Ngày cuối tuần, PV Thanh Niên đăng nhập vào một nhóm kín trên Facebook dành riêng cho việc giúp đỡ nữ sinh khó khăn.
Xin tiền đặt xe rồi… biến mất
Với vài thao tác tìm kiếm, chúng tôi gặp nickname tên Nhung xxx, tự giới thiệu là sinh viên năm 2, đang cần giúp đỡ và nhận lời đi uống nước làm quen. Để chứng minh mình là người thật chứ không phải giả mạo, Nhung gửi tin nhắn bằng âm thanh, xin tiền để đặt xe đi đến nơi hẹn. Vốn đã quá quen thuộc với chiêu trò xin tiền rồi chặn liên lạc, chúng tôi từ chối khéo. Nhưng Nhung vẫn tiếp tục gửi tin nhắn thoại, năn nỉ. Để chúng tôi yên tâm, Nhung đề nghị sẽ đặt xe công nghệ rồi chúng tôi chuyển khoản cho tài xế.
Để xem còn chiêu trò gì, chúng tôi quyết định chuyển tiền. Một lát sau Nhung chụp hình chiếc xe công nghệ và ứng dụng đặt xe thể hiện đúng hành trình di chuyển, kèm theo số tài khoản. Chúng tôi chuyển số tiền 250.000 đồng cho tài xế tên V.X.T. Nhung nói đang trên xe đi đến chỗ hẹn mất khoảng 30 phút. Chưa đầy 15 phút sau, Nhung tiếp tục gửi tin nhắn thoại và kèm theo định vị đang ở gần nơi hẹn, nói rằng đang ghé vào cửa hàng tiện lợi để mua đồ nhưng thiếu tiền, gửi số tài khoản của chủ cửa hàng và khẩn khoản nhờ chuyển vào cho người này để yên tâm. Chúng tôi quyết định dấn thêm một bước xem cô này muốn giở trò gì, chuyển đi số tiền là 212.000 đồng. Kẻ lừa đảo lúc này xuất đầu lộ diện. Khi chúng tôi gọi qua ứng dụng Messenger để kiểm tra thì cô gái tên Nhung ngay lập tức chặn liên lạc, các tin nhắn qua lại cũng được thu hồi và xóa mất.
Theo chuyên gia chống lừa đảo trực tuyến Ngô Minh Hiếu, tình trạng lừa đảo thông qua các hình thức làm quen trên mạng như vậy xảy ra khá phổ biến, tuy nhiên biến tướng chiêu trò ngày càng tinh vi. Nếu trước đây chỉ đơn giản là xin tiền đặt xe rồi chặn số liên lạc thì hiện nay các đối tượng lừa đảo đã nghĩ ra nhiều kịch bản khác để thao túng tâm lý và dẫn dắt nạn nhân sụp bẫy. Mặc dù số tiền chiếm đoạt được không nhiều nhưng mỗi ngày có vài người bị lừa thì tổng cộng số tiền chiếm đoạt được rất lớn. Thực tế, hiện nay có khá nhiều người vì cô đơn, vì muốn tìm kiếm những mối quan hệ thầm kín nên đã chọn con đường kết bạn qua mạng xã hội, từ đó tạo cơ hội cho các đối tượng lừa đảo lợi dụng.
Dẫn dụ chơi game cờ bạc
Dù các cơ quan có thẩm quyền liên tục khuyến cáo, các phương tiện thông tin đại chúng cũng đăng tải thường xuyên để nâng cao cảnh giác nhưng rất nhiều người vẫn sập bẫy do các chiêu trò lừa đảo biến tướng khôn lường.
Thông qua Báo Thanh Niên, một số bạn đọc đã cung cấp thông tin về tình trạng các trang Facebook công khai quảng cáo game cờ bạc, tài xỉu trái phép, có dấu hiệu lừa đảo.
Ghi nhận thực tế, các quảng cáo game đánh bạc trực tuyến xuất hiện công khai trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Telegram, YouTube. Để thu hút người chơi, nội dung quảng cáo còn đi kèm các quà tặng, như tặng ngay 200.000 đồng cho người chơi đăng ký tham gia, "vận may vài giây nhận ngay tiền thật"… Đánh vào tâm lý của người chơi, các quảng cáo đều nhấn mạnh việc nạp và rút tiền khi chơi game rất dễ dàng và hoàn toàn tự động. Theo đó, các game bài, game tài xỉu đổi thưởng này sẽ hỗ trợ nạp tiền thông qua các hình thức như nạp qua tài khoản ngân hàng, mã QR Code, thẻ cào điện thoại, ví điện tử… Một số video còn hướng dẫn cả hình thức nạp tiền và rút tiền qua tài khoản ngân hàng, số tiền lên đến cả trăm triệu đồng nhằm dụ dỗ người dùng tải về và tham gia chơi game.
