoản giống với họ tên của những cán bộ có Zalo bị hack. Do đó, nhiều người đã tin tưởng là thật và bị lừa. Vụ án đang được Công an tỉnh Ninh Bình điều tra.
Thiếu tá Nguyễn Văn Nam, Phó trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Ninh Bình), cho biết thời gian qua, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên không gian mạng địa bàn Ninh Bình diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi và mức độ thiệt hại lớn, gây bức xúc cho người dân.
"Các đối tượng thường lợi dụng là nhân viên công ty chứng khoán, nhân viên ngân hàng, nhà mạng viễn thông… để yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân. Sau đó, sử dụng thông tin cá nhân của người cung cấp để xâm nhập vào hệ thống điện thoại, yêu cầu nạn nhân thực hiện các thao tác chuyển tiền khỏi tài khoản. Bên cạnh đó, còn có một số thủ đoạn phạm tội công nghệ cao là đối tượng sử dụng mã độc xâm nhập vào hệ thống thông tin điện thoại, đánh cắp thông tin cá nhân của người dân, dẫn đến thông tin cá nhân bị lộ, lọt, đánh cắp, nhất là thông tin về tài khoản ngân hàng. Đồng thời, tội phạm hack, xâm nhập, chiếm quyền sử dụng và nhắn tin với các nội dung lừa đảo đến người quen, bạn bè, người thân…", thiếu tá Nam cho hay.
Cảnh báo 24 hình thức lừa đảo
Nhằm ngăn chặn các vụ lừa đảo qua không gian mạng, giúp người dân biết để cảnh giác, mới đây, Công an tỉnh Ninh Bình đã đưa ra cảnh báo về 24 hình thức lừa đảo, gồm:
1/ Giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án
2/ Cuộc gọi video deepfake, deepvoice
3/ Combo du lịch giá rẻ
4/ Mạo danh cơ quan bảo hiểm
5/ Giả danh nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu
6/ Giả danh công ty tài chính
7/ Giả danh cán bộ xử phạt giao thông
8/ Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công
9/ Giả mạo lãnh đạo tỉnh, sở, ban ngành
10/ Lừa đảo tuyển cộng tác viên online
11/ Mua bán hàng trực tuyến
12/ Lừa đảo tìm người làm việc tại nhà
13/ Đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp
14/ Lừa đảo cấp SIM 4G
15/ Đánh cắp thông tin CCCD đi vay nợ tín dụng
16/ Giả nhân viên ngân hàng nâng cấp app
17/ Giả chuyển tiền để ép vay tiền
18/ Đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo
19/ Ép cài đặt phần mềm định danh của Bộ Công an
20/ Thủ đoạn chuyển tiền làm từ thiện
21/ Làm nhiệm vụ qua ứng dụng lạ
22/ Dịch vụ lấy lại tài khoản mạng xã hội, tiền đã mất
23/ Đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng
24/ Tuyển người mẫu nhí.
Bình luận (0)