Lừa đảo, lãi vay 'cắt cổ' lại rộ cuối năm

05/01/2021 00:00 GMT+7

Lấy thông tin tài khoản, giả mạo nhân viên ngân hàng, tòa án, cảnh sát... để chiếm đoạt tiền những ngày cuối năm tết đến được cảnh báo sẽ gia tăng.

Đến tận nhà mời... vay tín chấp

Theo Ngân hàng (NH) Vietcombank, cận tết hằng năm luôn là thời điểm khách hàng có nhu cầu giao dịch tăng cao đột biến, đặc biệt là các giao dịch mua sắm trực tuyến. Đây cũng là thời điểm các hoạt động gian lận, lừa đảo tài chính diễn ra phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Một số thủ đoạn lừa đảo được thực hiện nhiều như lấy cắp thông tin dịch vụ NH, lừa đảo khách hàng tự chuyển tiền… Vietcombank khẳng định không bao giờ gửi đường link hoặc liên hệ với khách hàng để yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật dưới mọi hình thức. Vì vậy, các yêu cầu cung cấp thông tin (nếu có) đều là giả mạo, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin khi nhận được các yêu cầu này. Không chỉ thế, kẻ gian có thể giả danh nhân viên NH, tòa án, cảnh sát, nhân viên bưu điện, viễn thông, giao hàng… yêu cầu khách hàng chuyển tiền đến tài khoản của kẻ gian.
Trước đó, NH Phương Đông (OCB) cũng cho biết gần đây liên tục nhận được phản hồi của khách hàng về việc một số đối tượng mạo danh nhân viên OCB gọi điện thoại, nhắn tin, gửi email hoặc đến tận nhà khách hàng để thực hiện các hành vi lừa đảo thu phí làm hồ sơ vay hoặc mở thẻ tín dụng nhằm khai thác thông tin cá nhân và chiếm đoạt tiền của khách. Những đối tượng này còn đến tận nhà chào mời khách hàng vay tín chấp bằng cách mở thẻ và yêu cầu trả khoản phí 450.000 đồng để được hỗ trợ hồ sơ. Sau khi khách hàng đóng phí, các số điện thoại liên lạc trực tiếp đến khách hàng đều mất tín hiệu.
Ngoài những thủ đoạn như trên, hiện nhiều kẻ gian thực hiện gửi tin nhắn, email, chat qua Facebook với nội dung thông báo trúng thưởng hoặc phân chia tài sản kèm theo yêu cầu truy cập vào các đường link, trang web do kẻ lừa đảo cung cấp để có cơ sở nhận thưởng. Khi truy cập vào website giả mạo đó và đăng nhập thông tin bảo mật thì thông tin cá nhân, tài khoản NH của nạn nhân sẽ bị đánh cắp và gửi cho hacker thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền.
Lừa đảo, lãi vay 'cắt cổ' lại rộ cuối năm1
Đáng chú ý, những cuộc điện thoại lừa đảo giả danh điều tra viên, cán bộ cơ quan công an, Viện kiểm sát, tòa án vẫn diễn ra thường xuyên. Với những cá nhân có bán hàng trực tuyến, đối tượng sẽ giả mạo đang ở nước ngoài cần mua hàng hóa dịch vụ trực tuyến cho người thân, sau đó yêu cầu thanh toán bằng cách chuyển tiền qua dịch vụ chuyển tiền (Moneygram, Western Union...) rồi gửi người bán tin nhắn có link truy cập vào website giả mạo; Hay giả danh người nước ngoài làm quen qua mạng rồi yêu cầu người bị hại nộp các khoản phí để làm thủ tục nhận quà nước ngoài gửi về.

Cho vay qua mạng với lãi “cắt cổ”

Cuối năm cũng là thời điểm rộ cho vay qua mạng với lãi suất (LS) “cắt cổ” hơn cả tín dụng đen. Ví dụ, dịch vụ Money Cat giới thiệu cho vay với LS tối thiểu là 12% và tối đa là 18,25% và đưa ra ví dụ nếu khách hàng vay 3 triệu đồng trong thời gian 90 ngày thì số tiền thanh toán tổng cộng là 4,306 triệu đồng. Trong đó, phí tư vấn là 585.000 đồng, phí dịch vụ 630.000 đồng và LS là 91.500 đồng (tương đương 18%/năm). App này cũng thông tin thêm, LS có thể thay đổi tùy vào thời điểm khách hàng đăng ký tư vấn khoản vay, và điểm tín dụng của khách hàng. Thế nhưng trong tuần qua, nhiều người đã bàng hoàng khi truyền thông đưa tin có khách hàng cho hay vay qua app này với số tiền 3,5 triệu đồng trong 90 ngày, với tổng khoản tiền phải trả của khách hàng vay lên tới 17,115 triệu đồng. Tính ra mỗi tháng, khách hàng này phải trả lãi và phí các loại lên tới 4,583 triệu đồng, tương đương mức lãi suất 129,6%/tháng (hay trên 1.000%/năm). Nhưng đây vẫn chưa phải là LS cao nhất.

Các cơ quan chức năng khi cần là chỉ gửi thư mời lên làm việc trực tiếp mà không bao giờ thông qua điện thoại. Cẩn thận sẽ tránh được bẫy lừa đảo mất tiền.

Luật sư Nguyễn Văn Đức

Năm 2020, Công an TP.HCM đã triệt phá nhiều băng nhóm cho vay nặng lãi thông qua các app trực tuyến như Moreloan, Vaytocdo, Doctor app, Vdong, Openvay, Tiennhanh, Vtdong, Movay... Trong đó, điển hình như người vay lần đầu qua ứng dụng “Moreloan” và “VD online” được duyệt vay 1,5 triệu đồng nhưng thực tế chỉ được nhận 900.000 đồng. 600.000 đồng là tiền phí dịch vụ và tiền lãi trong 7 ngày. Sau 7 ngày, người vay phải trả tiền gốc vay là 1,5 triệu đồng, trả chậm 1 ngày sẽ bị phạt từ 2 - 5%/ngày.
Theo cơ quan công an, với hình thức cho vay nêu trên, các đối tượng đã cho vay với LS 4,4%/ngày, tương đương 30,8%/tuần, 132%/tháng và 1.600%/năm. Sau nhiều lần nhắc nợ, đến hạn mà người vay chậm trả, nhân viên thu hồi nợ sẽ gọi điện thoại “khủng bố” tất cả người trong danh bạ điện thoại của người vay (gồm gia đình, bạn bè, đồng nghiệp...) nhằm đe dọa, chửi bới.
Luật sư Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty luật Kinh Luân (TP.HCM), cảnh báo những kẻ lừa đảo hoạt động thường xuyên hơn vào dịp cuối năm và nhất là chuẩn bị Tết Nguyên đán. Chúng thường xuyên thay đổi chiêu trò, hình thức hoặc thay đổi địa bàn về các vùng xa hơn, tập trung vào những đối tượng người lớn tuổi… Đặc biệt các hình thức lừa đảo hiện đa số diễn ra qua mạng, hay sử dụng số điện thoại ảo nên lực lượng công an cũng không thể bao quát hết. Do đó việc bản thân người dùng cần nâng cao cảnh giác là giải pháp đầu tiên và hiệu quả nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.