Luật Báo chí không theo kịp với sự đổi mới công nghệ thông tin

10/06/2023 17:31 GMT+7

Luật Báo chí năm 2016 đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn không ít bất cập do luật không theo kịp với sự đổi mới về khoa học - công nghệ thông tin trong thời kỳ kỷ nguyên số.

Đây là ý kiến được nhiều đại biểu nêu ra tại Hội thảo khoa học: "Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi luật Báo chí 2016" do Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Bộ TT-TT và Trường ĐH Luật Hà Nội tổ chức ngày 10.6.

Luật Báo chí không theo kịp với sự đổi mới công nghệ thông tin - Ảnh 1.

Hội thảo thu hút rất nhiều đại diện các cơ quan báo chí, diễn giả, nhà khoa học

THU HẰNG

Theo Bộ TT-TT, sau 6 năm thực hiện, luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí phát triển vượt bậc. Quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn không ít bất cập do luật Báo chí không theo kịp với sự đổi mới về khoa học - công nghệ thông tin trong thời kỳ kỷ nguyên số. Bộ TT-TT đã có báo cáo gửi Chính phủ về kết quả nghiên cứu, rà soát luật Báo chí năm 2016 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung.

Qua rà soát, có 27 nội dung, nhóm nội dung có quy định bất cập do luật Báo chí không phù hợp với thực tiễn của pháp luật báo chí. Những vấn đề này cho thấy việc sửa đổi, bổ sung luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển, đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập, bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Xây dựng mô hình tổ hợp truyền thông

TS Phan Văn Kiều, Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (Hà Nội), đánh giá: "Luật Báo chí là khuôn khổ pháp lý quan trọng nhất để báo chí hoạt động trong bối cảnh xã hội và bản thân nền báo chí đang có nhiều biến động, chuyển đổi liên tục, đa chiều. Khái niệm báo chí hiện nay không bao hàm được hết vấn đề truyền thông số đặt ra. Nếu không mở rộng phạm vi điều chỉnh, báo chí rất khó cạnh tranh với các loại hình khác".

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT-TT), cho hay với sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ, ngày càng sinh ra nhiều loại hình truyền thông mới. Báo chí chỉ là một trong hệ sinh thái đó.

Hiện, báo chí hoạt động trên rất nhiều nền tảng. Nhiều cơ quan báo chí trên thế giới, số lượng bạn đọc vào tên miền đọc ngày càng giảm đi, bạn đọc vào các nền tảng lại tăng lên. Nhiều cơ quan báo chí trong nước có tài khoản trên nền tảng Facebook, TikTok…, chúng ta phải tính đến việc này.

Về mô hình báo chí, ông Hiếu nêu vấn đề: "Nhiều cơ quan báo chí có các loại hình, nhiều ấn phẩm hoạt động đa nền tảng, đa dịch vụ… Mô hình như hiện nay có phù hợp không? Theo chúng tôi, nên xem xét xây dựng tổ hợp truyền thông báo chí. Trong tổ hợp có nhiều cơ quan báo chí, hoạt động đa loại hình nền tảng, đa dịch vụ… Người đứng đầu cơ quan này sẽ là chủ bút, chủ báo".

Để triển khai kế hoạch tiếp theo trong quy hoạch báo chí, đối với cơ quan chủ quản có nhiều cơ quan báo chí như TP.Hà Nội, TP.HCM, T.Ư Đoàn…, muốn giữ thương hiệu báo chí lớn, có uy tín, có vai trò dẫn dắt dư luận, ông Hiếu cho rằng, hướng đi chủ bút, chủ báo sẽ phù hợp với mô hình cơ quan báo chí lớn.

Từ những bất cập của luật Báo chí, PGS - TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam), đề xuất nên sửa đổi tên gọi thành luật Báo chí truyền thông, mở rộng phạm vi đối tượng điều chỉnh.

Theo bà Hằng, trọng tâm của chuyển đổi số báo chí là đưa sản xuất nội dung và phân phối nội dung lên môi trường số. "Vì vậy, luật Báo chí sửa đổi cần bổ sung các quy định về nền tảng số, vấn đề an toàn thông tin, an ninh truyền thông, quy định về bản quyền, cơ chế mua và sử dụng các phần mềm công nghệ số, trí tuệ nhân tạo ở các cơ quan báo chí truyền thông.

Bên cạnh đó, cần quy định về quyền hạn và trách nhiệm của các chủ thể trong sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất, quản trị tòa soạn, quản lý báo chí truyền thông và các bên liên quan trong hệ sinh thái số", bà Hằng kiến nghị.

Cần phân biệt rõ ranh giới báo và tạp chí điện tử

Từ những khó khăn, thách thức đối mặt trong quá trình chuyển đổi số và phát triển đa nền tảng, trong tham luận gửi đến hội thảo, Báo Thanh Niên cũng có một số đóng góp để sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định của luật Báo chí.

Nhà báo Đặng Thị Phương Thảo, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, cho rằng luật Báo chí 2016 chưa có sự phân biệt và lượng hóa rõ ràng giữa báo và tạp chí điện tử. Đây cũng là nguyên nhân khách quan, bởi sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số dẫn đến ranh giới giữa báo và tạp chí trên nền tảng internet hiện nay rất mong manh.

"Tình trạng nhập nhằng giữa báo và tạp chí, hay "báo hóa" gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của báo chí. Đặc biệt, nhiều tạp chí điện tử đưa thông tin nặng về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội; tin, bài giật tít "câu view" đã rời xa chức năng, nhiệm vụ chính nhưng cơ quan quản lý nhà nước vẫn khó xử lý", nhà báo Đặng Thị Phương Thảo phản ánh.

Mặt khác, hiện nay, nhiều cơ quan báo chí (nhất là báo điện tử) lại do doanh nghiệp (đứng phía sau) quản lý và thao túng, đăng tải thông tin vô tội vạ. Để chấn chỉnh thực trạng này, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên góp ý: "Luật Báo chí cần phải khẳng định: doanh nghiệp không được thành lập, quản lý cơ quan báo chí. Bộ TT-TT cần soát xét thật kỹ trước khi cấp phép thành lập cơ quan báo chí".

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học - công nghệ, truyền thông hiện đại, một số quy định của luật Báo chí đã bộc lộ bất cập, chưa đáp ứng được thực tiễn hoạt động báo chí.

"Các ý kiến đánh giá của đại diện các cơ quan, các diễn giả, nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan thuộc các lĩnh vực khác nhau sẽ đưa ra cái nhìn khách quan, đầy đủ các khía cạnh liên quan về hoạt động báo chí, công tác quản lý nhà nước về báo chí trong giai đoạn hiện nay. Bộ TT-TT sẽ tổng hợp những ý kiến để lập đề nghị trình Chính phủ xin ý kiến về những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung trong luật Báo chí năm 2016", ông Lâm nói. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.