Lừa đảo phụ huynh qua điện thoại, lộ thông tin từ đâu?

20/03/2023 04:20 GMT+7

Lừa đảo bằng các cuộc gọi, tin nhắn không phải mới, nhưng chiêu thức đã được đẩy lên cực độ khi rộ lên việc dùng tính mạng trẻ em để gọi điện, nhắn tin đe dọa phụ huynh kiểu "con cấp cứu, cần chuyển tiền gấp" thời gian gần đây.

Vừa mất tiền, vừa hoảng hốt

Dù sự việc đã trôi qua nhiều ngày, song anh T.T.D (trú Q.Tân Bình, TP.HCM) vẫn chưa hết bàng hoàng. "Ngày 3.3, tôi đang công tác ở Hà Nội, vợ tôi đang ở cữ nuôi con nhỏ thì nhận được số điện thoại lạ báo con bị ngã, cấp cứu phải mổ ngay ở Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy; yêu cầu chuyển tiền ngay để mổ cho con. Quá hoảng hốt, vợ tôi lập tức chuyển khoản ngay 50 triệu đồng mà không nghĩ ngợi gì nhiều, sau đó mới gọi cho tôi báo tin. Tôi cũng lập tức chạy ra sân bay. Khi bình tâm, vợ tôi gọi điện đến nhà trường, cô giáo báo tin con vẫn ở trường, không hề bị tai nạn; gọi lại số điện thoại lạ thì đã khóa, mới biết mình bị lừa. Vừa mất tiền, cả nhà vừa bị một phen đau tim", anh D. kể lại.

Lừa đảo phụ huynh qua điện thoại, lộ thông tin từ đâu? - Ảnh 1.

Lừa đảo phụ huynh qua điện thoại, lộ thông tin từ đâu? - Ảnh 2.

Lừa đảo phụ huynh qua điện thoại, lộ thông tin từ đâu? - Ảnh 3.

Một nạn nhân ở TP.HCM bị đối tượng lừa đảo gửi tin nhắn con bị cấp cứu, và nạn nhân đã chuyển 70 triệu đồng cho kẻ lừa đảo

Trần Kha

Trong thực tế có nhiều phụ huynh (PH) đã "sập bẫy" những kẻ lừa đảo với chiêu thức như trên. Từ đầu tháng 3 đến nay, chỉ trong vòng nửa tháng, hàng trăm PH tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Long An… nhận được cuộc gọi lừa đảo với kịch bản giống nhau: thông báo con bị té ngã, chấn thương sọ não đang cấp cứu, cần chuyển tiền ngay. Đối tượng lừa đảo xưng là thầy cô giáo, nhân viên trường học, nhân viên y tế gọi điện cho PH.

Lừa đảo phụ huynh qua điện thoại, lộ thông tin từ đâu? - Ảnh 4.

DAD

Mặc dù sau khi xảy ra sự việc, các cơ quan chức năng, trường học, BV tại các địa phương đã đưa ra cảnh báo, song vẫn có nhiều người bị lừa chuyển tiền từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Mới nhất là trường hợp một PH tại Hà Nội đã chuyển 200 triệu đồng cho các đối tượng lừa đảo.

Chuyên gia an ninh mạng: Có 3 nguồn lộ thông tin cá nhân của học sinh

Theo Công an Q.Nam Từ Liêm (Hà Nội), ngày 14.3, cơ quan công an nhận được trình báo của một PH về việc bị lừa đảo, chiếm đoạt 200 triệu đồng. Chị này nhận được điện thoại từ số máy có đuôi 8406, tự xưng là giáo viên, thông báo con chị đang học tại Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên thuộc Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) bị ngã từ tầng 3 của trường. Cháu đang cấp cứu tại BV Việt Đức trong tình trạng nguy kịch. Chị đã chuyển tiền 2 lần với số tiền 200 triệu đồng. Ngoài ra, một PH khác cũng nhận được điện thoại yêu cầu chuyển 40 triệu đồng để phẫu thuật cho con tại BV 354.

Lừa đảo phụ huynh qua điện thoại, lộ thông tin từ đâu? - Ảnh 5.

Trường học tăng cường nhắn tin cảnh báo tới phụ huynh sau khi xảy ra hàng loạt vụ lừa đảo “con cấp cứu, cần chuyển tiền gấp”

Thu Hằng

Cơ quan công an cũng thông báo 2 số tài khoản liên quan đến hành vi lừa đảo bằng kịch bản "con cấp cứu, cần chuyển tiền gấp" gồm: 0823763009 Ngân hàng (NH) Quân đội (MB), tên Trịnh Công Bạc; và 0927680306 NH thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB), tên Trần Quang Vinh.

