Lửa sống đẹp soi chiếu những ngày buồn

15/12/2021 06:47 GMT+7

Cuộc thi viết Sống đẹp khép lại bằng 40 bài viết của các tác giả với những chân dung sống đẹp - những ngọn lửa ấm của giá trị văn hóa , nhân văn được thắp lên, soi chiếu vào bao ngày buồn, đầy khó khăn của đất nước vì đại dịch Covid-19 .

Xã hội đang biến chuyển từng ngày, từng phút nhưng văn hóa số vẫn chưa theo kịp với sự thay đổi của môi trường số, khiến không ít người lạc lối, lệnh chuẩn về những hệ giá trị. May mắn thay, những chân dung sống đẹp như lửa bền bỉ tỏa sáng, như hoa âm thầm tỏa hương sắc, lên tiếng cho cái đẹp và những giá trị sâu thẳm, vững bền.

Những ngọn lửa sống đẹp được thắp lên từ khắp mọi miền đất nước. Đó là cô giáo Nga dạy chữ cho trẻ em khuyết tật ở vùng sâu Măng Thít (Vĩnh Long). Suốt đời dạy học, lại chăm sóc cha mẹ già nên cô không lập gia đình. Cô kiên trì dạy học cho hơn 700 em học sinh “đặc biệt” và sẽ tiếp tục cho đến khi không còn dạy được nữa mới thôi. Đó là đại úy Trần Bình Phục đi gieo chữ ở đảo Hòn Chuối xa xôi, miền đất mũi Cà Mau. Dạy chữ cho các em đã khó, anh còn dạy đạo đức vì “điều căn bản để làm người chính là đạo đức”.

Bà Nguyễn Thị Phương đều đặn đến bếp cơm mỗi ngày -một trong những nhân vật được vinh danh

Nhật Linh

Tình người trong những chân dung sống đẹp làm ta được thanh lọc tâm hồn, tìm thấy được niềm tin yêu. Lòng trắc ẩn con người bị đánh thức bởi tiếng gọi “Hia ơi” của bà Quách Tăng Ngọc Minh gọi người anh kết nghĩa Phạm Dương, khi cuộc đời bị dồn đuổi đến tận cùng của đói nghèo, bệnh tật. Bà đã không tuyệt vọng khi còn có tình người để núm níu. Một tình người thuần phác, kiệm lời, được khẳng định bằng triết lý sống “Cạn đìa mới biết lóc trê”. Như là huyền thoại giữa đời thường, cụ Trần Cang 100 tuổi, xã Phú Tâm, Châu Thành (Sóc Trăng) với tâm niệm “giúp người bớt khổ, mình cũng vui lây” nên hàng chục năm qua đã giúp đỡ hơn 4.000 người neo đơn, bệnh hiểm nghèo, với số tiền trên 17 tỉ đồng. Tình người khiến anh Lê Thanh Tùng ở Thủ Đức, TP.HCM làm được điều lạ lùng kỳ diệu: Cứ đêm đến, anh lại chở thùng đồ nghề ghi chữ “Vá xe, đổ xăng miễn phí” trên chiếc xe Dream cũ, chạy hàng trăm cây số để giúp đỡ những người không may gặp sự cố trên đường...

Tình người trong trái tim người ở núi Vàng Dỉn Tề nơi mạn rừng Huổi Só, Tủa Chùa (Điện Biên) thật lấp lánh, với những việc làm thầm lặng cứu người bằng thuốc dân tộc. Anh cũng vất vả mưu sinh, đi khắp cánh rừng, ngọn núi, băng qua suối qua sông, gặp người bệnh thì cứu, gặp người khổ tìm cách giúp, cởi cả áo khăn cho mấy cụ già lúc trời rét, phần mình quấn lá chuối quanh người. Con người chân chất với những việc làm thầm lặng ấy là Phật giữa đời thường. Sống đẹp là bà mẹ Nguyễn Thị Phương ở Rạch Bùng Binh (Q.3, TP.HCM) đã kiên trì, bền bỉ giữ lửa bếp cơm cho biết bao trẻ mồ côi, sinh viên khó khăn, người già neo đơn gần 30 năm giữa Sài Gòn, trong căn bếp hẹp. Là người thổi tù và trên rẻo cao Tây Bắc gắn đời mình với những bệnh nhân bỏng Sơn La. Anh Phạm Ân có tình thương vô bờ dành cho các bệnh nhân nghèo và học sinh khó khăn. Lòng trắc ẩn, tình yêu thương đã thôi thúc anh là người cha đơn thân cho hai đứa trẻ bất hạnh, thôi thúc anh nhen lên ngọn lửa “bếp cơm nhân ái”.

Lòng nhân ái, trắc ẩn con người xuyên lục địa, xuyên không gian, thời gian. Thật trân quý tấm lòng Susanne, một du khách người Thụy Sĩ dành cho trẻ em làng chài Vĩnh Lương (Nha Trang). Rong ruổi trên chiếc xe đạp cút kít, chị tìm đến những đứa trẻ nghèo trao học bổng, góp tiền xây lại nhà cho ngư dân, dạy cho trẻ lòng biết ơn để có trách nhiệm với xã hội. Người Vĩnh Lương hay gọi Susanne bằng cái tên trìu mến “bà Tây từ thiện”... Không chỉ có Susanne, Usuda Reiko người Nhật đã viết nên cổ tích giữa đời thường bằng tấm lòng nhân ái với sự bền bỉ của những việc làm thiện nguyện. Cao cả hơn, người phụ nữ Nhật này còn muốn cứu dòng sông Hoài, với dự án làm sạch môi trường, lôi cuốn và giáo dục những người trẻ biết yêu quý thiên nhiên bằng nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa…

