Lừa xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc: Làm sao để tránh 'bẫy' của kẻ xấu?

18/05/2021 18:34 GMT+7

Hơn 200 người đóng tiền để xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc bằng tàu chở hàng bất hợp pháp vừa bị công an Đà Nẵng giữ lại. Vụ việc khiến các bạn trẻ lo ngại về tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động.

Theo thông tin từ Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.Đà Nẵng ngày 17.5, cơ quan chức năng phát hiện thêm hơn 200 người đến từ 18 tỉnh, thành đến Đà Nẵng để chờ xuất cảnh trái phép đi Hàn Quốc. Những người này phải nộp 5 triệu đồng/người để lo thủ tục giấy tờ. Đến Đà nẵng, họ phải nộp thêm 300 USD/người cho khoản chi tiêu trên tàu và dự tính nhập cảnh Hàn Quốc thành công sẽ phải nộp thêm khoảng 200 - 250 triệu đồng/người.

Lộ diện chiêu lừa đưa người đi Hàn Quốc bằng tàu biển với giá 10.000 USD/người

Lợi dung tâm lý người lao động

Trả lời phỏng vấn với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB-XH, lý giải: “Trong thời gian qua, lợi dụng tâm lý mong muốn đi làm việc ở nước ngoài để có thu nhập cao, nhiều tổ chức, cá nhân đã đưa ra các thông tin về việc tổ chức cho người lao động ra nước ngoài bằng các hình thức khác nhau như đi làm việc, du lịch hoặc du học ở nước ngoài".
Theo ông Liêm, những tổ chức, cá nhân này thường đưa ra các điều kiện, tiêu chuẩn và thủ tục đi nước ngoài đơn giản với thủ đoạn tinh vi nhằm tạo lòng tin cho người lao động về viễn cảnh làm việc ở nước ngoài với thu nhập cao.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã nhận được nhiều đơn thư tố cáo, khiếu nại từ người lao động bị lừa đảo và chuyển cho cơ quan công an điều tra và xử lý theo pháp luật. Bên cạnh đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước nhiều lần cảnh báo tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Công ty xuất khẩu lao động quảng cáo không đúng sự thật

“Một số công ty xuất khẩu lao động cạnh tranh không lành mạnh đã quảng cáo không đúng sự thật, vẽ vời viễn cảnh tốt đẹp và đánh lừa nhiều người lao động”, ông Huỳnh Hồ Đại Nghĩa, một chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực xuất khẩu lao động thuộc Công ty Dệt may Sài Gòn, chia sẻ.
Theo ông Nghĩa, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc áp dụng quy định hạn chế đối với lao động nước ngoài dẫn đến nhiều người bị kẹt lại với “giấc mơ xuất ngoại”. "Đó cũng là lý do một số lao động đã liều lĩnh tìm đến các công ty lừa đảo", ông Nghĩa nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Lanh, trợ lý giám đốc Công ty TNHH Esuhai, cho rằng người lao động giờ đây khó có khả năng bị lừa đảo vì họ có thể tìm hiểu qua các trang tìm kiếm và có thể biết nơi nào là chính thống, nơi nào có dấu hiệu lừa đảo.
“Tuy nhiên, không ít người có tư duy dùng tiền để giải quyết mọi chuyện, chẳng hạn sẵn sàng bỏ tiền ra để có thể đi ra nước ngoài nhanh nhất, bất chấp đó là con đường bất hợp pháp. Nếu qua các công ty chính thống, người lao động phải mất thời gian học tiếng, học nghề, thủ tục lại lâu và rắc rối hơn, nên một số người muốn “đi tắt”. Lợi dụng tâm lý này, những kẻ xấu mới có cơ hội để lừa đảo”, ông Lanh phân tích.