Lộ thông tin từ nhiều nguồn

Điều các PH lo lắng là kẻ lừa đảo có thông tin đầy đủ, chính xác tên tuổi, lớp học, giáo viên chủ nhiệm của con em mình. Nhiều người lo ngại con em họ bị lộ thông tin từ phía nhà trường, bị kẻ xấu "hack" thông tin.

Về vấn đề này, chuyên gia bảo mật Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty CP Công nghệ an ninh mạng quốc gia VN (NCS), cho hay việc để lộ, lọt thông tin cá nhân có nhiều nguồn khác nhau. Kẻ xấu có thể lấy thông tin từ cha mẹ, người thân khi cha mẹ, người thân để lộ thông tin con mình trên mạng xã hội; đưa thông tin cho các trung tâm học thêm, trung tâm ngoại ngữ, trong các hội nhóm PH.

Nhiều bậc PH thích khoe hình ảnh con, học lớp này, lớp kia, khoe thành tích, chụp cả bảng điểm lộ tên tuổi, lớp học. Để không bị kẻ xấu lợi dụng, PH cần sử dụng mạng xã hội khôn ngoan, hạn chế tiết lộ thông tin, hình ảnh của con trên mạng xã hội.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH)

Bên cạnh đó, thông tin có thể bị lộ do các tổ chức cung cấp dịch vụ, các trung tâm, lớp học online. Những nơi này không đảm bảo an toàn bảo mật, kẻ xấu tấn công mạng lấy trộm thông tin; hoặc cũng có thể do nhân viên bán thông tin ra ngoài. "Hiện nay, tất cả học sinh đều có sổ liên lạc điện tử chứa nhiều thông tin cá nhân. Nhiều trường mua phần mềm từ các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ, nếu không bảo mật tốt; việc lộ, lọt thông tin có thể xuất hiện từ đó", ông Sơn cho biết.

Để xác định việc lộ, lọt thông tin từ đâu, chuyên gia Vũ Ngọc Sơn cho rằng cần có thời gian và sự hợp tác giữa các bên liên quan. Liên quan đến lừa đảo công nghệ, theo ông Sơn, cần có sự vào cuộc không chỉ của nhà mạng mà còn cả NH. Việc để sim rác tràn lan, mua bán dễ dàng chính là công cụ để các đối tượng lừa đảo khai thác, sử dụng số điện thoại ẩn danh, điện thoại lừa đảo. Cơ quan quản lý và nhà mạng cần quản lý chặt và xử lý nghiêm hành vi mua bán và sử dụng sim rác.

Về phía NH, theo ông Sơn, các vụ lừa đảo đều có số tài khoản, tên chủ tài khoản tại NH ở VN. Hiện nay, một số NH cho đăng ký tài khoản online dễ dàng, dẫn tới một số đối tượng giả thông tin để đăng ký hoặc bán tài khoản NH. "NH cũng nên siết chặt việc đăng ký tài khoản online. Trách nhiệm của các bên cùng vào cuộc, có giải pháp thì mới có thể hỗ trợ người sử dụng tránh bị lừa đảo", ông Sơn kiến nghị.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), lợi dụng trẻ em để lừa đảo không phải là mới, song đối tượng lừa đảo đã đánh trúng tâm lý của cha mẹ là luôn lo lắng, không tiếc tiền để cứu con mình khi gặp hiểm nguy. Chính vì vậy, chỉ cần không tỉnh táo, PH dễ "sập bẫy" kẻ xấu.

Theo ông Nam, một trong những nguyên nhân của lộ, lọt thông tin có thể là do chính PH vô tình làm lộ thông tin cá nhân của con trẻ trên mạng xã hội.

"Lướt mạng xã hội có thể thấy nhiều bậc PH thích khoe hình ảnh con, học lớp này, lớp kia, khoe thành tích, chụp cả bảng điểm lộ tên tuổi, lớp học. Để không bị kẻ xấu lợi dụng, PH cần sử dụng mạng xã hội khôn ngoan, hạn chế tiết lộ thông tin, hình ảnh của con trên mạng xã hội", ông Nam khuyến cáo.

Cục trưởng Cục Trẻ em cũng cho rằng ngoài sự cảnh báo kịp thời của nhà trường, rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong việc quản lý thông tin, truy tìm các số điện thoại lừa đảo. Đặc biệt, công an cần phải đưa vài vụ ra xử lý nghiêm, có tính răn đe.

Từ bẫy lừa ‘con đang cấp cứu’: Đánh cắp, rao bán thông tin cá nhân có thể bị phạt tù

Xử lý mạnh tay đối với nhà mạng

Cùng với lập đầu số 156 để người dân phản ánh cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo, mới đây trong tháng 3, Bộ TT-TT cũng đưa ra hàng loạt biện pháp quyết liệt, góp phần ngăn chặn các cuộc gọi lừa đảo.