Anh Chiến Lê (nhân vật trong bài Những người đem cả gia tài “đổ xuống biển”) trong một buổi chăm sóc sinh vật biển cứu hộ

TGCC

Sống đẹp còn là nghị lực của những con người vượt qua chính mình; không lùi bước trước nghịch cảnh, bệnh tật, làm nên những kỳ tích mà người bình thường cũng chưa chắc làm được. Có thể nào tin cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tâm ở Ý Yên, Nam Định mắc bệnh xương thủy tinh, số lần gãy xương gấp đôi số tuổi, qua nhiều cuộc phẫu thuật đau đớn, vẫn cố học đến lớp 9, mở lớp dạy học miễn phí cho hàng trăm học sinh, suốt 17 năm. Tâm sáng lập quỹ học bổng dành cho trẻ em nghèo và không gian đọc sách để lan truyền giá trị tri thức. Với Tâm, điều quan trọng không phải là sống bao nhiêu tuổi mà sống tích cực, hành động tích cực như thế nào khi được sống.

Lòng nhân ái, tình người, nghị lực vượt qua nghịch cảnh, sống là cho đi, là tận hiến; là lòng ái quốc chuyển hóa trong công việc nâng niu những mầm non vùng biên giới, giữ xanh sạch biển trời, nâng niu sự sống là một vẻ đẹp bật lên từ mạch nguồn văn hóa dân tộc. Mỗi chân dung trong cuộc thi viết Sống đẹp là ngọn lửa ấm áp, soi chiếu vào tâm hồn người đang sống, lan tỏa những giá trị yêu thương.

Cảm ơn những “ngọn lửa” sống đẹp đã được thắp lên từ những trái tim nồng ấm dành cho cuộc đời, từ những việc làm ngỡ như giản dị, bé nhỏ, thầm lặng mà thật cao cả, phi thường. Lửa sống đẹp ấy đã truyền dẫn cho chúng ta sức mạnh vượt qua những ngày khó khăn trong đại dịch, có thêm niềm tin khi cùng nhau làm những điều dù bé nhỏ bằng trái tim vĩ đại, cuộc sống này sẽ đẹp hơn biết bao lần. Và cuộc thi với nhiều nỗ lực đã làm mới, lan tỏa những giá trị sống đẹp vào xã hội, đặc biệt tác động sâu sắc đến với những người trẻ hôm nay.

Kết quả cuộc thi viết Sống đẹp

Sau hơn 6 tháng phát động và diễn ra, cuộc thi đã nhận được 418 bài tham gia. Ban giám khảo vòng sơ khảo (của Báo Thanh Niên) chọn 40 tác phẩm vào vòng chung khảo. Các giám khảo vòng chung khảo là nhà văn Trầm Hương - Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân - cố vấn Trung tâm báo chí TP.HCM, Hoa hậu H’Hen Niê - Ủy viên T.Ư Hội LHTN Việt Nam, nhà báo Hải Thành - Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, và nhà báo Lâm Hiếu Dũng - Ủy viên Ban Biên tập, Tổng thư ký tòa soạn báo in.

Giải dành cho tác giả:

- 1 giải nhất: Những người đem cả gia tài “đổ xuống biển”, tác giả: Kem Ly.

- 2 giải nhì: Ngồi hát giữa cuộc đời, tác giả: Dương Châu Giang; Lê Hữu Nam và trái tim không tật nguyền!, tác giả: Mai Đức Trung.

- 3 giải ba: Susanne - “bà Tây từ thiện” với trái tim nhân ái, tác giả: Nguyễn Văn Lực; Những người giữ lửa cho bếp cơm gần 30 năm giữa Sài Gòn, tác giả: Nhật Linh; Bông hoa đẹp giữa cuộc đời, tác giả: Việt Ngô.

- 5 giải khuyến khích: Biến nỗi đau sau tai nạn thành hành động sẻ chia, tác giả: Lê Văn Hiến; Người “thổi tù và” trên rẻo cao Tây Bắc, tác giả: Phạm Thị Yến; Cha Tịch thai nhi, tác giả: Bùi Thuận; Trái tim người ở núi, tác giả: Lộc Vừng; Sự tử tế thầm lặng giữa đêm khuya, tác giả: Phạm Thị Mỹ Nhung.

Bài viết được yêu thích nhất (bài có số lượt xem và lượt like cao nhất trên Thanh Niên Online): Cưu mang mẹ con người phụ nữ tâm thần bằng lòng nhân ái, tác giả: Hương Ly.

5 nhân vật được vinh danh: là nhân vật trong các tác phẩm:

- Lớp học “5 không” của cô giáo xương thủy tinh, tác giả: Thái Bình.

- Cha Tịch thai nhi, tác giả: Bùi Thuận.

- Susanne - “bà Tây từ thiện” với trái tim nhân ái, tác giả: Nguyễn Văn Lực.

- Những người giữ lửa cho bếp cơm gần 30 năm giữa Sài Gòn, tác giả:

Nhật Linh.

- Cụ ông 100 tuổi giúp đời không mệt mỏi, tác giả: Thiên Lộc.

Vì diễn biến dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, lễ trao giải và tổng kết cuộc thi viết Sống đẹp xin được dời lại, dự kiến vào đầu năm 2022. Địa điểm và thời gian cụ thể sẽ được thông tin trên các kênh của Báo Thanh Niên.

Nguyên Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.