Thảo luận tại tổ về dự luật Giá chiều 8.11, nhiều ĐBQH đề nghị luật cần quy định rõ nhóm hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá và đặc biệt là phải chống cho được nạn đầu cơ, trục lợi đẩy giá cả hàng hóa, dịch vụ lên cao vốn đang phổ biến hiện nay.
Phát biểu tại tổ TP.HCM, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận xét biện pháp bình ổn giá là cần thiết, nhất là trong bối cảnh lạm phát tăng cao, nhưng dự luật chỉ quy định chung chung mà không ghi rõ danh mục mặt hàng nào thuộc diện bình ổn thì sẽ phải chờ rất nhiều nghị định, văn bản hướng dẫn mới thực hiện được. “Cần quy định cụ thể hơn, chuyên biệt hơn với từng nhóm hàng thuộc diện bình ổn trong luật”, bà Tiến đề nghị.
Trong báo cáo thẩm tra về dự luật này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH cũng đề nghị tương tự: cùng với việc xác định tiêu chí mặt hàng diện bình ổn giá cụ thể hơn nữa, cần quy định kèm theo mỗi tiêu chí là loại hàng hóa tương ứng thuộc diện bình ổn giá.
Lo ngại nạn đầu cơ, trục lợi, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) cho rằng quy định về bình ổn giá trong dự luật chưa lường được hết các tình huống phát sinh trên thực tế để có những quy định, chế tài xử lý cho phù hợp. Để khắc phục, ông Hòa đề nghị dự luật cần phân định rõ nhóm hàng hóa giá cả lên xuống theo thị trường, trường hợp biến động bất thường ảnh hưởng tới lợi ích cộng đồng Nhà nước sẽ can thiệp và nhóm hàng hóa, dịch vụ Nhà nước phải can thiệp ngay từ đầu, không chờ đến lúc biến động giá bất thường mới bình ổn, trong đó có thuốc chữa bệnh, học phí.
Ngoài ra, theo ĐB Hòa, luật có nói đến phân quyền phân cấp để thực hiện bình ổn giá, thẩm định giá, can thiệp giá nhưng mới chỉ quy định quyền hạn mà không thấy đề cập đến trách nhiệm trong trường hợp các cấp có thẩm quyền thực thi nhiệm vụ không tốt, chậm trễ; đồng thời, phải có thêm chương xử lý các vi phạm về giá. Còn theo ĐB Trần Du Lịch, để giá cả thực sự ổn định thì một trong những biện pháp đầu tiên là phải chống cho được đầu cơ. "Không chống được đầu cơ thì không bình ổn được giá”, ông Lịch quả quyết.
Bảo Cầm - Tuệ Nguyễn
Bình luận (0)