Đó là một trong nhiều ý kiến của bạn đọc về bài viết Đừng để những bản án treo lơ lửng trên đầu các nhà báo trên Thanh Niên số ra ngày 15.11.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) phát biểu thảo luận dự luật Báo chí (sửa đổi) hôm 14.11 - Ảnh: Ngọc Thắng |
Cố tình không cung cấp tin
Chính phủ đã quy định về người phát ngôn cho báo chí nhưng thực tế là khi người phát ngôn “đi vắng”, “đi công tác” thì không ai dám cung cấp thông tin. Đây là khó khăn, rào cản lớn khiến nhà báo không thể tiếp cận được thông tin. Theo tôi, cần quy định “mở” hơn để báo chí tiếp cận thông tin, ví dụ nếu người phát ngôn đi vắng thì phải có người thay thế, không thể vịn vào lý do này mà tìm cách “né” báo chí được.
Võ Mỹ Duyên ([email protected])
Sao phải cung cấp ?
Tôi thấy luật yêu cầu nhà báo phải có nghĩa vụ cung cấp nguồn tin mà nhà báo điều tra, phát hiện là không nên. Ai cũng biết, nguồn tin là yếu tố sống còn của nhà báo, nếu buộc nhà báo phải cung cấp nguồn tin mà mình biết trong mọi trường hợp thì người cung cấp nguồn tin có còn dám cung cấp tin cho nhà báo nữa hay không?
Tạ Minh Huy ([email protected])
Nên tạo điều kiện cho báo chí hoạt động
Nhiều nhà báo và các cơ quan báo chí có đóng góp vô cùng to lớn vào việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Họ không sợ khó khăn, nguy hiểm để có những tác phẩm báo chí đi vào lòng bạn đọc, được bạn đọc đánh giá cao. Thiết nghĩ luật báo chí nên có thêm các điều luật bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp.
Nguyễn Phong (Phong@[email protected])
Nên quy định riêng
Dự luật Báo chí (sửa đổi) có đưa “trang thông tin điện tử tổng hợp” vào luật. Lâu nay các cơ quan báo chí rất e ngại những trang thông tin điện tử tổng hợp khi họ ăn cắp bản quyền một cách trắng trợn. Những trang thông tin điện tử tổng hợp trong và ngoài nước đã biến cái của người khác thành cái của mình một cách bất hợp pháp để thu lợi. Nên chăng, luật Báo chí không nên thừa nhận trang thông tin điện tử tổng hợp là báo chí và chịu sự tác động của luật mà cần có một quy định, một cơ chế riêng để quản lý, xử phạt các trang mạng này.
Lê Trọng Thắng ([email protected])
Phản hồi kịp thời
Luật báo chí cần quy định trách nhiệm phản hồi nhanh, kịp thời từ các cơ quan, đơn vị khi bị báo chí phản ánh sai trái. Tôi có cảm giác nhiều cơ quan, đơn vị bị “lờn” thuốc. Dù báo chí phản ánh sai trái, không chỉ một báo mà nhiều báo phản ánh nhưng họ vẫn “lì” ra, không phản hồi gì khiến không chỉ dư luận mà nhà báo cũng rất bức xúc. Luật cần quy định rõ trách nhiệm này và hướng xử lý nếu cơ quan, đơn vị không phản hồi kịp thời thông tin từ báo chí.
Lê Hoàng Vỹ ([email protected])
Ai cũng biết nguyên tắc xét xử của tòa án là công khai, ai cũng có quyền tham dự, thậm chí tòa còn xét xử lưu động nhằm mục đích tuyên truyền. Thế nhưng, có những phiên xử phóng viên muốn dự phải xin phép, trình giấy giới thiệu của tòa soạn và được tòa án chấp nhận dù không phải xử kín. Luật cần bảo vệ nhà báo trong trường hợp như thế này.
Thạc sĩ - luật sư Nguyễn Tiến Mạnh (Giám đốc công ty luật Hồng Long, TP.HCM)
Luật Báo chí cần có một chế định rõ ràng, đủ mạnh để bảo vệ nhà báo, xử lý nghiêm minh, thậm chí truy trách nhiệm hình sự, đối với hành vi cản trở hoạt động báo chí. Có như vậy, nhà báo mới phát huy hết năng lực và vai trò của báo chí mới càng mạnh hơn.
Luật sư Nguyễn Văn Tâm (Đoàn luật sư TP.HCM)
T.T - Duy Khang (thực hiện)
|
Bình luận (0)