Luật Đất đai chưa chú ý đến cảnh ‘một nhà 4 người sống trong 10 mét vuông’

14/11/2022 14:26 GMT+7

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận ), luật Đất đai mới cần đảm bảo quyền tiếp cận đất đai của người dân, cũng như tháo gỡ các nút thắt để phát triển nhà ở xã hội chưa được tháo gỡ.

Thảo luận tại hội trường sáng 14.11 về luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hữu Thông khuyến nghị, khi sửa đổi và ban hành luật Đất đai mới cần đảm bảo quyền tiếp cận đất đai của người dân như thế nào, đặc biệt là nhóm đối tượng như công nhân, người lao động và dân cư ở nông thôn.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông khuyến nghị, khi sửa đổi và ban hành luật Đất đai mới cần đảm bảo quyền tiếp cận đất đai của người dân

gia hân

Theo ông, các khu công nghiệp mọc lên rất nhiều trên mọi miền đất nước, nhưng quản lý quy hoạch nhà ở cho công nhân, người lao động chưa được quan tâm đúng mức. Công nhân là một trong những lực lượng lao động chính phải thuê trọ ở các khu dân cư khá xập xệ.

“Không ít gia đình có 4 người, vợ chồng, con cái sống trong những ngôi nhà chưa đầy 10 m2, bao gồm cả nhà vệ sinh, họ không dám mua tủ lạnh, máy giặt vì không có chỗ để”, đại biểu Thông nói. Ông cũng đề xuất bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, xác định chỉ tiêu đất làm nhà ở cho công nhân, người lao động tuỳ theo nhu cầu thực tế.

Đáng chú ý, luật Đất đai quy định miễn tiền sử dụng đất với các trường hợp xây dựng nhà ở xã hội, tuy nhiên luật Đầu tư, luật Đấu thầu quy định đất đã giải phóng mặt bằng cần phải đấu giá chọn nhà đầu tư. Sự mâu thuẫn, chồng chéo này khiến doanh nghiệp khó tiếp cận quỹ đất để làm nhà ở xã hội, nên cơ quan soạn thảo luật cần có phương án xử lý nút thắt này.

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông: “Không ít gia đình 4 người sống trong ngôi nhà chưa đầy 10 mét vuông”

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp nên giao cho ai?

Tranh luận về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng luật hiện hành quy định ngoài toà án nhân dân thì có chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện giải quyết. Theo bà Thuỷ, cần hết sức cân nhắc sửa đổi quy định này.

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

gia hân

Lý do, từ trước đến nay luật luôn giao cho UBND giải quyết tranh chấp đất đai, do đây là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về đất đai, thuận tiện thu thập hồ sơ, tài liệu nguồn gốc đất. Bên cạnh đó, sửa luật cần căn cứ trên cơ sở kết quả tổng kết thực tiễn, nhưng trong các tài liệu hồ sơ dự án luật không có thông tin lý do tại sao bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của UBND.

Bà Thủy cho biết, việc giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho cả toà án nhân dân và UBND giúp người dân có thêm lựa chọn, không phải nộp lệ phí. “Nếu bỏ thẩm quyền của UBND sẽ thu hẹp bớt quyền lựa chọn của người dân, đã bỏ đi một cơ chế giải quyết có tính linh hoạt và ưu việt riêng”, đại biểu Thuỷ nhìn nhận.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) thì cho rằng, trong cơ chế giải quyết tranh chấp tại dự thảo luật sửa đổi đề cập đến toà án, trọng tài, hoà giải ở cơ sở, toà án, nhưng còn phương thức xử lý hiệu quả để đảm bảo quyền tự do lựa chọn của người dân đã được quy định là hoà giải thương mại.

“Trong mọi trường hợp, việc chúng ta quyết định giá hay phê duyệt giá thì mục tiêu cao nhất không phải là chúng ta được nhiều tiền nhất, mà phải làm sao để doanh nghiệp tiếp cận đất đai với mức giá hợp lý, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”, ông Lộc nói.

Đại biểu quốc hội Dương Khắc Mai: "Cứ nghĩ đến giá đất nhiều người muốn sở hữu nó lại lạnh hết cả người"
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.