Đi sâu vào tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy trước đây, các hình thức cá cược gần như rất ít xuất hiện công khai, đa phần người chơi tham khảo tỷ lệ kèo trên các website quốc tế, sau đó gọi điện cho các đường dây cá độ để đặt cược. Nhưng giờ đây, với việc có các nhà cung cấp quốc tế đứng sau hỗ trợ công nghệ, hình thức này ngày càng xuất hiện ngang nhiên và được quảng cáo mạnh mẽ trên các nền tảng online.
Một chuyên gia công nghệ phân tích đa số các công ty cung cấp dịch vụ cờ bạc hay cá cược tại VN tuyển dụng nhân viên làm việc tại Campuchia hoặc Trung Đông. Để quảng cáo trái phép đến người dùng trong nước, các nhân viên sẽ tiến hành mua quảng cáo trên các web "đen" hoặc web cung cấp dịch vụ phi pháp thông qua các ứng dụng được bảo mật cao. Do hiện nay khách hàng tự nạp tiền vào chơi, nhà cái trả hoa hồng 30 - 60% cho bất kỳ ai có thể phát triển các đại lý, nên để bắt được những người đứng sau là vô cùng khó.
Bên cạnh các hình thức cờ bạc có máy chủ đặt tại nước ngoài, nhiều ứng dụng cờ bạc được tạo ra chỉ để dẫn dụ người chơi nạp tiền và chiếm đoạt tài sản. Chị Th. (ngụ H.Nghi Lộc, Nghệ An) là một nạn nhân từng bị lừa đảo, dẫn dụ vào các game cờ bạc trực tuyến. Thông qua mạng xã hội, chị Th. làm quen với Long, người tự giới thiệu làm cho một công ty kinh doanh trò chơi trực tuyến có thưởng. Khi đã tạo được sự tin tưởng nhất định, Long rủ chị Th. tạo riêng tài khoản game để chơi, khẳng định sẽ thu lời rất nhiều tiền vì có mình "mách nước".
Lập xong tài khoản, chị Th. nộp vào 50 triệu đồng để chơi, sau vài ván đầu đã thắng hơn 60 triệu đồng. Lần thứ hai, chị nộp 100 triệu đồng và nhận về ngay 120 triệu đồng. Sau khi thấy thắng lớn, Long động viên chị Th. tiếp tục chơi, cứ để tiền trong tài khoản để nhận thưởng và hưởng lãi 2% một ngày. Chị Th. nhiều lần nộp thêm tiền, từ vài chục đến hơn 100 triệu đồng.
Lúc tiền nộp lên tới 500 triệu đồng, Long thông báo trong tài khoản đã tăng tới gần 3 tỉ đồng do quy đổi từ game, tiền thưởng và lãi. Chị Th. định rút hết tiền từ tài khoản game chuyển sang ngân hàng, tuy nhiên các lệnh đều không thể hoàn thành. Gọi điện cho nhân viên chăm sóc khách hàng theo số điện thoại ghi trên web game, chị được phản hồi do tiền lãi và thưởng cao hơn tiền gốc nên phải chịu 25% thuế, công ty sẽ hỗ trợ 10%, còn lại người chơi phải thanh toán cho hệ thống 330 triệu đồng. Đến lúc này, chị Th. mới nghi ngờ và phát hiện dấu hiệu lừa đảo trong các tin nhắn trước đó và trình báo công an thì đã muộn.
Lừa đảo lợi dụng mùa lễ hội
Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) vừa phát đi cảnh báo tình trạng lợi dụng các sự kiện và hoạt động diễn ra trong thời điểm cuối năm, một số trang Facebook giả mạo đã được lập ra nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người dân đăng ký tham gia.
Ban đầu, khi người dân hoàn thành nhiệm vụ với các đơn hàng có giá trị nhỏ, đối tượng trả lại toàn bộ số tiền mua hàng và tiền trích như đã hứa hẹn. Sau khi người dân chốt nhiều đơn hàng với số tiền lớn hơn ở những lần tiếp theo, đối tượng sẽ không trả tiền gốc và tiền trích với lý do như: cú pháp soạn tin bị sai, hệ thống bị lỗi, gặp sự cố về đơn hàng… Đồng thời, đối tượng yêu cầu nạn nhân phải chuyển khoản thêm tiền để xác minh đơn hàng, bảo lưu tài khoản và cam kết hoàn trả toàn bộ số tiền đã chuyển khi hoàn thành nhiệm vụ. Đến khi nạn nhân hết tiền để chuyển khoản hoặc phát hiện bị lừa, các đối tượng sẽ chặn toàn bộ liên lạc.
Bình luận (0)