Những kẻ lừa đảo đã thuyết phục ông Barry Heitin chuyển tiền, bao gồm cả khoản tiết kiệm hưu trí, vào các tài khoản được cho là an toàn. Trường hợp của ông Heitin là một phần của xu hướng rộng lớn hơn: Trong năm 2023, các thiệt hại do mạng lưới tội phạm trên mạng đã vượt quá 12,5 tỉ USD ở Mỹ. Chúng thường nhắm vào những người lớn tuổi.
Ông Heitin đã phải chịu nhiều áp lực về cảm xúc lẫn tài chính. Vụ lừa đảo này cho thấy sự cần thiết của việc nâng cao cảnh giác và tăng cường các biện pháp bảo vệ. Cả các tổ chức tài chính lẫn cá nhân đều cần phải áp dụng các biện pháp bảo mật mạnh mẽ hơn để ngăn chặn các trường hợp tương tự. Đương nhiên! Chắc các tổ chức tài chính Mỹ phải học các ngân hàng Việt Nam hiện nay (sau một thời gian nhận thấy nhiều người bị lừa qua ngân hàng): Xác thực chính chủ tài khoản…
Cứ tưởng đang giúp điều tra
Barry Heitin, một luật sư đã về hưu 76 tuổi sống ở Arlington, Virginia, nghĩ rằng mình đang hỗ trợ cho một cuộc điều tra cấp liên bang. Cuối cùng ông phát hiện ra mình bị mắc kẹt trong một vụ lừa đảo phức tạp, khiến ông mất gần hết tiền tiết kiệm hưu trí, tổng cộng lên đến 740.000 USD (khoảng 19 tỉ đồng).
Trong suốt gần 3 tháng, ông Heitin tin rằng mình đang hỗ trợ các cơ quan liên bang trong một cuộc điều tra quan trọng. Nhưng thực tế lại quá đen tối: Ông bị lừa một cách có hệ thống. Đây có thể xem là lời nhắc nhở về sự yếu đuối của nhiều người lớn tuổi, không chỉ ở Mỹ, mà cả ở nhiều nước khác nữa.
Theo The New York Times, chuyện bắt đầu vào tháng 9 năm ngoái, khi ông Heitin không thể truy cập vào tài khoản tiết kiệm hưu trí được nữa. Một vài ngày sau, trên màn hình máy tính ở nhà ông hiện lên yêu cầu ông liên hệ với bộ phận phòng chống gian lận của một tổ chức tài chính, có hiển thị logo của tổ chức này. Ông gọi điện và người trả lời tự giới thiệu là Charles Hunt, cho biết mình là nhân viên điều tra về gian lận. Người này khẳng định tài khoản của ông Heitin đang bị tấn công và thuyết phục ông rằng chính phủ có thể bảo vệ tiền của ông, và sẽ chuyển nó đến một nơi an toàn.
Trên thực tế, ông Heitin không chỉ đối mặt với một kẻ giả mạo; vụ lừa đảo này là có tổ chức, liên quan đến nhiều người. Hayden Smith, được cho là từ ngân hàng ông Heitin hay giao dịch, cũng cho biết đã phát hiện thêm giao dịch 10.000 USD từ tài khoản của ông Heitin, và đó là một hoạt động bất hợp pháp.
Finn Whitrock, tự xưng là từ "Cục Thuế nội địa Mỹ", thuyết phục ông Heitin, nói rằng việc rất khẩn cấp, gợi ý cho ông phải chuyển tiền để giúp bắt một băng nhóm tội phạm. Những kẻ lừa đảo thậm chí còn bịa đặt câu chuyện về việc Interpol đã bắt giữ một nhóm người rồi để làm cho câu chuyện thêm hợp lý.
Tổn thất quá thể
Trong suốt nhiều tuần, ông Heitin được "hướng dẫn" chuyển tiền (của ông), thường là thông qua Bitcoin hoặc chuyển khoản qua ngân hàng nước ngoài. Những kẻ lừa đảo đã "huấn luyện" ông cách thức tránh bị phát hiện.
