|
Theo nội dung đơn tố cáo của ông Th., biết ông thường xuyên qua Nhật mua hàng, khoảng đầu tháng 8.2012, có một người phụ nữ tên H. đã môi giới một lô hàng máy xúc, máy đào ở Nhật cho ông Th. với giá “mềm”. Ông Th. yêu cầu gửi hình ảnh lô hàng, bảng giá tham khảo. Tuần sau, bà H. dẫn một người Nhật (tự xưng là chủ lô hàng nói trên) đến gặp ông Th. để ký hợp đồng mua lô hàng trên. Sau đó, người Nhật này đã mời ông Th. qua Nhật nhận hàng vận chuyển về Việt Nam.
Ngày 19.8.2012, ông Th. bay sang Nhật và được 2 người đàn ông người Việt Nam đón bằng xe 7 chỗ ngồi đi xem hàng. Do trời sắp tối nên ông Th. yêu cầu được chở về bãi xe của mình (ông Th. đã thuê bãi này trước đó để chứa hàng) nghỉ ngơi, rồi sáng mai đi xem hàng. Nhưng 2 người này chở thẳng ông Th. đến một ngôi nhà hoang, không có địa chỉ, không có điện nước. “Tài xế cho xe chạy vào gara. Tôi chưa kịp xuống xe thì có một người đàn ông to cao đến nắm cổ tôi lôi vào nhà, cho ngồi trên chiếc ghế và trước mặt tôi là một cặp nam nữ người Việt Nam đang ngồi chờ để hỏi “cung” tôi… Hai người này chưa kịp hỏi thì tên to cao xông vào kẹp cổ tôi, giật lấy hộ chiếu, giấy tờ tùy thân, ĐTDĐ và đánh vào mặt tôi. Tôi ngã xuống đất nhưng tên này vẫn không chịu buông tha, tiếp tục đánh cho đến khi tôi nằm bất động. Thấy tôi bị chảy máu mũi, hắn kéo tôi ngồi lại trên ghế và dọa “xử” nếu không làm theo yêu cầu của họ… Lúc đó tinh thần tôi bấn loạn; mới biết mình đang bị bắt cóc” - ông Th. chưa hết bàng hoàng dù chuyện đã xảy ra khá lâu.
Sau đó, một người phụ nữ khác xuất hiện yêu cầu nhóm người này buộc ông Th. phải viết giấy nợ 5,5 triệu yen (tương đương 1,5 tỉ đồng). Vừa viết xong (lúc đó khoảng 11 giờ đêm), tên to cao tiếp tục lôi ông Th. ra đánh đập tiếp. Sau đó, sợ nạn nhân chết, hắn không đánh nữa và ép ông Th. viết tiếp giấy nợ 50 triệu yen (tương đương 13,5 tỉ đồng). “Do không chịu nổi những trận đòn tra tấn nên tôi buộc phải chấp nhận viết giấy nợ để bảo toàn tính mạng. Chúng đọc nội dung cho tôi viết 2 tờ giấy nhận nợ mà viết đi viết lại hơn cả chục lần, kéo dài từ tối ngày 19.8 đến 3 giờ chiều ngày 20.8 mới xong” - ông Th. kể.
|
Cuộc đào thoát trong mưa
Sau đó chúng yêu cầu ông Th. gọi điện thoại về Việt Nam kêu người nhà chuyển tiền cho chúng. Ông Th. từ chối nên bị “ăn đòn” tiếp. Chúng còn biết và tra hỏi ông Th. về việc vừa bán mảnh đất ở Long An 50 tỉ đồng, sao không chịu chuyển tiền? Ông Th. nói đã trả nợ hết cho ngân hàng, chúng không tin nên tra tấn càng dã man hơn. Chịu không nổi, ông Th. đành khai thật còn có một mảnh đất ở H.Bình Chánh.
Đánh đập mỏi tay, chúng ngồi nghỉ xả hơi nên ông Th. cũng được yên thân một lúc. Đến 1 giờ sáng ngày 21.8.2012, chúng dựng ông Th. dậy yêu cầu viết giấy bán đất và viết giấy tự nguyện giao chiếc ô tô Camry (BKS: 52P-7143). “Chúng bắt tôi viết nhiều loại giấy tờ như: giấy nhận nợ, giấy tự nguyện giao xe, giấy xác nhận bill tàu, giấy tự nguyện giao giấy tờ tùy thân... Khi tôi bị giam giữ ở đây, luôn có từ 4 - 10 người canh giữ” - ông Th. cho biết.
Đến chiều 30.8.2012, nghi ngờ bị cảnh sát Nhật phát hiện, chúng đã tức tốc đưa ông Th. đến một ngôi nhà khác (cách nơi cũ khoảng 3 giờ chạy ô tô), nằm trên một ngọn đồi, xa khu dân cư. Đến chỗ giam giữ mới, sáng 1.9, chúng bắt ông Th. gọi về Việt Nam yêu cầu gửi con dấu của công ty qua gấp nhưng ông Th. cự tuyệt nên lại bị chúng đánh đập và dọa sẽ chặt tay và giết chết. “Tôi bị đánh bầm dập, rồi chúng ép tôi ký tên, lăn tay vào nhiều loại giấy tờ bán, giao tài sản; kể cả giấy cảm tưởng về thời gian tôi ở bên Nhật với chúng được đối xử rất tốt…” - ông Th. tiết lộ thêm.
|
Đến khoảng 1 giờ ngày 2.9.2012, lợi dụng chúng nhậu xỉn ngủ say, trời mưa to, ông Th. đã trốn thoát được khỏi nơi giam giữ. Phần vì quá hoảng sợ, phần không biết đường, ông Th. chỉ biết cắm đầu chạy bộ suốt nhiều giờ liền (hàng chục km) mới ra đến đường lộ, rồi đón taxi chạy thẳng đến sân bay Narita nhưng không dám vào sân bay sợ bị chúng mai phục bắt giữ lại. Cuối cùng ông Th. quyết định vào một khách sạn gần sân bay, gọi về Việt Nam nhờ bà Đ.T.Tr (giám đốc một công ty TNHH ở H.Bình Chánh, đồng thời là bà con của ông Th.) tìm cách liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật gọi báo cảnh sát Nhật đến bảo vệ. Đến 4 giờ cùng ngày, cảnh sát Nhật cùng với đại diện của Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật đã có mặt tại khách sạn đưa ông Th. về trụ sở cảnh sát lấy lời khai. Sau đó, cảnh sát đã đưa ông đi bệnh viện khám bệnh, xác định thương tích và đến 2 nơi ông bị giam giữ dựng lại hiện trường, tìm chứng cứ.
“Lúc tôi bị bắt đưa đến ngôi nhà đầu tiên. Lợi dụng sơ hở của chúng, tôi đã kịp thông báo cho người nhà biết tôi bị bắt cóc ở Nhật. Người nhà của tôi đã đến Bộ Công an trình báo để phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật nhờ cảnh sát Nhật giải cứu nhưng không tìm ra manh mối bọn bắt cóc. Tại 2 nơi bị giam giữ, tôi đều cố tình để lại bàn chải, kem đánh răng, quần lót, gói thuốc lá… hy vọng cảnh sát tìm thấy để lần theo giải cứu” - ông Th. nhớ lại.
Đến ngày 4.9.2012, ông Th. được cảnh sát Nhật cùng một số cán bộ Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật bảo vệ, đưa lên máy bay về Việt Nam. Về đến sân bay Tân Sơn Nhất, ông Th. được trinh sát của C45 (Bộ Công an phía nam) đón. (Còn tiếp)
Nguyên Bảo
Bình luận (0)