Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vừa được thông qua có điểm 'đột phá lùi'?

17/11/2020 19:28 GMT+7

Chiều nay 17.11, dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi được Quốc hội bấm nút thông qua. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, vẫn còn nhiều hạt sạn trong luật, thậm chí có điểm là bước “đột phá lùi”.

Về dự thảo luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi mới được Quốc hội thông qua, TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT, cho rằng quy định "đối với các thông số đã được quan trắc tự động liên tục thì không phải quan trắc định kỳ" tại điều 111 về quan trắc nước thải và điều 112 về quan trắc khí thải là bước... “đột phá lùi”.
“Vì nó ngược với các luật Bảo vệ môi trường trước đây, ngược với thế giới, ngược với khoa học. Những người làm môi trường ai cũng biết quan trắc tự động, liên tục từ cổ chí kim chưa bao giờ thay thế được quan trắc định kỳ đối với các thông số được quy định trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn đã ban hành. Đơn giản là vì cho đến nay, trên thế giới quan trắc tự động chưa được công nhận là phương pháp tiêu chuẩn giống như phương pháp định kỳ”, TS Tùng cho biết.
Theo TS Tùng, quan trắc tự động rất cần để theo dõi cảnh báo đối với nguồn thải lớn, nhưng không dùng để thanh tra xử phạt.
“Trên thế giới không luật bảo vệ môi trường nào dám quy định như luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vừa thông qua, kể cả ở những nước có công nghệ tiên tiến, nước phát triển. Ngay từ khi dự thảo, dù đã có nhiều ý kiến chuyên gia góp ý đề nghị bỏ, nhưng Bộ TN-MT vẫn cương quyết đưa vào”, TS Tùng nói.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đối thoại với TS Hoàng Dương Tùng và nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An về dự thảo luật Bảo vệ Môi trường

Ảnh Lê Quân

Lời hứa của Bộ trưởng...

Cũng theo TS Tùng, tại buổi đối thoại hôm 5.11, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cũng đã nói sẽ sửa với tinh thần “luật không tiến được cũng đừng thụt lùi”. Tuy nhiên, trong bản tiếp thu gửi đến các đại biểu Quốc hội trước giờ bấm nút thông qua không lâu, vẫn đề cao quan trắc tự động đến thế và cuối cùng luật Bảo vệ môi trường đã được bấm nút thông qua.
“Luật Bảo vệ môi trường rất quan trọng đối với đất nước, không thể có những cái ngược, cái lùi như thế. Đừng để những "ý chí" thắng chân lý khoa học như vậy trong luật”, TS Tùng nói.
Cũng theo TS Tùng, tại điều khoản về việc công khai Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tiếp tục không được chỉnh sửa sau nhiều đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức xã hội.
Cụ thể, theo khoản 2 điều 38 dự thảo luật vừa được thông qua quy định cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM "công khai trên cổng thông tin điện tử quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, trừ các thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật".
Như vậy, cơ quan thẩm định ĐTM chỉ công khai quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM. Việc công khai báo cáo ĐTM được đẩy sang vai chủ đầu tư dự án theo khoản 5 điều 37 của luật này.

Một số điểm Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói sẽ sửa đổi trong dự thảo luật Bảo vệ Môi trường đã không được tiếp thu khi thông qua luật, gây thất vọng trong giới khoa học

Ảnh Lê Quân

Theo TS Tùng, tại buổi đối thoại với nhóm các nhà khoa học, chuyên gia hôm 5.11, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cũng đã nói sẽ tiếp thu kiến nghị của các nhà khoa học về nội dung cơ quan thẩm định phải công khai báo cáo ĐTM khi tiếp nhận thẩm định. Nhưng đến khi thông qua luật, với quy định như đã dẫn ở trên, khác nào hạn chế quyền tiếp cận ĐTM của cộng đồng, chưa thay đổi rõ bản chất của điều luật.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.