Chúng dùng các chiến thuật thao túng tâm lý tinh vi - sự cô lập, tạo cảm giác cấp bách hoặc lợi dụng sự tin tưởng - để tiếp tục thực hiện vụ lừa đảo.
Ngay cả khi cố vấn tài chính lâu năm của ông Heitin đặt câu hỏi về những giao dịch này, những kẻ lừa đảo cũng đều chuẩn bị sẵn các câu trả lời để đánh tan sự nghi ngờ trong tâm trí của Heitin.
Cuối cùng, vụ lừa đảo lên tới 740.000 USD. Ông Heitin đã rút hết tiền trong tài khoản của mình, bao gồm tiền tiết kiệm hưu trí của ông, giao cho nhóm lừa đảo. Số tiền này nhanh chóng được chuyển vào các tài khoản tiền điện tử và tài khoản ngân hàng nước ngoài, khiến việc lấy lại hầu như là không thể.
Vụ lừa đảo bắt đầu được phơi bày do người cố vấn tài chính của ông Heitin nghi ngờ, và cả ngân hàng Mỹ ông hay giao dịch. Nhờ đó ông Heitin mới biết được mình là một trong số ít nhất 7 nạn nhân; tất cả đều bị lừa bởi một mạng lưới lừa đảo phức tạp ở nước ngoài.
Trước đó, những kẻ lừa đảo đã "bày" cho ông là phải nói ông đang mua một tài sản ở Canada và cần bỏ tiền vào một tài khoản ở nước đó. "Đó là một bất ngờ cho các con tôi", ông được hướng dẫn nói như vậy.
Rồi ngân hàng ông thường giao dịch ở Mỹ đã gọi điện sang Canada và được biết bất động sản đó không được bán. Nhưng, theo gợi ý của "ông Smith", ông Heitin nói rằng ông cũng cần tiền để mua vàng. Và ngân hàng Mỹ yêu cầu ông Heitin đến gặp. Và vụ lừa đảo bị lộ.
Đối với ông Heitin, hậu quả vẫn còn đó. Ngoài gánh nặng tâm lý, ông còn phải đối mặt với một khoản thuế đáng kể trên số tiền đã rút. Ông nợ gần 285.000 USD tiền thuế (do rút tiền), cho dù là nạn nhân của vụ lừa đảo. Luật sư của ông đang cố gắng phục hồi một phần số tiền đã mất và tìm kiếm một phán quyết về thuế có thể có lợi cho ông.
Mối đe dọa ngày càng tăng
Chuyện của Heitin là một phần của một xu hướng rộng lớn hơn. FBI báo cáo rằng tổn thất tiềm ẩn từ tội phạm mạng đã vượt quá 12,5 tỉ USD vào năm 2023, tăng đáng kể so với các năm trước.
Đặc biệt, những người trên 60 tuổi ở Mỹ luôn bị nhắm tới vì thường họ có những khoản tiết kiệm kha khá.
Cho dù sự nhận thức đang ngày càng tăng, nhưng nhiều người là nạn nhân đã không hề báo cáo thiệt hại với cơ quan công quyền, hoặc vì xấu hổ hoặc vì tin rằng chẳng ai làm gì được. Như vậy, theo The New York Times, điều này có nghĩa vấn đề có thể lớn còn hơn những gì cơ quan công quyền biết được.
Đối với ông Heitin, vụ lừa đảo là một bài học khắc nghiệt. Luôn phải biết nghi ngờ và xác minh.
Nhìn lại chuyện này, ông Heitin thừa nhận rằng quá trình hồi phục cả về tinh thần lẫn tài chính là một thách thức. "Tôi có nhìn lại và tự nói mình phải vượt qua điều đó".
Khi các trò lừa đảo trở nên tinh vi hơn, điều quan trọng là các cá nhân, đặc biệt là người lớn tuổi, phải luôn được thông báo cảnh giác và các tổ chức tài chính phải áp dụng các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn. Thực tế quả là đáng buồn: Những kẻ lừa đảo sẽ tiếp tục nhắm vào những người dễ tin, thường là những người lớn tuổi.
Bình luận (0)