Theo đó, nhằm giải quyết tình trạng sử dụng sim thuê bao di động có thông tin không đúng quy định và bảo đảm thông tin thuê bao trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC) sau khi đối soát, từ ngày 15.3, Bộ TT-TT yêu cầu các nhà mạng tổ chức rà soát, đối chiếu, triển khai các giải pháp xác thực thông tin của các thuê bao đã có đầy đủ giấy tờ và đăng ký thông tin đúng quy định; đảm bảo đến ngày 31.3, các thuê bao đang hoạt động đều có thông tin chính xác, trùng khớp với thông tin trong CSDLQGVDC.

Sau ngày 31.3, nếu thuê bao không thực hiện chuẩn hóa sẽ bị khóa sim 1 chiều, và dừng 2 chiều nếu không thực hiện sau 15 ngày tiếp theo. 30 ngày sau đó, thuê bao không cập nhật sẽ bị chấm dứt hợp đồng.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), cho hay: "Việc rà soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao của người sử dụng dịch vụ viễn thông di động để đảm bảo trùng khớp với thông tin trong CSDLQGVDC là hoạt động cần thiết; phải có sự tham gia, phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước, DN dịch vụ viễn thông và người dân nhằm góp phần ổn định trật tự xã hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi sử dụng sim điện thoại có thông tin đăng ký không đúng quy định để thực hiện các hành vi lừa đảo, quảng cáo sai sự thật…".

Ngoài ra, Cục Viễn thông cũng tăng cường giám sát, siết chặt quản lý nhà mạng trong phát triển thuê bao mới. Theo đó, cục sẽ phối hợp các sở TT-TT kiểm tra việc tổ chức thực hiện của các DN tại tất cả các tỉnh, thành. DN phải gửi danh sách các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông tại từng tỉnh, thành tới sở TT-TT để phối hợp giám sát, kiểm tra.

"Đặc biệt, với việc phát triển thuê bao mới, báo cáo lãnh đạo Bộ TT-TT xử lý nghiêm, bao gồm việc đề nghị đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới đối với các DN vi phạm, nhất là các hành vi cung cấp dịch vụ cho thuê bao phát triển mới có thông tin thuê bao không đầy đủ hoặc không chính xác; bán và lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động cho sim thuê bao", ông Nhã nói.

Cục Viễn thông cho biết qua công tác theo dõi tình hình triển khai chuẩn hóa thông tin thuê bao sau đối soát với CSDLQGVDC của các DN dịch vụ viễn thông và phản ánh của các cơ quan báo chí cho thấy có hiện tượng một số đối tượng lợi dụng việc DN thông báo (qua nhắn tin, gọi điện) đến người sử dụng dịch vụ viễn thông di động để thực hiện các hành vi có dấu hiệu mạo danh lừa đảo, quảng cáo… vi phạm pháp luật.

Ngày 17.3, Cục Viễn thông đã có văn bản đề nghị các DN thực hiện nghiêm việc triển khai các biện pháp truyền thông; thông báo các số điện thoại cùng tên định danh (nếu có) chính thức của DN được sử dụng cho mục đích chăm sóc khách hàng, nhắn tin, gọi điện thông báo đề nghị chuẩn hóa thông tin thuê bao, tiếp nhận phản hồi.

Bộ TT-TT cũng đang xem xét hình thức xử lý quyết liệt là đình chỉ phát triển thuê bao mới từ 3 - 6 tháng, nếu phát hiện DN viễn thông mắc sai phạm quy định về quản lý thuê bao di động. Đây là lần đầu tiên Bộ TT-TT đưa ra phương án xử lý mạnh tay với nhà mạng, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dùng và ngăn chặn các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo.

Nhận cuộc gọi, cần kiểm tra lại

Ông Trần Đăng Khoa, Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), cho hay một trong những chiêu lừa đảo mà Bộ TT-TT "điểm danh" và cảnh báo, đó là hình thức sử dụng số điện thoại giả danh cơ quan chức năng để gọi điện thoại lừa đảo. Thay vì trước đây, các đối tượng lừa đảo gọi cho nạn nhân thông báo vi phạm pháp luật và yêu cầu chuyển khoản, thì nay chúng đánh vào tâm lý lo sợ của PH, yêu cầu "con cấp cứu, cần chuyển tiền ngay". "Người dân nên tỉnh táo khi có số điện thoại lạ gọi đến, cần kiểm tra lại. Không mất quá nhiều thời gian để liên lạc với giáo viên, nhà trường. Bộ TT-TT đã cung cấp đầu số 156 để phản ánh các tin nhắn cuộc gọi lừa đảo. PH và người dân có thể gửi thông tin đến cơ quan chức năng phối hợp nhà mạng xử lý", ông Khoa nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.