Chọn con đường chính thống, hợp pháp để tránh kết cục xấu

Theo ông Huỳnh Hồ Đại Nghĩa, nếu đi bằng con đường bất hợp pháp, người lao động sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro như mất tiền mà không xuất cảnh được, khả năng đòi lại tiền cũng không cao.
"Nếu xuất cảnh thành công, người lao động không biết tiếng, phải làm chui những công việc tay chân, khả năng cao không có hợp đồng lương hay chế độ bảo hiểm, quyền lợi cũng không được đảm bảo và khi xảy ra chuyện gì ở nước bạn thì cũng không có đại diện công ty phái cử hay các nghiệp đoàn đứng ra bảo vệ. Đó là chưa kể dễ bị bóc lột và đối xử bất hợp pháp", ông Nghĩa lưu ý.
Để ngăn ngừa tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động, ông Nguyễn Gia Liêm cho rằng người lao động không nên tìm cách đi làm việc ở nước ngoài bằng mọi giá mà hãy chọn con đường chính thống, hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước tiếp nhận lao động.
“Hiện thông tin về thị trường lao động ngoài nước và danh sách các cơ quuan có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được đăng tải trên trang thông tin điện tử Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm lao động ngoài nước hoặc của sở LĐ-TB-XH ở các địa phương", ông Liêm lưu ý.
Người lao động phải trực tiếp liên hệ với tổ chức được phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và đề nghị họ cung cấp thông tin đầy đủ về công việc, tiền lương, thu nhập, điều kiện làm việc, sinh hoạt và bảo hiểm xã hội, cũng như thủ tục và những khoản tiền chi phí để đi làm việc ở nước ngoài, theo ông Liêm
"Bên cạnh đó, người lao động chỉ nộp các khoản chi phí sau khi đã ký hợp đồng, đồng thời đề nghị doanh nghiệp cung cấp hóa đơn, chứng từ ghi rõ các khoản thu, trên hóa đơn, chứng từ phải có tên và dấu của doanh nghiệp cùng chữ ký, họ và tên người có trách nhiệm của doanh nghiệp để làm cơ sở giải quyết khi có tranh chấp phát sinh. Tuyệt đối không nộp tiền thông qua tổ chức, cá nhân trung gian”, ông Liêm nêu rõ.
Mặt khác, ông Nghĩa cho rằng bạn trẻ có thể tìm kiếm các doanh nghiệp được xếp hạng hàng năm của Hiệp hội Xuất khẩu lao động, các doanh nghiệp đang ký kết hợp đồng hợp tác với Trung tâm Dịch vụ Việc làm các tỉnh, hoặc người thân, bạn bè đã từng đi xuất khẩu lao động tại các công ty uy tín trước đó.
“Các bạn trẻ hãy tỉnh táo và nghĩ đến tương lai lâu dài để tránh đi vào “vết xe đổ” của rất nhiều trường hợp mà báo chí đã nêu về những người lao động ra nước ngoài bằng con đường bất hợp pháp”, ông Nguyễn Xuân Lanh chia sẻ.

Dấu hiệu nhận biết về lừa đảo xuất khẩu lao động

Theo ông Huỳnh Hồ Đại Nghĩa, người lao động có thể nhận biết một công ty lừa đảo về xuất khẩu lao động bằng các dấu hiệu như: không có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc tìm lý do từ chối cho xem giấy phép khi có yêu cầu. 
"Công ty hoặc cá nhân lừa đảo thường tư vấn thông tin chi phí rẻ, nhưng khi tham gia thì thu phí cao hơn nhiều so với quy định của Bộ LĐ-TB-XH. Họ thường tư vấn là đi nhanh, học tiếng ít. Bên cạnh đó, thông tin tuyển dụng đơn hàng thường mập mờ, không rõ tên công ty, không có địa chỉ nơi làm việc, không có mức lương cơ bản, không có hình ảnh chứng minh công việc cụ thể", ông Nghĩa lưu ý.
Bên cạnh đó, kẻ lừa đảo xuất khẩu lao động  thường có chiêu trò tô vẽ về điều kiện sống, mức lương cao gấp 2-3 lần so với lương cơ bản thực tế đã được các nước quy định và công khai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.