Luật không rõ ràng, mỗi toà tuyên một kiểu

20/12/2024 19:49 GMT+7

Do luật không rõ ràng, nên một số tòa án tuyên buộc người bị kiện chấm dứt hành vi trái pháp luật, phải thực hiện đúng nhiệm vụ, công vụ được giao nhưng không nêu rõ là gì.

Người phải thi hành án hành chính gặp nhiều khó khăn 

Ngày 20.12, Trường đại học Luật TP.HCM tổ chức hội thảo "Phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Luật không rõ ràng, mỗi toà tuyên một kiểu - Ảnh 1.

Các chuyên gia đóng góp ý kiến để xây dựng pháp luật được hoàn thiện

ẢNH: NGÂN NGA

Theo TS Lê Việt Sơn (Trường đại học Luật TP.HCM), một trong những quyền hạn của tòa án đối với hoạt động quản lý hành chính khi được đánh giá không hợp pháp là tòa án sẽ buộc người có thẩm quyền thực hiện đúng nhiệm vụ, công vụ được giao.

Quy định này không rõ ràng, dẫn đến tòa án ở các địa phương áp dụng không thống nhất. Một số tòa án tuyên chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện, hủy bỏ đối tượng khởi kiện, hoặc yêu cầu chấm dứt hành vi trái pháp luật, buộc người bị kiện thực hiện đúng nhiệm vụ, công vụ được giao nhưng không nêu rõ là gì.

Việc tuyên không rõ ràng như thế này rất dễ dẫn đến hậu quả là gây khó khăn trong việc thi hành án hành chính. Bởi lẽ người phải thi hành án hành chính gặp nhiều khó khăn trong việc xác định nghĩa vụ.

Trong khi đó, một số tòa án lại đưa ra phán quyết quá chi tiết và cụ thể dẫn đến hậu quả pháp lý là bản án bị tòa án cấp trên hủy án để xét xử lại, kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

Cần bổ sung cơ chế bảo đảm cho phán quyết của tòa án  

Về vấn đề này, TAND tối cao đã ban hành công văn giải đáp một số vướng mắc trong xét xử. Cụ thể, hội đồng xét xử không được tuyên như điểm b khoản 2 điều 193 luật Tố tụng hành chính là "buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật".

Ngoài ra, theo tòa tối cao, hội đồng xét xử không được tuyên: "buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước chấm dứt hành vi hành chính trái pháp luật".

Luật không rõ ràng, mỗi toà tuyên một kiểu - Ảnh 2.

Theo TS Lê Việt Sơn, việc bản án tuyên không rõ ràng rất dễ gây khó khăn trong việc thi hành án hành chính

ẢNH: NGÂN NGA

Theo đó, tòa phải tuyên cụ thể hơn các nhiệm vụ, công vụ mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước phải thực hiện theo phần nhận định của bản án, gắn với yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện.

Tuy nhiên, hội đồng xét xử không được tuyên quá chi tiết những việc thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước, hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước. Rõ ràng với hướng dẫn này của TAND tối cao chưa làm rõ được thẩm quyền của tòa án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính ban hành hoặc thực hiện trái pháp luật.

"Để khắc phục được tình trạng trên, chúng tôi cho rằng cần phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thể hiện rõ giới hạn kiểm soát của tòa án đối với các hoạt động quản lý hành chính trái pháp luật", TS Việt Sơn nói.

Cũng theo TS Việt Sơn, đối với đối tượng khởi kiện là quyết định hành chính, ngoài việc tuyên bố hủy bỏ quyết định này và quyết định giải quyết khiếu nại, thì tòa cần tuyên trong bản án buộc người bị kiện ban hành ra quyết định mới (nếu thuộc trường hợp phải ban hành), hoặc giải quyết các hậu quả phát sinh. Chẳng hạn như bồi thường thiệt hại nếu như quyết định đã ban hành gây thiệt hại cho người khởi kiện và tổ chức, cá nhân liên quan theo yêu cầu.

Trường hợp tòa tuyên bố hành vi hành chính là trái pháp luật cần phải tuyên thẳng trong bản án về hành vi hành chính phải thực hiện của người bị kiện...

"Theo tôi, cần phải bổ sung cơ chế bảo đảm cho phán quyết của tòa án được thực thi trên thực tế. Tránh đi trường hợp người bị kiện khi thi hành án ban hành các quyết định tương tự như quyết định đã bị hủy bỏ trước đó", TS Việt Sơn nhấn mạnh.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.