Giả mạo trung tâm bảo hành
Phản ánh với Thanh Niên, chị M.Châu (Q.1, TP.HCM) cho biết gia đình có tủ lạnh thương hiệu H. vừa qua bị hỏng, nên người nhà tìm kiếm trên mạng địa chỉ Trung tâm dịch vụ sửa chữa tận nhà hãng H. và gọi điện thoại qua số 0931477xxx. Qua điện thoại, một người xưng tên Tân, quản lý trung tâm hẹn sẽ cho kỹ thuật viên đến tận nhà sửa chữa. Đến ngày 13.10, một người có mặc áo in dòng chữ H. đến nhà chị M.Châu, xưng là nhân viên của trung tâm bảo hành.
Biên nhận thu tiền sửa chữa máy lạnh của gia đình chị M.Châu từ Trung tâm bảo hành H. giả mạo |
M.C |
Sau khi xem xét tủ lạnh, nhân viên này đề xuất thay mới bo mạch với giá 4,2 triệu đồng với cam kết sau khi thay xong tủ lạnh sẽ hoạt động bình thường. Phiếu kiểm tra, biên nhận đưa lại gia đình có ký tên nhân viên tên Nhượng đã nhận đủ tiền. Nhưng chỉ vài ngày sau đó, tủ lạnh lại bị đúng tình trạng cũ, nên gia đình chị M.Châu lại tiếp tục gọi điện đến trung tâm trên. Ngày 23.10, trung tâm lại cử một kỹ thuật khác xuống. Người này lại đề nghị thay bo mạch với giá 4,6 triệu đồng. Chị M.Châu trả lời rằng nhân viên trung tâm vừa thay rồi tại sao còn nói thay nữa thì nhân viên mới này tìm cách lảng tránh và đi về sau khi đã tháo tung ngăn đá tủ lạnh. Chị M.Châu lại gọi điện cho Trung tâm H. nói trên và gặp thợ sửa tên Nhượng thì lại tiếp tục bị đòi thêm 1 triệu đồng sẽ làm tủ lạnh trở lại bình thường. Đến lúc này, chị M.Châu đã nghi ngờ và phẫn nộ, nên từ chối đưa tiền. Đồng thời yêu cầu Nhượng trả lại bo mạch cũ, trả lại số tiền 4,2 triệu đồng cho gia đình để nhà tự kêu thợ khác sửa chữa, thì Nhượng hứa trong ngày sẽ quay lại nhà nhưng rồi biệt tăm. Ngay sau đó, nhà chị M.Châu có liên hệ với Trung tâm điện máy Nguyễn Kim - là nơi chị đã mua tủ lạnh trên mới biết các nhân viên trên đều là giả mạo.
Đến cơ quan thuế, ngân hàng
Cũng với hình thức tương tự, mới đây Cục Thuế TP.Hà Nội đã đưa ra cảnh báo tình trạng kẻ gian giả mạo cán bộ thuế để lừa đảo doanh nghiệp (DN). Theo đó, gần đây có những cuộc gọi đến DN từ các số điện thoại tự xưng là cán bộ, công chức của Cục Thuế TP.Hà Nội để mời chào, dụ dỗ DN mua sách, tài liệu, ký hợp đồng tài trợ cho các hoạt động in, xuất bản sách hoặc các ấn phẩm vinh danh DN, cẩm nang về thuế, lập quỹ hỗ trợ của ngành thuế…
Các trang web giả danh các trung tâm bảo hành, sàn thương mại điện tử... cũng xuất hiện tràn lan trên mạng. Do đó, bản thân người tiêu dùng cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ về các thông tin xoay quanh các cá nhân hay tổ chức nào để trước khi đồng ý chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân... để tránh rơi vào bẫy lừa đảo.
Vừa qua, Cục An ninh điều tra (Bộ Công an) cảnh báo một hình thức lừa đảo tinh vi. Cụ thể, lợi dụng việc nhiều tổ chức, cá nhân cần có các tài liệu như cam kết cấp tín dụng, xác nhận số dư tài khoản, sao kê tài khoản, bảo lãnh dự thầu, để chứng minh năng lực tài chính sử dụng vào việc hoàn thiện hồ sơ dự án xin cấp phép đầu tư, ký kết hợp tác kinh doanh hoặc nhu cầu cá nhân… một số đối tượng đã đặt mua máy khắc dấu polyme trên internet để chế tạo con dấu giả của các ngân hàng (NH) có uy tín; đặt mua các mẫu giấy in màu có biểu trưng của các NH này để phục vụ việc làm giả tài liệu.
Điển hình trong vụ án “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh, TP”, đã có một số DN sử dụng các loại giấy tờ giả nêu trên để làm hồ sơ gửi vào các sở, ngành của một số địa phương nhằm xin hồ sơ cấp phép đầu tư xây dựng dự án các loại như khu đô thị, điện gió, cảng biển, nhà máy, kêu gọi đối tác nước ngoài đầu tư... Trong đó, có một số DN cung cấp giấy tờ giả nội dung được NH cam kết cấp tín dụng lên đến hàng ngàn tỉ đồng và xác nhận số dư tài khoản tại một thời điểm lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Trước đó, cũng có nhiều trường hợp mạo danh nhân viên tòa án, cơ quan điều tra hay nhân viên NH để chiếm đoạt tiền. Cuối tháng 5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố vụ án khởi tố bị can đối tượng do Nguyễn Minh Lưu (trú tại Duy Xuyên, Quảng Nam) cầm đầu về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại cơ quan công an, Lưu khai nhận là người đã lên kế hoạch kịch bản, giả danh nhân viên NH để lừa đảo.
Cụ thể, sau khi chọn được “con mồi”, Lưu đăng nhập nhiều lần vào tài khoản của họ để tài khoản bị khóa, rồi gọi điện cho bị hại thông báo tài khoản lỗi và yêu cầu cung cấp mã OTP. Trong số nạn nhân của nhóm này, chị Phạm T.H (ngụ Bắc Giang) nhận được cuộc gọi tự xưng là nhân viên NH TMCP M., thông báo tài khoản của chị tại NH M. có giao dịch bị lỗi và yêu cầu cung cấp mã OTP được gửi đến số điện thoại của chị để khắc phục lỗi. Mất cảnh giác, chị H. đã nhiều lần cung cấp mã OTP cho đối tượng. Sau đó, số tài khoản của chị đã được thực hiện 3 giao dịch và số tiền gần 1 tỉ đồng trong tài khoản “sạch trơn”...
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena, nhận định những kẻ đã có mục đích lừa đảo thì đưa ra nhiều kịch bản với sự thay đổi, “biến hóa” rất cao. Hình thức mạo danh không mới, nhưng nội dung đề cập sẽ thường xuyên bắt kịp thông tin thời sự. Từ đó sẽ khiến nhiều cá nhân bị mất cảnh giác và làm theo hướng dẫn như cung cấp thông tin tài khoản, số thẻ tín dụng, cả mã OTP và sẽ bị lấy cắp tiền trong tài khoản.
Bình luận (0)