Luật đã nghiêm cấm bạo lực gia đình, đừng có tùy tiện 'động thủ'!

18/09/2019 10:00 GMT+7

Đó là ý kiến chuyên gia khẳng định và các chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, phụ nữ không nên chịu đựng và im lặng khi bị chồng sử dụng các hành vi bạo lực.

Chiều tối 14.9, đoạn video clip ghi lại cảnh một người đàn ông liên tục sử dụng các hành vi bạo lực như: đánh, bóp cổ, dìm xuống nước một phụ nữ vô cùng dã man. Những hình ảnh từ đoạn clip khiến nhiều người phẫn nộ, nhanh chóng được lan truyền nhanh trên mạng xã hội. Vụ việc sau đó được xác định xảy ra tại địa bàn xã Suối Dây, H.Tân Châu.
Sau khi tiếp cận được đoạn clip, các thành viên Đội cứu nạn Giao thông Tây Ninh đã đưa người phụ nữ đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Tây Ninh, trong ngày 15.9.
Nạn nhân được xác định là chị T.T.T.M (31 tuổi, tạm trú tại xã Suối Dây, H.Tân Châu).
Chị M. cho biết người bạo hành chị một cách dã man trong clip chính là chồng của chị, tên P.C.L (33 tuổi). Và đây cũng không phải là lần đầu tiên chị M. bị chồng đối xử như vậy, dù hai người đã có chung với nhau 2 mặt con. Tuy nhiên, vì con cái, chị đã nhiều lần ngậm đắng nuốt cay, bỏ qua mọi chuyện. Trao đổi với PV Thanh Niên, chị M. vẫn tỏ ra rất lo lắng.

Pháp luật nghiêm cấm các hành vi bạo lực gia đình

Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết hành vi bạo lực trong gia đình sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013. Trong đó, các hành vi xâm hại sức khỏe, hành hạ, ngược đãi thành viên trong gia đình sẽ bị xử phạt từ 1 - 2 triệu đồng.
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, trước hết phải khẳng định rằng pháp luật nghiêm cấm các hành vi bạo lực gia đình như hành hạ, đánh đập, ngược đãi. Và chế tài đầu tiên chính là xử phạt hành chính.
Ngoài ra, luật sư Bùi Quốc Tuấn cho hay, nếu việc hành hạ gây thương tích, đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tuy nhiên, luật sư Tuấn cũng nhấn mạnh: “Khoản 1 Điều 134 bộ luật Hình sự 2015 là tội danh được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Vì vậy, nếu như người vợ không tố cáo chồng hoặc tố cáo, nhưng sau đó rút đơn thì người chồng sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Luật sư Trần Mạnh Hùng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cũng cho hay, trong trường hợp trên, việc đầu tiên là cơ quan chức năng cần thuyết phục, đưa người vợ đi giám định về tỷ lệ tổn thương cơ thể, nếu dưới 11% hoặc từ 11% đến 30%, thì mới cần xét tới yếu tố người vợ có yêu cầu khởi tố vụ án hay không. Nếu từ 31% trở lên, cơ quan tiến hành tố tụng cần khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Ngoài ra, luật sư Trần Mạnh Hùng cũng nêu, phụ nữ, đặc biệt là những người vợ không nên im lặng và chịu đựng trước đòn roi, hoặc các hành vi bạo lực của người chồng. Vì một khi đàn ông đã "ra tay" lần một, thì rất dễ "ngựa quen đường cũ".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.