Luật chờ nghị định

12/07/2014 03:00 GMT+7

Câu chuyện số người nghiện ma túy đang tăng lên trong cộng đồng, đe dọa an ninh trật tự, trong khi cơ quan chức năng bối rối chờ hướng dẫn, không chỉ là bức xúc xã hội của các địa phương tại thời điểm này mà nó bộc lộ vấn đề lớn hơn - những bất cập trong quá trình ban hành và thực thi pháp luật.

Câu chuyện số người nghiện ma túy đang tăng lên trong cộng đồng, đe dọa an ninh trật tự, trong khi cơ quan chức năng bối rối chờ hướng dẫn, không chỉ là bức xúc xã hội của các địa phương tại thời điểm này mà nó bộc lộ vấn đề lớn hơn - những bất cập trong quá trình ban hành và thực thi pháp luật.

Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2013, nhưng riêng các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do TAND xem xét thì được lùi hiệu lực đến ngày 1.1.2014, chính là bởi Quốc hội cũng xác định sự thay đổi thẩm quyền quyết định biện pháp hành chính sang biện pháp tư pháp là phức tạp. Đáng tiếc, việc lùi thời hạn đó cũng không giúp công tác chuẩn bị tốt hơn. Hàng nghìn con nghiện nhởn nhơ, gây án nhưng các cơ quan chức năng không thể đưa vào các cơ sở cai nghiện tập trung, giáo dục bắt buộc, do thiếu các hướng dẫn về... biểu mẫu.

Thực ra, chuyển giao quyền đưa người nghiện đi cai bắt buộc từ UBND cấp huyện sang TAND cùng cấp là một sự tiến bộ của luật pháp, nhằm bảo đảm quyền con người. Nhưng chuyện không ai xử lý được con nghiện, không một con nghiện nào được đưa đi cai bắt buộc trong suốt 6 tháng, khi mà theo thống kê của Bộ Công an, 50% người nghiện ma túy có các vấn đề về sức khỏe tâm thần và thể chất, 38% có tiền án, tiền sự, lại là chuyện không thể chấp nhận được, đối với một xã hội có pháp luật.

Có 2 chuyện cần phải bàn ở đây. Đầu tiên - bệnh kinh niên của chúng ta, việc tính toán chi phí, điều kiện, bảo đảm luật pháp được thi hành rất ít được đề cập đến trong quá trình lập pháp. Chẳng hạn, vấn đề quan trọng nhất để thực hiện chuyển giao quyền đưa người nghiện đi cai bắt buộc từ cơ quan hành chính sang cơ quan tư pháp là phải có một hệ thống tư pháp thật tốt về cơ sở vật chất, về chuyên môn nghiệp vụ. Nhưng 6 tháng sau khi luật có hiệu lực mà các ngành vẫn còn lúng túng về sự phối hợp, trách nhiệm không rõ, thủ tục mù mờ là quá chậm trễ. Những người có công với cách mạng, dù sốt ruột vẫn có thể hiền lành ngồi đợi cả năm, khi pháp lệnh ưu đãi người có công có hiệu lực nhưng chưa có văn bản hướng dẫn; nhưng những con nghiện thì rõ ràng là không. Mô hình tòa án ma túy rất hiệu quả ở Mỹ, Anh, Argentina, Australia, Bỉ, Canada, New Zealand... lẽ ra cần phải được xem xét nghiêm túc trước khi ban hành điều luật này.

Thứ hai, cũng có chuyện, các cơ quan, tổ chức quá máy móc trong việc thực hiện pháp luật. Tâm lý cứ ban hành luật là phải chờ nghị định, ban hành nghị định là phải chờ thông tư rất nặng nề, trong khi không phải bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào cũng phải chờ văn bản hướng dẫn. Cụ thể trong trường hợp này, Nghị định 221/2013/NĐ/CP thực ra đã hướng dẫn rất cụ thể trình tự, thủ tục lập hồ sơ, xử lý hồ sơ người nghiện đi cai nghiện bắt buộc, chả hiểu sao lại còn phải chờ thông tư hướng dẫn? Chậm trễ trong tâm lý cũng là một thực tế cần phải gỡ bỏ ở các cơ quan nhà nước.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.